Bài viết

Phép Màu Nơi Phòng Tối 

Bạn nghĩ gì khi cầm trên tay hay đứng trước một tác phẩm nhiếp ảnh đen trắng được in thủ công trong Phòng Tối? Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao nhiếp ảnh thủ công lại có sức lôi cuốn mãnh liệt với cả người chụp lẫn các chuyên gia in ảnh trong Phòng Tối, và vì sao các tác phẩm nhiếp ảnh đen trắng thủ công luôn chiếm vị trí cao nhất trong nhiếp ảnh, ví như “haute couture” trong ngành thời trang hay “fine dining” trong ẩm thực? Nếu những câu hỏi đó từng lướt qua tâm trí bạn thì câu chuyện nhỏ này sẽ cho bạn câu trả lời mà bạn hằng tìm kiếm.

Sự bùng nổ của thời đại kỹ thuật số, mạng xã hội và các nền tảng ảnh kỹ thuật số đã cho nhiếp ảnh một không gian sống mới. Tuy nhiên, với những người chụp phim thì đó mới chỉ là một phần của hành trình mà lẽ ra tác phẩm của họ được sống. Nếu không có các bậc thầy Phòng Tối là chủ nhân của cú tạo tác lần hai thì những âm bản vô giá rất có thể sẽ bị lãng quên đâu đó và hình ảnh của một ý niệm, cảm xúc tuyệt đẹp sẽ chỉ là một tập tin.

Vậy thì, họ, những người chụp phim đã mất đi một phần to lớn giá trị của việc chụp phim bởi vì kết quả của quá trình không chỉ là sự nắn nót và tập trung cao độ khi nhấn phím chụp mà còn là hình hài vật lý của tác phẩm sau khi được tinh chỉnh từng khoảng sáng tối, từng chi tiết, sắc độ… trong quá trình rọi ảnh tại Phòng Tối.

Cảm giác cầm trên tay tác phẩm cuối cùng, cảm nhận được kết cấu, độ lấp lánh hoặc lì, bóng của giấy in ảnh, và thẩm mỹ hài hoà, tinh tế của bản in thủ công trên giấy in ảnh đẳng cấp là một cảm giác vô giá với người chụp phim, và thế có lẽ là đủ để họ theo đuổi việc này.

Còn với bậc thầy Phòng Tối, điều gì khiến họ say mê công việc của họ đến vậy?

Khác với hoạ sỹ là những người dùng họa phẩm để tạo nên tác phẩm, Bậc thầy Phòng Tối là những người hoàn thiện tác phẩm bằng khả năng kết hợp kiến thức về thiết bị, hoá chất, chất liệu với kỹ năng, trực giác và cảm thụ của người nghệ sĩ.

Đắm chìm trong suy tưởng để cảm thụ câu chuyện của những bức ảnh

Xuyên suốt quá trình ấy, Bậc thầy Phòng Tối đã thêm vào dấu ấn riêng của bản thân, để tạo ra bản in thủ công từ âm bản – thứ khiến người chụp, người rọi ảnh và cả người thưởng thức thấy thỏa mãn. Dù chỉ có một mình trong bóng tối, anh ta không cảm thấy đơn độc, bởi anh nắm giữ trong tay niềm tin về quá trình tạo tác nghệ thuật của mình, rằng sau chuỗi các bước rọi ảnh kỳ công, lặp đi lặp lại với những nỗ lực đo sáng công phu, tỉ mỉ sẽ đến thời khắc anh chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bức ảnh đen trắng.

Với người rọi ảnh, những giây phút ấy là đủ cho hàng ngàn giờ thực hành, trau dồi và hoàn thiện kỹ thuật rọi ảnh trong Phòng Tối. Nó tựa như giây phút “eureka” của nhà khoa học khi tìm ra đáp án cho những vấn đề mà họ trăn trở. Toàn bộ quy trình rọi ảnh trong Phòng Tối và các tác phẩm được sinh ra từ đó, vì thế, chính là Phép Màu Nơi Phòng Tối – nơi mà dụng ý của người chụp, kỹ năng, trực giác, cảm thụ và kỹ thuật của Bậc thầy Phòng Tối phối quyện và thăng hoa cùng nhau.

—Nghi thức rọi ảnh bắt đầu từ trước khi rọi ảnh.

Dù đã lặp đi lặp lại hàng trăm, hàng ngàn lần, người nghệ sĩ vẫn rất cẩn trọng ở từng bước chuẩn bị. Đeo tạp dề, đeo bao tay, sắp xếp tuần tự các khay đựng hóa chất và lần lượt đổ hóa chất vào khay tương ứng, từng bước đều được làm với sự cẩn trọng hệt như lần đầu tiên.

—Tiếp theo là việc “đọc” và xử lý phim âm bản.

Tại bước này, nếu là âm bản của chính mình, người nghệ sĩ rọi ảnh sẽ bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc nhấn phím chụp. Nếu là âm bản của người khác, người rọi ảnh sẽ bước vào tâm trí của người đó thông qua âm bản. Anh ta sẽ tự hỏi, họ – chủ nhân của âm bản – đã nghĩ gì khi chụp khoảnh khắc này, họ đã hình dung như thế nào về hình hài vật lý của khoảnh khắc này khi âm bản được chụp lại lần hai trong Phòng Tối.

Rút âm bản một cách cẩn trọng, người nghệ sĩ cẩn thận soi xét, đánh giá chất lượng âm bản dưới ánh đèn sáng. Anh ta muốn đảm bảo âm bản không có bất kỳ tì vết nào dù chỉ là một hạt bụi. Không phải vì anh ta là người cầu toàn, mà bởi người nghệ sĩ đã trải qua những bài học xương máu khi “phục chế” âm bản bị dính bụi, bị xước, dính dấu vết,… 

Cẩn trọng và khéo léo trong quá trình đánh giá âm bản

Một tác phẩm nhiếp ảnh đen trắng chỉ có thể đem lại hiệu ứng thị giác hoàn mỹ khi không có điều gì che lấp cái khoảnh khắc đẹp của bức ảnh. Sau hàng loạt các thao tác thuần thục phủi bụi, lau sạch, xử lý âm bản kỹ càng, người nghệ sĩ cẩn thận lắp âm bản vào máy rọi ảnh của mình.

—Tại đây, việc rọi bức ảnh hoàn chỉnh chưa diễn ra, vì người nghệ sĩ cần hàng loạt thử nghiệm về thời gian phơi sáng.

Khi holder chứa âm bản được lắp nhẹ nhàng trên máy rọi, người nghệ sĩ lặp lại nhiều lần công tác bấm nút, chờ thời gian phơi sáng, ghi chú thử nghiệm của mình.

Phép màu nơi phòng tối (3)
Luôn tỉ mỉ thực hiện bước phơi sáng ảnh trong phòng tối

Trong lúc chờ đợi, tiếng kêu “bíp… bíp… bíp…” của máy rọi ảnh vang vọng trong không gian vắng lặng của phòng tối tưởng chừng vô vị, nếu ở góc nhìn của người thứ ba, người nghệ sĩ bất động trước máy rọi ảnh có vẻ nhàm chán, nhưng không ai biết rằng tâm trí con người ấy chật ních những tưởng tượng về tấm ảnh mà anh ta đang rọi, với mỗi khung thời gian là mỗi sắc độ, mỗi sự tương phản khác biệt. Trong khoảnh khắc chờ đợi, người nghệ sĩ thầm đoán, thích thú với trí tưởng tượng của mình về tác phẩm.

—Sau công đoạn phơi sáng, bức ảnh vẫn còn tiềm ẩn trên tấm giấy, đây là lúc người nghệ sĩ sẽ dùng đến các khay hóa chất của mình.

Thả tấm giấy vào trong khay thuốc, lắc qua lắc lại, liên tục nhìn đồng hồ canh giờ, đây là thời điểm anh có câu trả lời cho chính những tưởng tượng của mình.

Phép màu nơi phòng tối (4)
“Sắp xếp tuần tự các khay đựng hóa chất và lần lượt đổ hóa chất vào khay tương ứng”
Xử lý ảnh bằng hoá chất, nhằm tránh những nguy cơ tiềm ẩn gây hỏng bức ảnh

Tấm ảnh sẽ như thế nào đây? Sự hiển hiện chậm rãi của các phân tử muối bạc, tương tác với photon ánh sáng như đang trêu chọc người nghệ sĩ. Anh ta biết có muốn gấp gáp hơn cũng không thể, anh ta kiên nhẫn nhìn giây kim đồng hồ lướt qua, ánh đen trắng nhuộm lên tấm giấy trong sự hồi hộp, khắc khoải, trông mong.

—Cuối cùng, khoảnh khắc lộ sáng cũng đến.

Đây chính là lúc người nghệ sĩ rọi ảnh hoặc sẽ rất thoả mãn với những gì hiển hiện trước mắt, hoặc anh ta sẽ phải lặp lại toàn bộ quy trình rọi ảnh nếu chưa hài lòng. Dù như thế nào, với anh ta, giây phút này là đủ để tiếp tục phụng sự nghệ thuật, bởi vì nghệ thuật luôn xứng đáng với tất cả mọi sự nắn nót, kỳ công và khổ luyện đó.

Đây cũng là lúc anh ta đặc biệt cảm thấy kết nối với chủ nhân của âm bản. Bản in này phải chăng sẽ khiến người chụp nở một nụ cười mãn nguyện, bởi vì nó đã hiện lên trên một hình hài đẹp bằng hoặc hơn cả mường tượng ban đầu.

Đến đây, hẳn độc giả đã đã hiểu và sẽ đồng tình rằng khi chiêm ngưỡng một tác phẩm nhiếp ảnh thủ công đen trắng, chúng ta không chỉ đang đối thoại với tư tưởng, góc nhìn, ý niệm, cảm xúc của người chụp mà chúng ta còn đang chứng kiến kết quả từ hàng ngàn giờ trong Phòng Tối của nghệ sĩ rọi ảnh với các lao động đầy tính nghệ thuật. Đó chính là Phép Màu Nơi Phòng Tối – nơi mà các phản ứng hoá học xảy ra trên giấy ảnh thông qua kỹ năng, kinh nghiệm, trực giác và sự tài hoa của nghệ sĩ rọi ảnh, và quan trọng hơn cả, thông qua sự kết nối về cảm xúc và tâm hồn.

Tác giả: Đỗ Khánh Linh