Articles

THANH UY ART GALLERY – “NHÀ CHUNG” CỦA NGHỆ THUẬT ĐỒ HỌA TẠO HÌNH

Nghệ thuật đồ họa tạo hình là gì? Tranh đồ họa trông ra sao? Chúng có gì hấp dẫn? Chắc hẳn, những câu hỏi trên sẽ khiến bạn tò mò về loại hình nghệ thuật “lạ” này. Hãy cùng Noirfoto dạo chơi qua những con chữ, những tác phẩm tranh, và cùng tìm hiểu về Thanh Uy Art Gallery một ngôi “nhà chung” chứa đựng biết bao nhiêu vẻ đẹp của nghệ thuật đồ họa tạo hình Việt Nam nhé.

Thanh Uy Art Gallery Headline
Thanh Uy Art Gallery & Cafe

Tranh đồ họa được hiểu bao gồm hai dạng. Một là những tranh vẽ trên giấy bằng chì, than, mực, màu nước, phấn màu (Graphic Arts), và hai, tiêu biểu hơn, là những tranh in trên giấy/vải/gỗ bằng các kỹ thuật in nổi, in chìm, in phẳng, in xuyên (Printmaking). Chẳng ai biết chính xác thời gian khai sinh nên loại hình nghệ thuật này, chỉ biết rằng, “tổ tiên” của nó chính là những hình vẽ được khắc trên các hang động đá từ thời tiền sử.

Trải qua nhiều thay đổi, qua nhiều mốc thời gian và nhiều vị trí địa lý khác nhau, loại hình này ngày càng phát triển, trở thành một trong những loại hình nghệ thuật gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ hiện nay. 

Điểm độc đáo của loại hình nghệ thuật này là nó được sáng tạo nên từ những ngôn ngữ, ý tưởng độc lập, đôi tay tỉ mẩn của từng họa sĩ, là một trong những phương tiện tạo hình để khám phá, nhận thức thế giới. Những tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật này tiếp cận công chúng thông qua những không gian triển lãm, các bộ sưu tập mỹ thuật, chứ không phải các sản phẩm đồ họa thiết kế công nghiệp, không dành cho việc thương mại đại trà, không nhằm minh họa sách báo, không là áp phích hay tem bưu chính.v..v.. 

Thanh Uy Art Gallery (1)
Tác phẩm “Chợ Bắc Hà” của Họa sĩ Trần Nguyên Đán
Thanh Uy Art Gallery (2)
Tác phẩm “Chợ Lao Động 1” của Họa sĩ Phạm Khắc Quang

Trong giới nghệ thuật thị giác, tranh đồ họa khá phổ biến, với nhiều nghệ sĩ chuyên sáng tác tranh bằng kỹ thuật này như cố Họa sĩ Lê Mai Khanh, Họa sĩ Trần Nguyên Đán, Họa sĩ Phạm Khắc Quang, Họa sĩ Trần Văn Quân… Tuy nhiên, đối với các nhà sưu tập nghệ thuật, việc đầu tư tranh đồ họa ở Việt Nam gặp phải những trở ngại: thị trường còn quá sơ khai, thiếu mọi thứ về tính pháp lý, nên việc có một thị trường lành mạnh, minh bạch và phát triển ổn định, bền vững còn quá mơ hồ.

Còn đối với công chúng, tranh đồ họa vẫn chưa được nhìn nhận bằng các tác phẩm sơn dầu, màu nước… Có lẽ công chúng vẫn chưa hiểu hết, chưa được tiếp xúc nhiều, chưa được xem những nét độc đáo riêng của tranh đồ họa, hay nói đúng hơn là chưa tìm được một nơi lý tưởng để tận lực khám phá cái hay của loại hình nghệ thuật này, nên họ mới không biết là tranh đồ họa hay và đẹp đến thế nào.

Do đó, Noirfoto cảm thấy thật may mắn khi được biết đến Thanh Uy Art Gallery – nơi lưu trữ bộ sưu tập tranh đồ họa đồ sộ nhất Việt Nam, với hơn 2.000 tác phẩm, và được cùng ông Thanh Uy ngồi chuyện trò về câu chuyện sưu tập tranh đồ họa.

Thanh Uy Art Gallery (3)
Ông Thanh Uy – Nhà Sưu tập, Nhà Sáng Lập Thanh Uy Art Gallery.

Vào một buổi chiều đầy nắng, trong mảnh sân nhỏ có chim hót, hoa nở, cùng tách cà phê ngon được tự tay ông Thanh Uy pha mời, Noirfoto đã được nghe ông kể rất nhiều câu chuyện thú vị xuyên suốt 16 năm sưu tầm tranh đồ họa và được đi thưởng lãm khắp các tầng của Thanh Uy Art Gallery, nơi từng tác phẩm được phân loại theo Tác giả, Giai đoạn sáng tác, Chủ đề, Kỹ Thuật và Chất liệu.

Thanh Uy Art Gallery (4)
Một góc phòng trưng bày triển lãm tranh khắc gỗ của Họa sĩ Dũng Dị (Trần Công Dũng) và Họa sĩ Việt Tàu (Lê Quốc Việt) tại Thanh Uy Art Gallery.

Noirfoto thấy được niềm tự hào cùng vui sướng khi nghe ông Thanh Uy kể về “đứa con tinh thần” của mình – Bộ sưu tập Thanh Uy, rằng là nó không chỉ sở hữu sự đa dạng về chất liệu và kỹ thuật mà còn cả sự phong phú trong các dòng tranh từ dân gian đến đương đại, từ các thời kỳ mỹ thuật khác nhau của Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ sưu tập không chỉ tập trung vào các họa sĩ ở một vùng miền, mà còn đầy đủ các tác phẩm từ mọi miền đất nước, từ Bắc vào Nam, từ quá khứ đến hiện tại. Đối với ông, mỗi bức tranh trong bộ sưu tập đều mang đến những giá trị riêng biệt.

Ông cũng điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu, ví dụ như bộ tranh với số lượng tranh nhiều nhất, gồm 60 bức được ghép lại thành một tác phẩm duy nhất mang tên “Một vòng Hoa Giáp” của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, hay những tác phẩm sáng tạo sớm nhất, như bộ tranh in đá của cố họa sĩ Phạm Văn Đôn và Nguyễn Thị Kim, cùng với bộ tranh khắc gỗ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, được tạo ra trong những năm 1950, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đại diện cho một giai đoạn lịch sử quan trọng trong nghệ thuật Việt Nam.

Thanh Uy Art Gallery (5)

Thanh Uy Art Gallery (6)
Góc cafe trưng bày gần 60 bức tranh chân dung khổ nhỏ với nhiều kỹ thuật như: In khắc gỗ, In kẽm, In đá, In khắc thạch cao… của hơn 40 họa sĩ đồ họa hàng đầu Việt Nam như: Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Trọng Hợp, Phạm Văn Đôn, Phan Kế An, Đường Ngọc Cảnh, Trần Nguyên Đán, Nguyệt Nga, Đỗ Đức, Lê Huy Tiếp, Phan Cẩm Thượng…

Nhìn vào bộ sưu tập khổng lồ này, Noirfoto thấy được sự kỳ công của người sưu tập, và lại càng thêm thấm nhuần nét đẹp của niềm đam mê nghệ thuật mãnh liệt khi được nghe ông Thanh Uy kể thêm về những khó khăn ông đã trải qua trong những năm đầu sưu tập. Giai đoạn đấy, mọi thứ dường như mịt mờ khi ông đối mặt với việc thiếu thông tin. Từ việc tìm hiểu về các họa sĩ sáng tác tranh đồ họa, cho đến việc định vị nơi ở của họ và xác định khả năng gặp gỡ, mỗi bước ông đều gặp rất nhiều thách thức. Đôi khi, sau khi tìm ra địa chỉ, ông lại không thể hẹn gặp được họa sĩ, hoặc khi gặp được, họ đã không còn tranh hoặc không muốn bán. 

Ông Thanh Uy kể lại: “Cụ thể như câu chuyện tìm sưu tập những tác phẩm của họa sĩ Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, sau khi tìm được thông tin và liên lạc hẹn gặp nhưng chưa được vì lúc này họa sĩ Nguyễn Thị Kim đã cao tuổi, sức yếu (Chồng là họa sĩ Phạm Văn Đôn đã mất). Và rồi tôi được báo họa sĩ Nguyễn Thị Kim cũng mất do tuổi cao. Mọi thứ thay đổi, chờ đợi một, hai năm không liên lạc được. Tôi tìm thông tin lại từ đầu và liên lạc được với họa sĩ Phạm Mai Châu là con trai, đến xem tranh thì chỉ còn có một bộ tranh in thạch bản (Lithography), nhưng khi thống nhất đến để mua thì bộ tranh đó lại đã được chị gái bán cho người khác rồi. Vậy là không mua được bức tranh đồ họa nào tại nhà họa sĩ Phạm Văn Đôn cả.

Nhưng rồi một ngày tình cờ tôi lại mua được bộ tranh in thạch bản khác tại một nhà sưu tập, và nhiều tranh khắc gỗ của họa sĩ Phạm Văn Đôn tại một Gallery mua được từ Thụy Điển về, mà trước đây họ là chuyên gia tại Việt Nam nên sưu tập, giờ họ mất rồi thì con họ không thích nữa nên bán đi. Nhiều khi việc sưu tập được những tác phẩm cần tìm cũng rất đơn giản, tình cờ mà đôi lúc có cố cũng không được”.

Tranh tại Thanh Uy Art Gallery
Một tác phẩm tranh in thạch bản được trưng bày tại Thanh Uy Art Gallery mang tên “Nữ du kích gác biển” của Họa sĩ Trịnh Kim Vinh.

Ông cũng chia sẻ một số lời khuyên cho những người mới bắt đầu sưu tập tranh đồ họa: “Trong các thú chơi thì sưu tập, nhất là sưu tập tranh sẽ đem lại cho chúng ta nhiều thứ như học được nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, thêm các mối quan hệ, có cơ hội gặp gỡ với các nghệ sĩ và đặc biệt sẽ có nhiều cung bậc cảm xúc. Nên mỗi người hãy sưu tập một thứ gì đó mà mình thích, tùy theo khả năng của mình. Đặc biệt, việc sưu tập khó nhất không phải là mua đồ mà là bảo quản, lưu giữ.

Cho dù bất cứ ai khi muốn sưu tập bất cứ thứ gì thì đầu tiên cần phải có niềm yêu thích và đam mê với thứ đó. Với tranh/tranh đồ họa thì cần phải có thêm kiến thức và kinh tế. Kiến thức thì học qua sách, tài liệu chuyên ngành, xem tranh tại các Bảo tàng trong và ngoài nước, gặp gỡ nói chuyện với các họa sĩ, người sưu tập khác.

Sưu tập dần từ nhỏ đến lớn, từ tác phẩm bé, ít tiền đến tác phẩm lớn nhiều tiền hơn. Việc lựa chọn sưu tập cái gì hoàn toàn mang tính cá nhân, miễn sao người đó thích và vui. Giá trị của một bộ sưu tập sẽ tự nó tăng giá và có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đầu tư mua vài bức tranh để đợi tăng giá”.

Thanh Uy Art Gallery (8)
Một góc phòng Chuyên đề trưng bày các tác phẩm tranh khắc gỗ của các họa sĩ khoá Tô Ngọc Vân giai đoạn 1955-1957 tại Thanh Uy Art Gallery.

Noirfoto cũng có dịp hỏi thêm về những định hướng sắp tới của Thanh Uy Art Gallery. Xuất phát từ sự trân quý nghệ thuật nói chung và nghệ thuật nước nhà nói riêng, đối với ông Thanh Uy, mục tiêu trước mắt của Bộ sưu tập là tập trung vào việc thu thập các tác phẩm tranh đồ họa tiêu biểu của Việt Nam, liên tục hoàn thiện và điều chỉnh Bộ sưu tập của mình nhằm tạo ra một bộ sưu tập đa dạng và chất lượng hơn về cả chiều sâu và chiều rộng.

Kế hoạch tiếp theo của ông là xuất bản các cuốn sách giới thiệu về các họa sĩ tiêu biểu và các tác phẩm đặc sắc trong bộ sưu tập của mình. Đồng thời, các triển lãm trưng bày từng phần của Bộ sưu tập cũng sẽ được tổ chức định kỳ để mọi người có cơ hội thưởng thức và trải nghiệm sâu hơn về nghệ thuật.

Định hướng phát triển chiến lược của Bộ sưu tập Thanh Uy là tạo ra một không gian trưng bày chuyên nghiệp và rộng lớn, nơi những người đam mê cái đẹp, không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới, có thể dễ dàng đến để tham quan và tận hưởng những tác phẩm tranh đồ họa của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ sưu tập cũng đặt kế hoạch tiếp cận và giao lưu với cộng đồng quốc tế thông qua dự định tổ chức các triển lãm ở nước ngoài, nhằm giới thiệu về văn hóa nghệ thuật của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tranh tại Thanh Uy Art Gallery
Thanh Uy Art Gallery đón tiếp đoàn nghệ sĩ do thầy Thế Sơn – giảng viên khóa mỹ thuật đầu tiên tại ĐH Quốc Gia Việt Nam – giới thiệu.

Đối với Noirfoto, đây là một niềm vui rất lớn khi có thể tận mắt nhìn ngắm vẻ đẹp của từng tác phẩm tranh đồ họa, được tận tai nghe những chia sẻ đầy quý báu của một “bậc thầy” sưu tập tranh đồ họa. Nghệ thuật luôn chào đón công chúng, chào đón những người say mê cái đẹp và trân quý những giá trị thủ công tỉ mẩn, do đó, Noirfoto thật sự mong công chúng cũng có thể mở lòng hơn với những giá trị riêng biệt của nghệ thuật đồ họa tạo hình. Vào một ngày nắng đẹp, sao bạn không thử ghé Thanh Uy Art Gallery và thưởng lãm? Chắc hẳn, khi bước ra khỏi phòng tranh, sẽ có chút gì đó thổn thức, thôi thúc bạn muốn ghé lại lần nữa đấy!

Thông tin về Thanh Uy Art Gallery:

Thanh Uy Art Gallery là nơi lưu trữ bộ sưu tập tranh đồ họa đồ sộ nhất Việt Nam, với hơn 2.000 tác phẩm, trong đó chủ yếu là tranh đồ họa, cùng với các tác phẩm điêu khắc và hội họa. 

Trong thời gian tới, Thanh Uy Art Gallery sẽ tiếp tục thực hiện các triển lãm luân phiên cho các tác giả và tác phẩm trong Bộ sưu tập của mình tại 2 phòng Chuyên đề, với mỗi triển lãm kéo dài khoảng 3-4 tháng. 

Ngoài ra, Thanh Uy Art Gallery còn tiếp tục phát triển là không gian Triển lãm, Trưng bày và workshop, tập trung vào đồ họa. Không chỉ là nơi thưởng thức và sưu tập tranh đồ họa, Thanh Uy Art Gallery hướng tới việc tạo cơ hội đào tạo và trao đổi kiến thức về nghệ thuật và tranh đồ họa với mọi người. 

Số 2A, Ngõ 10 Phố Huy Du, P.Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Facebook: https://www.facebook.com/thanhuyartgallery

Tác giả: Lam Giang

Nguồn tham khảo: 

1/ The Printed Image in the West: History and Techniques, tác giả Wendy Thompson, The Metropolitan Museum of Art.

2/ A Brief History of Printmaking, tác giả Jennifer Jensen, Utah Museum of Fine Arts.

3/ Bài viết của Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, giảng viên khoa Đồ họa, trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam.

4/ Các bài viết trên trang Facebook Thanh Uy Art Gallery.