Phượng hoàng tung cánh lụa bay
Nếu phải đi sàng lọc điểm chung của các nền văn hóa trên thế giới, có lẽ việc tôn vinh hình ảnh con rồng chim phượng là một trong những điểm chung mà ta có thể thấy khắp Đông Tây thế giới. Dù là nền văn hoá nào, chim phượng cũng mang ý nghĩa cao quý và thiêng liêng. Riêng đối với văn hoá Việt Nam, chim phượng lại là một biểu tượng đặc biệt, thuộc vào tứ linh (bốn con vật linh thiêng của dân tộc). Chim phượng được xem là chúa tể của các loài chim với vẻ đẹp kết hợp từ các loài chim thanh lịch và duyên dáng, đặc biệt là từ cẩm kê và chim công.
Xem sản phẩm tại Triển lãm VR3D.
Phượng được mô tả có bộ lông rực rỡ, đầu là đầu chim trĩ, mào là mào của gà trống khuôn theo hình mây có chùm lông dài xoắn, hình trôn ốc. Mỏ là mỏ của chim nhạn, ở dưới có chùm lông giống râu, cổ là cổ rùa. Lông của nó mượt như lụa, óng ánh rực lửa (theo Bảo tàng lịch sử quốc gia) Trong truyền thuyết phương Tây, phượng hoàng được tái sinh từ tro tàn mỗi 500 năm nên mỗi khi bay đến đâu, cả vùng trời sẽ đỏ rực ánh sáng mà cánh phượng hoàng tạo ra, báo hiệu một thời kỳ mới bắt đầu mở ra cho cả nhân loại.
Với vẻ ngoài lộng lẫy bừng sáng đó, chim phượng trở thành nguồn cảm hứng cho kiến trúc, nghệ thuật, thời trang, hội họa, gốm sứ qua bao năm tháng. Ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh chim phượng trên các đình chùa, cung điện, lăng tẩm hay những nơi dành cho tầng lớp quý tộc. Hình ảnh chim phượng tung bay trên nền lụa xanh thẳm được chụp lại từ tác phẩm điêu khắc tại cung đình Huế. Trên nền lụa mỏng manh, các chuyển động mềm mại khi mỗi cơn gió thoảng qua lại khiến chim phương nhìn như đang vỗ cánh bay lên trời cao.
Phượng hoàng tung cánh lụa bay
Bàn về bố cục, hình ảnh chim phượng nổi bật trên nền lụa xanh thẳm với kỹ thuật in cyanotype có lẽ là lần đầu tiên người xem Việt Nam tận mắt nhìn thấy. Tác phẩm vừa đậm tính Á Đông nhưng lại rất phương Tây nhờ màu xanh Prussian blue kỳ ảo này. Dù nổi bật, chim phượng trong bộ tác phẩm Ngũ hành in cyanotype trên lụa của Phạm Tuấn Ngọc vẫn rất dịu dàng nhờ sự cân bằng trong màu sắc và đặc biệt nhờ chất liệu lụa tơ tằm mong manh và óng ánh, hệt như màu lông của chim phượng trong truyền thuyết.
Phông nền được sắp đặt theo cảm hứng Dadaism, một lần nữa, gợi nên một suy nghĩ táo bạo trong tâm trí người xem. Chủ thể phượng hoàng sang trọng, lộng lẫy là thế nhưng lại được vây quanh bởi những hoạ tiết tưởng chừng không liên quan, được góp nhặt từ những góc chụp đền chùa hay phố xá ở Huế và Hà Nội. Có phải nghệ sĩ đang muốn khiêu khích hình ảnh chim phượng quý phái đấy không?
Để nhắc lại, Dadaism là một phong cách sáng tạo nổi loạn chống lại các chuẩn mực nghệ thuật truyền thống, cổ điển. Mọi thứ đều được sắp đặt một cách ngẫu nhiên để thử thách lại chính những ý niệm cấu trúc rõ ràng hay phổ thông mà các nghệ sĩ thường sử dụng. Khi kết hợp cách sắp xếp phông nền đầy ngẫu nhiên với một chủ thể mạnh mẽ có thể làm lu mờ mọi thứ xung quanh như chim phượng sẽ tạo ra sự tò mò và hưng phấn cho người xem. Tò mò hay thắc mắc thế nào, có lẽ chúng ta nên chờ đọc bài phỏng vấn nghệ sĩ về cảm hứng và “ý đồ” của anh với bộ tác phẩm Ngũ hành này.