Articles

Máy ảnh lỗ kim thường được gọi là máy ảnh đầu tiên

Pinhole camera hay máy ảnh lỗ kim bắt nguồn từ camera obscura hay đúng nghĩa đen là “phòng tối”. Cấu tạo đơn giản là một “hộp” kín (có thể có bất cứ hình dạng và kích cỡ nào), với một lỗ nhỏ như “lỗ kim” (thực ra là cũng có thể có kích thước đa dạng) giúp thu một hình ảnh phản chiếu ngược từ thế giới bên ngoài phóng chiếu lên một bề mặt quét chất nhạy sáng – ta lập tức thu được một hình ảnh chụp. Trong bàn tay của những nghệ sĩ tài hoa, những tác phẩm kỳ diệu có thời gian phơi sáng đôi khi dài đến… vài tháng trời được tạo ra và làm thay đổi cảm nhận thông thường về nhiếp ảnh. Chúng ta cùng tìm hiểu về một nhiếp ảnh gia như thế – bà Corine Hörmann.


Theo một nghĩa nào đó, các nhà triết học tự nhiên thời kỳ đầu như Alhazen (965 – 1039) đã nhận thấy hiệu ứng thấu kính của những khẩu độ nhỏ (những lỗ nhỏ), đặc biệt trong lúc nguyệt thực, các mảng sáng nằm giữa bóng của tán lá sẽ dần dần thay đổi hình dạng.

Hiệu ứng ‘lỗ kim’ (pinhole) là hiện tượng . Trong một căn phòng với rèm cửa đóng kín nhưng để chừa lại một khoảng trống nhỏ, ta sẽ thấy hình ảnh của những chiếc xe chạy qua hoặc những người đang di chuyển bên ngoài phóng chiếu thành những bóng có màu, chuyển động trên trần và tường bên hoặc đối diện, như có thể thấy trong hình ảnh gần đây của nghệ sĩ Lithuania Darius Kuzmickas, một người đã tận dụng hiệu ứng này bằng cách ghi lại cảnh vật được phóng chiếu bằng một máy ảnh đặt ngay bên cạnh ‘lỗ kim’ lớn trên cửa sổ bị che kín và nhắm ngược lại chụp lấy căn phòng…

Camera Obscura – Outside In(n) 11 The Mark Spencer Hotel, Portland, OR của Darius Kuzmickas

… mà anh đã miêu tả rằng:

Mỗi căn phòng trở thành một máy ảnh lỗ kim, từ một lỗ nhỏ xíu trên cửa sổ ‘rò rỉ’ một hình ảnh ngược phủ lên các mặt tường và đồ nội thất. Sê-ri ảnh này ghi lại sự cô đơn của một không gian không có người ở khi chìm ngập trong… thế giới bên ngoài. Những phình ảnh phóng chiếu trên tường của thành phố mơ mộng, gây choáng ngợp, và mạnh mẽ tới mức dường như không thể chịu nổi … [và chúng]… chơi đùa với con mắt của tâm trí nhận thức thực tại quang học của ta. Những phóng chiếu này hợp lại sự biệt lập của phòng riêng với sự thô ráp của thế giới bên ngoài, mà thường được ta nhìn nhận như những phần tách biệt của cuộc sống mình.

Nhưng máy ảnh lỗ kim (pinhole camera) khó có thể được sử dụng với các quy trình chụp ảnh sớm nhất, vì ánh sáng nó ghi lại được là tối thiểu, đòi hỏi những vật liệu có độ nhạy sáng cực cao để có thể ghi lại bất cứ hình ảnh nào. Nhiếp ảnh gia lỗ kim đầu tiên có lẽ là George Davison (1854-1930), người đã sử dụng chất ảnh mềm mại vốn có của thiết bị này để thực hiện những tác phẩm Nhiếp ảnh Như hoạ (Pictorialism) của mình.

Cánh đồng hành tây (The Onion Field). Đảo Mersea, Essex (1890) của George Davison

Ngay cả trong camera obscura mà nghệ sĩ đã sử dụng để vẽ lại một chủ thể (từ thời Phục hưng) và là thứ rồi trở thành chiếc máy ảnh đầu tiên, chỉ có những ‘lỗ kim’ thật lớn mới có thể tạo ra hình ảnh khả dĩ thấy được trong cái phòng tối đó, nhưng với độ nét quá thấp khiến rất khó để nghệ sĩ ứng dụng. Các camera obscura do vậy thường dùng thêm một thấu kính để tăng độ nét. Chỉ có đề cập về việc sử dụng lỗ kim như thiết bị quang học vào cuối những năm 1700 và liên quan đến nhiếp ảnh thì chỉ sau 1857.

Các sinh viên nhiếp ảnh thường được chế tạo và sử dụng máy ảnh lỗ kim vào năm học đầu tiên như một cách làm quen với phương tiện nhiếp ảnh, tuy nhiên chỉ có những học trò xuất sắc mới cho ra những sản phẩm thực sự đáng giá và hầu hết đều không sử dụng máy ảnh lỗ kim lần nữa. Cần có một hiểu biết đặc biệt về sự phức tạp nâng cao của nhiếp ảnh để tạo ra tác phẩm giá trị từ chiếc máy ảnh rõ ràng là đơn giản nhất này.

Tuy nhiên, gặp đúng người, máy ảnh lỗ kim quả thực có thể tạo ra những hình ảnh phi thường làm biến đổi ý tưởng về nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh gia người Hà Lan Corine Hörmann cho ra đời những tác phẩm chứng minh sự kỳ diệu của máy ảnh lỗ kim từ những năm 1990. Dưới đây là một ví dụ thời kỳ đầu lấy từ sê-ri Tôi là một yêu tinh nhỏ, bà sử dụng độ sâu trường ảnh vô hạn mà máy ảnh lỗ kim cho phép bằng cách đặt hộp camera nhỏ của mình xuống dưới mặt đất giữa những cây nấm mà trở thành những tán cây khổng lồ hoặc những chiếc ô cao ngất ngưởng che phủ lên tầm nhìn của người xem giờ hoá những chú yêu tinh nhỏ. 

Tôi là một yêu tinh nhỏ 1 (1999)

Hình dạng của những cây nấm lặp đi lặp lại trải về phía xa, hiện lên cao như ngôi nhà ở nơi chân trời. Máy ảnh càng nông (hay lỗ kim càng gần với bề mặt quét chất nhạy sáng), thì góc ảnh càng rộng – mà được tận dụng đến cùng ở đây. Vì bề mặt phim phẳng, hình ảnh ở viền của trường nhìn mà ở đây là những mũ nấm ở tiền cảnh bị biến dạng từ tròn thành những hình ê-líp phóng đại, làm gia tăng hiệu ứng siêu thực. Những loài dây leo chạy ngoằn nghèo giữa những hình dạng giống như những chiếc cây như những sợi dây cáp. Chúng ta rơi vào trong một thế giới hoàn toàn khác. 

Tác phẩm gần nhất của Hörmann thì tận dụng hiệu quả tuyệt vời khi phơi sáng lâu mà thường cần thiết để tạo ra hình ảnh với máy ảnh lỗ kim.

Từ sê-ri Thử thách của thời gian (Test of Time), Vô đề (Untitled) của Hörmann chụp năm 2012 tại Groningen, Hà Lan

Với hình ảnh trên, Hörmann đã phơi sáng trong nhiều giờ để tạo ra một hình ảnh trông như thể bản in đã bị làm trầy xước. Dải sáng chạy xuyên bầu trời thực tế chính là vòng “di chuyển” của mặt trời, đứt gãy ở nơi nào mặt trời giấu mình sau mây. Bức ảnh này ghi lại một “khoảnh khắc” rất dài, khuyến khích người xem suy ngẫm về thực tế của mọi bức ảnh là với bất kể độ phơi sáng “tức thì” tới đâu thì nó vẫn luôn ghi lại cả một khoảng thời gian.

Đó là một khám phá tình cờ, nhưng cũng cùng một quy trình mà Finn Tarja Trygg và các cộng sự của bà sử dụng với máy ảnh lỗ kim để ghi lại sự khác biệt về đường đi của mặt trời ở các vĩ độ khác nhau trên thế giới. Thời gian của những lần phơi sáng này kéo dài qua nhiều tháng, ghi lại độ cao càng ngày càng tăng của Mặt trời so với mặt đất, khi nó “dịch chuyển” theo vòng cung hàng ngày của nó, qua các mùa.

Tarja Trygg 2014

Gần đây, Hörmann tập trung nhiếp ảnh của mình vào vùng biển Wadden gần Groningen, thành phố lớn ở phía Bắc Hà Lan nơi bà thực hiện sê-ri Thử thách của thời gian nói trên với thời gian phơi sáng từ 1,5 phút tới nguyên một tuần!

Trong bức ảnh này, với một kế hoạch và sự chuẩn bị hoàn hảo, bà đã ghi lại trực tiếp đường đi của Mặt trời (hay đó là Mặt trăng?) ngay trên đầu mình. Đó là một câu đố, bởi vì khó thể tưởng tượng rằng, kể cả trong mùa hè, Mặt trời có thể lên cao tới vậy ở vĩ độ đó. Nếu đó là Mặt trăng thì có thể tác giả đã phơi sáng thêm vào ban ngày để lấy chi tiết bùn biển ở tiền cảnh. Một manh mối xuất hiện trên website của Hörmann:

Tôi đã phát triển một kỹ thuật mới để thu được đường sáng trong ảnh của mình. Tôi di chuyển máy về phía mặt trời sau hai phút phơi sáng. Đó là một đường khác mà sẽ trao cho hình ảnh một nội dung khác.

Tuy nhiên, trong trường hợp dưới đây, Hörmann đã trù liệu để có một vệt sáng hiện ra hoặc hình thành từ, hoặc biến mất vào, một vết nứt ở mặt bùn biển ở nơi chân trời. Nhưng điều đó là trái ngược với sự phản chiếu ánh sáng của chính vết bùn nứt mà rõ ràng là được chiếu rọi bởi một nguồn sáng cố định từ phía trên. Đây chắc chắn là ‘nhiếp ảnh chậm’ dù phương án thực hiện là gì, và, với nhiều người, sức hấp dẫn của máy ảnh lỗ kim nằm ở sự retro của nó cũng như là phù hợp nhất với những chất liệu thủ công. Nhiếp ảnh gia sử dụng máy ảnh lỗ kim thường dùng giấy ảnh khoảng ISO 12, có thể chấp nhận được nhiều dự đoán độ phơi sáng và cho hiện ảnh chỉ vài phút sau khi bức ảnh được chụp. Hörmann đã chuyển qua phim trong những năm gần đây để có độ chi tiết tốt hơn, sử dụng các bộ lọc mật độ trung tính để mở rộng độ phơi sáng.

Giữa biển Wadden và biển Bắc có một chuỗi các đảo đóng vai trò như một đê chắn các tác động dữ dội của sóng biển, vì vậy, khu vực này bao gồm các bãi bùn nông (wad có nghĩa là bãi bùn) vốn trải qua tác động của các lực thuỷ triều chậm chạp. Với diện tích rộng lớn của những bãi bồi không bị gián đoạn, khu vực này nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Giữa các vùng đất liền và biển, khô và ướt, thuỷ triều và thời gian, là một chủ thể tuyệt vời cho nhiếp ảnh lỗ kim. Trong một bức ảnh như Mắc cạn (Cast Away), bên dưới, người ta có thể cảm nhận được dòng chảy và sức hút của những cơn sóng, và theo thời gian, thuỷ triều, khi chúng điêu khắc lên những miếng gỗ cổ xưa tạo dựng một đê chắn sóng và sự lắng đọng dường như vô hạn, rồi kéo đi một đống hỗn hợp những mảnh vụn của sọ cừu và vỏ ốc anh vũ. Những bức ảnh phơi sáng lâu của Hörmann khiến các vật thể này vừa trông như trôi lơ lửng, vừa ăn sâu vào lớp bùn sâu.

Đây là điều khiến tác phẩm của Hörmann vượt ra khỏi những ‘mánh lới câu khách’, hoặc trong vài trường hợp còn đáng trân trọng hơn nữa, vượt lên cả giá trị kỳ lạ, gây tò mò vốn có của nhiếp ảnh lỗ kim. Nỗ lực bền bỉ của bà trong loạt ảnh phức tạp này phù hợp với những ý tưởng và cảm xúc bà muốn truyền tải. Ngay cả trong tác phẩm thời kỳ đầu Tôi là một yêu tinh nhỏ, ta vẫn có thể phát hiện ra tình yêu của bà với sự bị cô lập. Còn ở vùng Wadden, ngoài đó, trên bãi bồi, tình yêu của bà với môi trường mà bà đã dành nhiều ngày hoàn toàn đơn độc tại đó hiển hiện rõ ràng. Tôi đồng cảm với bà khi bà tuyên bố mình thích sự u sầu của cô đơn trong môi trường ấy; đó là sự đồng hành tuyệt diệu và gây nghiện mà một người cảm thấy với một chiếc máy ảnh, con mắt ‘khách quan’ – đây là dạng nguyên thuỷ nhất, đòi hỏi bạn phải cho con mắt ấy thấy cái gì bạn thấy.

Xanh dương (Blue) phần 2 của Hörmann

Bài viết thực hiện bởi James Mcardle trên On this day in Photography, dịch cho noirfoto.com bởi Hương Mi Lê

Nguồn: https://onthisdateinphotography.com/2017/12/07/december-7-time/