Bài viết

Josef Sudek, nhà thơ cụt tay của Praha 

“Chẳng phải thật đẹp đẽ sao khi một người không nói gì cả với những bức ảnh?”

“Khi tôi còn trẻ, tôi là một kẻ ngốc. Tôi đã nghĩ quá nhiều”.

“Chúng ta không bao giờ nên mất đi kết nối với những thứ gần gũi với trái tim mình; tối đa thì có thể gián đoạn nửa năm. Nếu lâu hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được chúng”.

“Khi một người yêu nghề và rất cố gắng để vượt qua những khó khăn gắn liền với nghề thì anh ta sẽ vui mừng khi ít nhất một trong những thứ anh ta thử thành công. Tôi nghĩ như thế là đủ cho một đời người.”

“Trong âm nhạc, chúng ta tìm thấy tất cả… Âm nhạc phải ở trong chúng ta”.

“Nếu bạn nghiêm túc với nhiếp ảnh, bạn phải quan tâm tới một loại hình nghệ thuật khác. Với tôi thì đó là âm nhạc. Việc nghe nhạc xuất hiện trong tác phẩm của tôi giống như một sự phản chiếu trong gương. Tôi thư giãn và thế giới nom bớt khó chịu, và tôi có thể thấy được khắp nơi trong ấy là cái đẹp, ví dụ như âm nhạc”.

“Những nhà phê bình trong thế hệ của tôi không bao giờ mường tượng nhiếp ảnh như một nhánh nghệ thuật độc lập; ngày nay thì nhiếp ảnh đương nhiên là nghệ thuật”.

“Nhưng tài năng không thôi thì chưa đủ. Tôi từng biết một hoạ sĩ có tài. Ông ta chỉ uống và uống. Cuối cùng thì ông ta chả còn tài năng gì”.

“Khi tôi muốn đạt được một điều gì đó, tôi làm một mình. Đó là lý do tôi không làm nhiếp ảnh màu; đó là một ngành nghề phức tạp mà tôi không biết. Việc phải mang phim đi tráng ở chỗ khác sẽ làm tôi khó chịu.”

“Tôi thực sự tin vào bản năng. Một người không bao giờ nên làm cho bản năng mình yếu đi bằng cách muốn biết tất cả mọi thứ”.

Một vài trích dẫn của Josef Sudek

Josef Sudek vào năm 1958

Sinh ra tại Cộng hòa Séc, xuất thân là thợ đóng sách tập sự và bị mất một phần cánh tay phải sau Thế chiến I, tất cả những điều này chưa bao giờ cản trở Josef Sudek (1896-1976) trở thành một nhiếp ảnh gia xuất chúng. Được mệnh danh là “nhà thơ của Praha”, Josef Sudek đã để lại di sản hàng nghìn bức ảnh chụp thành phố Praha trữ tình và thơ mộng. Ông đã khiến bất kỳ ai thưởng thức những bức ảnh của mình cũng bị vẻ đẹp của thành phố này mê hoặc.

Niềm đam mê nhiếp ảnh của Sudek bắt đầu từ thời trẻ vào những năm 20 tuổi. Ông tham gia Thế chiến cùng với chiếc máy ảnh và chụp lại trải nghiệm của mình trên mặt trận Ý. Không may sau đó, Sudek gặp tai nạn trong chiến tranh dẫn đến mất một phần cánh tay phải nhưng trong khi dưỡng thương, ông vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đam mê nhiếp ảnh của mình và không dừng lại cho đến hết cuộc đời. Tại Praha, ông được biết đến là một người vô cùng tận tâm với nhiếp ảnh, đến mức ông sẵn lòng đem theo chiếc máy ảnh khổng lồ cho khổ phim 20cm x 25cm cùng với các thiết bị cồng kềnh chỉ với một tay và dành hàng giờ để chờ đợi khoảnh khắc ông muốn chụp.

Trong ba năm hồi phục chấn thương tại bệnh viện, Sudek đã cho ra đời loạt ảnh mờ ảo chụp các cựu chiến binh. Những bức ảnh này của ông mang đến cảm giác u ám bởi các nhân vật nhìn giống như những hình bóng ma quái bị che phủ trong những dải ánh sáng huyền bí. Có vẻ như, bầu không khí u ám trong những bức ảnh phim này phản ánh tâm trạng hỗn độn của Sudek 00 cựu chiến binh bị mất một cánh tay và đang vật lộn để tìm kiếm sự ổn định về kinh tế khi thương tích buộc ông phải bỏ nghề đóng sách của mình.

Josef Sudek, Cựu chiến binh Séc, 1922/56
Josef Sudek, Bệnh viên Cựu chiến binh Séc, 1924/78
Josef Sudek, Ngôi nhà của những Cựu chiến binh, 1924

Cũng trong thời điểm đó, Sudek may mắn được người chủ bệnh viện cựu chiến binh để mắt và giới thiệu đến câu lạc bộ nhiếp ảnh địa phương, nơi ông bắt đầu sử dụng phòng tối. Đến năm 1922, Sudek được trao học bổng ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Đồ họa, nơi ông tiến xa hơn với hành trình nhiếp ảnh nghệ thuật của mình. Sudek chịu ảnh hưởng bởi hội hoạ rất nhiều. Ông nhanh chóng thành công trên tư cách nghệ sĩ nhiếp ảnh gia và gia nhập giới tinh hoa của nghệ thuật. Đến 1938 là năm được coi là điểm kết thúc chặng thứ nhất của sự nghiệp, Sudek đã ổn định được cả sự nghiệp lẫn định hướng phong cách sáng tác của mình.

Biến cố thay đổi cuộc đời và nền tảng cho ra đời những bức ảnh huyền thoại

Vào năm 1926, Sudek mạo hiểm trở lại Ý cùng một nhóm bạn là nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng Séc. Chuyến đi này đưa ông quay trở về nơi khiến cuộc đời ông tan vỡ vào 10 năm trước. Trong một buổi hòa nhạc, Sudek bỏ lại những người bạn của mình, đi tìm nơi ông bị thương tích đến mức mất đi cánh tay và ở lại trong 2 tháng. Thậm chí, bạn bè của Sudek phải báo cảnh sát vì họ không thể hiểu nổi ông đang có vấn đề gì. Cuối cùng, khi Sudek đã tìm thấy sự giải thoát khỏi nỗi đau quá khứ, ông quay trở về Praha, nơi ông lao mình vào nhiếp ảnh nghệ thuật.

Trợ lý của ông Sonja Bullaty đã tường thuật lại những điều Sudek nói về cuộc phiêu lưu của mình tại nước Ý như sau:

Tôi phải rời bỏ ngay giữa buổi hòa nhạc, dù tôi bị lạc trong bóng tối nhưng tôi phải tìm kiếm. Rời xa khỏi thành phố vào lúc bình minh, khi cánh đồng còn thấm đẫm sương mai, tôi đã tìm được nơi ấy nhưng cánh tay của tôi không còn ở đó nữa, chỉ có ngôi nhà của những nông dân nghèo khổ. Họ đã đưa tôi vào căn nhà ấy vào ngày tôi bị bắn cánh tay phải. Họ đã không thể ghép lại cánh tay của tôi được nữa. Trong nhiều năm, tôi đã phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác và phải từ bỏ công việc đóng sách của mình… Từ đó trở đi, tôi không bao giờ và sẽ không bao giờ đi đâu nữa. Tôi tìm kiếm điều gì đây khi tôi đã không tìm thấy thứ tôi muốn tìm?

Kể từ thời điểm này, những bức ảnh của Sudek đã thay đổi rõ rệt cả về phong cách lẫn nội dung. Dường như ông đã khám phá ra một phong cách cá nhân mới và phát huy hết khả năng của mình với tư cách là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Praha trở thành nàng thơ yêu quý của ông. Những bức ảnh ảm đạm, khắc nghiệt của những năm đầu theo đuổi nhiếp ảnh được thay thế bằng những bức ảnh trữ tình, gợi cảm về kiến trúc của thành phố; những con đường lát đá cuội, những mái nhà góc cạnh, những công viên và khu vườn đầy mê hoặc và cảnh quan sông Vltava chảy qua. Ngoài những tác phẩm tĩnh vật thực hiện toàn bộ trong xưởng, Praha là chủ đề chính mà Sudek đã khai thác trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Thế giới của Sudek qua khung kính cửa sổ xưởng sáng tác

Thế chiến thứ hai diễn ra khiến cho việc chụp ảnh với máy ảnh lớn trên đường phố gây chú ý và nghi ngờ, do vậy Sudek không còn ra ngoài chụp Praha được nữa. Ông bắt đầu chụp ảnh khung cửa sổ nhìn ra khu vườn của mình, tạo ra loạt ảnh Cửa sổ xưởng làm việc (The Window of My Studio) nổi tiếng. Tác phẩm của Sudek với khung cửa sổ thể hiện rõ sự thích thú của ông đối với cách thủy tinh phản chiếu ánh sáng. Ánh sáng trong bức ảnh của Sudek không chỉ đóng vai trò thông thường là giúp người xem xác định được bề mặt và vật thể được chiếu sáng, mà bản thân ánh sáng chính là chủ thể trong những bức ảnh của Sudek. Ông tìm kiếm sự phản chiếu ánh sáng ở những bề mặt vô định hình (vật liệu không có cấu trúc hoặc hình dạng rõ ràng), để những ai ngắm bức ảnh của ông sẽ tập trung vào ánh sáng và nhận thức rõ hơn về đặc tính của nó.

Sudek ưu tiên độ sáng tối và biến chuyển của sắc độ hơn là hạt và độ tương phản . Trong bốn mươi năm sáng tác, các bản in tiếp xúc của ông từ cỡ nhỏ nhất 4,5x6cm tới lớn nhất 30x40cm đều được làm một cách hoàn hảo với dấu ấn kỹ thuật bậc thầy. Sự tập trung mà Sudek dành cho kỹ thuật, góc, và hướng sáng để tạo ra sắc độ tương đương với một hoạ sĩ điêu luyện. Ông cũng làm rất ít bản in từ một âm bản, và không theo cố định một công thức nào, vì với ông sáng tạo là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Chính trong khoảng thời gian này, ông có một khám phá mà lúc đầu thoạt tưởng chỉ đơn thuần kỹ thuật nhưng cuối cùng có ảnh hưởng rộng hơn thế nhiều. Đó là việc ông nhận ra chất lượng siêu đẳng của bản in tiếp xúc mà bản phóng lớn ko tài nào so sánh được – từ đó, ông không bao giờ in phóng ảnh nữa.

Josef Sudek, Những bông hồng cuối cùng, 1956
Josef Sudek, 1946
Josef Sudek, Từ cửa sổ xưởng làm việc, 1944-1953
Josef Sudek, Cửa sổ studio, 1940-1954

Trong loạt ảnh Cửa sổ xưởng làm việc, ông đã chụp lại những trạng thái biến đổi vô tận của giọt nước chảy xuống kính cửa sổ. Những tác phẩm của Sudek mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng với sự say mê tột độ các chu kỳ vật lý của nước và hiện tượng dòng nước chảy xuống bề mặt – giống như nước mắt của con người. Đôi khi tâm trạng u sầu của những hình ảnh này được tô điểm bởi một bông hồng cắm trong chiếc bình trên bệ cửa sổ hoặc bởi những tán lá ở hậu cảnh báo hiệu mùa xuân đang đến.

Đối với Sudek, studio, khung cửa sổ và khu vườn nhỏ phía sau đã trở thành một nơi tôn nghiêm quan trọng và là cách để thể hiện mối quan hệ có phần lưỡng lự của ông với thế giới bên ngoài. Khung cửa sổ trong bức ảnh của Sudek đôi khi hoàn toàn trong suốt, đôi khi được phủ sương giá hay đọng những giọt nước mưa. Dường như, cửa sổ ấy vừa đóng khung thế giới bên ngoài vừa cách ngăn Sudek với thế giới ấy.

Xưởng làm việc của ông tại số 432 Ujezd, Praha đã bị một trận hỏa hoạn thiêu huỷ vào năm 1986. Đến năm 2000, xưởng đã được phục dựng chính xác như cũ và trở thành Josef Sudek Atelier.

Bậc thầy ánh sáng và loạt ảnh chụp tĩnh vật

Trong xưởng làm việc nhỏ và không gian sống có phần chật chội của mình, Sudek đã cẩn thận lựa chọn nhiều đồ vật khác nhau để chụp ảnh: chiếc lông vũ mỏng manh, mảnh giấy nhàu nát, giấy thiếc, ly uống nước, hoa, trái cây, vỏ sò, phong bì, chân nến, dây và khuôn giày,… Sau quá trình chọn lọc đồ vật là đến các bước sắp xếp bố cục một cách tỉ mỉ và công đoạn chiếu sáng cẩn thận trước khi chụp rồi tráng phim và in ảnh bằng chất liệu bạc gelatin.

 

Josef Sudek, Vô đề (Cốc và trứng), 1952

Trong bức ảnh Vô đề (Cốc và trứng) của Josef Sudek, một ly thủy tinh có nhiều mặt kính, chứa gần đầy nước, nằm ở giữa khung hình, với một quả trứng được đặt ở phía trước và một vài quả trứng khác ở phía sau. Quả trứng ở phía trước gần như chìm trong bóng tối trong khi những quả ở phía sau nhìn qua kính như bị vỡ ra thành nhiều mảnh. Tuy nhiên, thực ra, quả trứng ở phía sau không vỡ mà chính nhận thức của chúng ta mới thực sự bị “vỡ”.

Josef Sudek, Tĩnh vật theo Caravaggio, 1956
Josef Sudek, Cốc thuỷ tinh và hoa, 1920
Josef Sudek, Tĩnh vật, 1960

Chiêm ngưỡng những bức ảnh chụp tĩnh vật của Josef Sudek giống một cuộc du ngoạn thưởng thức vẻ đẹp phi thường của những điều vốn bình thường, gần gũi trong cuộc sống. Dưới con mắt của người có khả năng nhìn thấy cái đẹp trong đời sống thường nhật, những đồ vật thông thường như bát đựng trái cây, bình hoa và các vật dụng trên bàn làm việc được khoác lên mình một nét đẹp kỳ diệu và quyến rũ trong những bức ảnh của Sudek. Sức hấp dẫn từ tác phẩm của ông đến từ nghệ thuật nắm bắt ánh sáng tự nhiên và kỹ năng thể hiện sự phản chiếu sáng-tối một cách độc đáo.

Những tác phẩm bên khung cửa sổ của Sudek ra đời vào thời điểm chiến tranh căng thẳng cho thấy sự trân trọng tuyệt vời của ông đối với cuộc sống. Các bức ảnh của Sudek mời gọi chúng ta thay đổi lăng kính của mình về thế giới để tập trung vào vẻ đẹp của những đồ vật hay cảnh sắc rất đỗi bình thường, đôi khi không có hình thù gì cụ thể. Thế giới thân mật của Sudek không chỉ quẩn quanh với đồ vật và khung cửa sổ trong phòng xưởng làm việc, ông còn dạo quanh thành phố Praha, nơi ông sinh sống gần cả cuộc đời, để chụp lại vẻ đẹp thơ mộng và phong cảnh mê hồn của thành phố này. 

Chuyện tình với nàng thơ Praha

Vào đầu những năm 1950, Sudek mua một chiếc máy ảnh Kodak panorama sản xuất năm 1894 có ống kính quét truyền động bằng lò xo tạo ra âm bản có kích thước 10cm x 30cm. Ông đã sử dụng chiếc máy có thiết kế kỳ lạ này để cho ra đời loạt ảnh cảnh quan thành phố Praha tuyệt đẹp, lấy tên là Toàn cảnh Praha (Prague Panoramas). Từ 1950 đến 1960, Sudek đã chụp tâm trạng và bầu không khí của thành phố Praha một cách hoàn hảo vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Những bức ảnh của Sudek thể hiện niềm yêu thích của ông trong việc chụp lại cách ánh sáng tương tác với vạn vật: nắng xuyên qua cây, những tán cây đổ bóng và những tia sáng len lỏi qua các vật thể rồi chiếu những đối tượng khác. Praha trong mắt Sudek được chiếu sáng bởi những con phố yên tĩnh lúc bình minh và ánh đèn đường thanh tao của màn đêm, ông để ánh sáng làm điểm nhấn cho từng bức ảnh thể hiện vẻ đẹp vĩnh cửu của thành phố. 

Lời của Jiri Toman, trợ lý của Sudek giai đoạn đó:

”… đó là một hoạt động thể chất đáng kể. Chúng tôi khởi hành trễ nhất là 9.30 sáng và quay về sau khi hoàng hôn. Ăn bữa sáng sớm và sau đó chỉ chụp ảnh. Ba chiếc máy ảnh hoặc hơn, vật liệu, một phòng tối cho chiếc máy panorama, ống kính, chân máy… Sau khi chúng tôi mang hết đồ về cho ông Sudek vào buổi tối, tôi về nhà lăn ra ngủ, trong khi Sudek đi nghe hoà nhạc. Có một lần tôi cũng đi theo ông đến buổi hòa nhạc. Tôi nghe được vài nốt rồi ngủ như chết. Loạt ảnh Toàn cảnh Praha trông thật bình yên và tĩnh lặng, nhưng lượng công việc để tạo ra nó thì không ai có thể tưởng tượng được….”

Loạt ảnh Toàn cảnh Praha của Sudek có thể được ví như là những bài thơ thị giác thổi linh hồn cho thành phố. Chính sự quan sát tinh tế cùng tình yêu mãnh liệt đối với nơi Sudek dành trọn cuộc đời, thành phố Praha trở nên thơ mộng và đầy sống động trong mỗi bức ảnh của ông.



Dấu ấn từ tác phẩm của Josef Sudek đối với nhiếp ảnh nghệ thuật

Mặc dù Sudek có vẻ không để lại những nhận xét hay tuyên ngôn mạnh mẽ về nhiếp ảnh nghệ thuật, nhưng bản thân những tác phẩm của ông đã thể hiện sâu sắc quan điểm trong lĩnh vực này. Đó là sự nhấn mạnh vào tâm trạng và tính thơ mộng; là sự kết nối thân tình với không gian và thời gian chụp ảnh; và là khả năng làm chủ ánh sáng tự nhiên.

Cảm xúc nổi bật mỗi khi ngắm nhìn những tác phẩm của Sudek là cảm giác thơ mộng với bầu không khí trữ tình thể hiện qua ánh sáng mềm mại, dịu dàng đầy chất thơ trong bức ảnh. Khi chụp ảnh tĩnh vật, Sudek thường để ánh sáng chiếu nhẹ nhàng lên đối tượng, mang lại những bức ảnh vừa gần gũi vừa thanh tao. Chủ đề về vẻ đẹp trong cuộc sống hàng ngày và lấy cảm hứng từ những đồ vật và cảnh vật bình thường xung quanh cũng góp phần tạo nên chất thơ cho tác phẩm của ông. Thông qua lăng kính của mình, Sudek đã biến những chủ đề tưởng chừng đơn giản, không được để mắt đến thành những đối tượng đẹp đẽ đáng chiêm ngưỡng.

Những bức ảnh của Sudek cũng phản ánh mối liên hệ sâu sắc của ông với căn phòng xưởng làm việc và quang cảnh thành phố Praha. Loạt ảnh về nàng thơ Praha thường khắc họa khung cảnh gần gũi: con đường, kiến trúc và bầu không khí tạo ra cảm giác quen thuộc và yêu mến sâu sắc, thể hiện tình yêu quê hương và vẻ đẹp mà Sudek tìm thấy trong cuộc sống đời thường. Sự nhạy cảm của Sudek với các sắc thái của thời tiết và ánh sáng cho phép ông tạo ra những bức ảnh mời gọi người xem trải nghiệm những tâm trạng thay đổi của phong cảnh tại Praha. Dù chụp ảnh những con đường lát đá cuội ở Praha hay những hình ảnh phức tạp của sương giá trên kính cửa sổ, Sudek đều có khả năng tái hiện vẻ đẹp và sự nên thơ của thế giới xung quanh. Thông qua tác phẩm, Sudek đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp bất tử của thành phố nơi ông gắn bó gần như cả cuộc đời, mời gọi người xem sống chậm lại và thưởng thức những khoảnh khắc dễ bị lướt nhanh trong cuộc sống hàng ngày. 

Josef Sudek ở rừng Minosi, 1970

Sudek theo đuổi nhiếp ảnh vào những năm mà lĩnh vực này đang gặp khó khăn trong việc khẳng định giá trị nghệ thuật và tìm ra tiếng nói riêng. Nhưng những tác phẩm của ông có một chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điều này không chỉ đến từ những quan sát thi vị của Sudek, mà còn là kỹ thuật ông sử dụng khi chụp ảnh và trong phòng tối để cho ra đời một bức ảnh hoàn thiện. Sự thành thạo quy trình tráng phim, rọi ảnh cho phép ông tạo ra những bức ảnh phim có sức liên tưởng và đầy cảm xúc. Tác phẩm ảnh của Sudek là minh chứng cho thấy ông đã tận dụng được tất cả sức mạnh của sự phản chiếu ánh sáng và bóng tối cùng với khả năng mô tả của bản in bạc gelatin.

Josef Sudek đã sống qua một số sự kiện lịch sử và xã hội kịch tính nhất của thế kỷ 20, tuy nhiên những cảnh tượng trong những bức ảnh phim của ông dường như là cách để ông bảo vệ chính mình hay người thưởng thức khỏi các biến động đó. Thế giới quan trong ống kính của Sudek vô cùng gần gũi, thân mật, phong phú và đầy chất thơ. Những tác phẩm để đời của Josef Sudek cũng là niềm cảm hứng bất tận cho những người thực hành nhiếp ảnh đánh giá cao vẻ đẹp và sự huyền bí tồn tại trong thế giới xung quanh.

Viết về Sudek, Anna Farova đã trích dẫn lời Lionel Venturi về Caravaggio, một nghệ sĩ mà Sudek rất ngưỡng mộ, như sau: 

“Vào lúc mà cả thế giới theo đuổi danh tiếng, có một người trẻ – nghèo và vô danh – khiêm nhường bắt đầu tìm hiểu một trái táo thuôn dài, chồi của một chiếc lá, một trái cây “trong suốt”. Anh ta cảm thấy có một bài thơ trong mọi vật và đã chứng tỏ rằng có những người khác cũng muốn cảm thấy điều đó. Ánh sáng của anh, tất nhiên, không phải ánh sáng của ban ngày hay ban đêm, cũng không phải là ánh sáng thực, mà đúng hơn là một nguyên tắc về phong cách, một nguồn lực cô đọng và là một phẩm chất của tinh thần”

Lời kết

Có thể nói dấu ấn đặc trưng nhất trong các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của Joseph Sudek là chất thơ đa sắc thái. Đôi khi chúng phủ đẫm lên các tác phẩm một cảm giác mơ màng. Đôi khi chúng tràn vào trong thủ pháp xử lý ánh sáng và sắc độ đầy điêu luyện. Đôi khi chúng ướt át, và biến chuyển đa dạng thông qua các khoảng sáng tối được tính toán chuẩn xác bằng bản năng và trực giác của một bậc thầy. Lại cũng có khi chúng hoá thành bầu không khí thanh tao, thuần khiết, hay một nỗi buồn dịu dàng bất khả cưỡng. 

Tài hoa của Sudek còn thể hiện sâu sắc ở chỗ ông không cần phải sử dụng đến các chủ thể “độc lạ” để khiến tác phẩm của mình đáng nhớ. Chính là cách ông “nhìn” chúng – cách nhìn tràn trề rung cảm và mỹ học, đồng thời, rất độc đáo, rất “Joseph Sudek” – đã khiến cho những chủ thể đó khai nở vẻ đẹp viên mãn của chúng trong các tác phẩm của ông. Đó hẳn là lý do Sudek có thể khiến cho người xem thổn thức và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những đồ vật và cảnh sắc hết sức thân thuộc và bình dị, có lẽ là kết quả của sự kết nối tinh tế, chân thành và đầy xúc cảm giữa ông và thế giới quan của mình. 

Các tác phẩm của Sudek là bằng chứng của trình độ đỉnh cao trong kỹ thuật xử lý thiết bị và chất liệu. Ông mãi mãi là ví dụ sinh động và thuyết phục nhất của một câu do chính ông nói “Khi một người yêu nghề và rất cố gắng để vượt qua những khó khăn gắn liền với nghề thì anh ta sẽ vui mừng khi ít nhất một trong những thứ anh ta đã thử thành công. Tôi nghĩ như thế là đủ cho một đời người.”. Cuộc đời nghệ sĩ – nhiếp ảnh gia Joseph Sudek có thể được miêu tả trong ngắn gọn 2 từ: Kiên trì và Không từ bỏ. Ông không từ bỏ những thứ thân thiết với trái tim mình, bởi vì cũng chính như ông nói ““Chúng ta không bao giờ nên mất đi kết nối với những thứ gần gũi với trái tim mình; tối đa thì có thể gián đoạn nửa năm. Nếu lâu hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được chúng”. Trong mọi hoàn cảnh, ông không bao giờ mất đi kết nối với nhiếp ảnh, không mất đi kết nối với Praha, không mất đi kết nối với khung cửa sổ của xưởng làm việc và thậm chí, với những đồ vật phi thường giản dị như quả trứng hay bánh mì… xung quanh mình. Và vì luôn kết nối, ông không bao giờ từ bỏ việc thán phục vẻ đẹp của chúng, và cũng không bao giờ từ bỏ việc cố gắng để tái hiện chúng thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của mình. 

Josef Sudek sẽ mãi mãi được nhắc tới với danh xưng "Nhà thơ xứ Praha"

Các tác phẩm của Sudek chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chỉ là sự tái hiện của một hiện thực. Chúng là trình hiện của những khám phá, rung động, những giây phút tĩnh lặng của tâm trí hay thăng hoa, hân hoan, dạt dào của cảm xúc. Cũng bởi vì thế, tài hoa lớn nhất của Sudek, có lẽ, là đã khơi gợi lên sự thổn thức trong tâm hồn của những người chiêm ngưỡng tác phẩm của ông – như thế, có lẽ là đủ cho cuộc đời của một nghệ sĩ – nhiếp ảnh gia. Cũng bởi vì thế, Sudek và các tác phẩm của ông, cùng những cảm xúc mà chúng đã gảy lên như một bản nhạc du dương, đầy cung bậc trong tâm trí người xem sẽ luôn luôn bất tử. 

Sudek còn là minh chứng về việc phẩm chất nghệ sĩ và người nghệ sĩ là kết quả của chính những quan sát và rung động của anh ta. Thiết bị hay chủ thể là một phần nhưng không quyết định phẩm chất nghệ sĩ đó. Chính người nghệ sĩ làm nên tính nghệ thuật trong mỗi tác phẩm của mình. Sudek cũng sẽ mãi mãi là nguồn động viên cho những người đang theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật, bất kể họ đang ở trong điểm nào của hành trình của mình. Hãy cứ yêu quý những kết nối của tâm hồn mình với những thứ mà một cách tự nhiên, trái tim và tâm trí của mình thấy thân mật và gần gũi. Hãy cứ nắn nót và trau dồi trên từng tác phẩm cả về kỹ thuật lẫn chất liệu. Hãy cứ để tâm hồn phiêu lưu trong những cuộc khám phá nghệ thuật, và hãy để bản năng cũng như trực giác dẫn dắt mình trong hành trình ấy. Và nếu muốn, hãy nghe nhạc, để tâm hồn được tưới tắm trong một loại hình nghệ thuật khác rồi bừng nở cả cảm xúc sáng tác lẫn ý niệm chân thành và chân thật về sự trác tuyệt của nghệ thuật./.



Linh Đô viết cho noirfoto.com

* Bài viết có nhiều đoạn trích dịch từ cuốn Sudek của Sonja Bullaty, xuất bản lần thứ 2 năm 1986