Articles

Câu chuyện Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật

Thuật ngữ “nhiếp ảnh” mà ngày nay chúng ta biết đến xuất phát từ sự kết hợp giữa hai từ Hy Lạp: “phōs” có nghĩa là “ánh sáng”, và “γραφή” có nghĩa là “vẽ lại” hoặc “ghi lại”. Vì vậy, từ khi ra đời, nó đã được hiểu là bộ môn “vẽ bằng ánh sáng”. Nhiếp ảnh mang lại cho con người khả năng lưu giữ và “vẽ lại” hình ảnh của mọi thứ bằng ánh sáng Thiên Chúa ban tặng. Vừa là một môn khoa học, vừa là một loại hình nghệ thuật, nhiếp ảnh đã trở thành một trong những công nghệ ứng dụng nhanh nhất của loài người với năm tỷ bức ảnh được chụp mỗi ngày, dù được phát minh cách đây chỉ 200 năm.

Nhưng nếu như ai cũng có thể dễ dàng chụp một tấm ảnh đẹp chỉ trong vài khắc mà lại chẳng tốn kém đồng nào, thì tại sao nhiếp ảnh vẫn có thể tiếp tục trở thành một loại hình nghệ thuật được ưu ái bởi rất nhiều nghệ sĩ, với số lượng ngày một tăng, cùng với hằng hà sa số các triển lãm và sự kiện nghệ thuật dành riêng cho nó tại khắp nơi trên thế giới như Paris, New York, Kyoto..?

Câu chuyện nghệ thuật nhiếp ảnh (Ảnh 1)
Elsa Peretti in a ‘Bunny’ costume by Halston, New York, 1975 – Helmut Newton.

Sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh liên quan mật thiết đến sự tiến hóa trong nhận thức và cảm nhận của con người. Nó bắt nguồn từ một bản năng bẩm sinh đơn giản của loài người: khi ta nhận thấy vẻ đẹp bên trong một khung cảnh hay một khoảnh khắc bất kỳ, ta sẽ muốn ghi lại và lưu giữ nó. Từ khi chỉ có ảnh phim, đến lúc bắt đầu phát triển ảnh kỹ thuật số, nghệ thuật nhiếp ảnh đã đi qua một chặng đường dài. Nhiếp ảnh đã trở nên dễ tiếp cận và thuận tiện hơn đối với mọi người nhờ việc đơn giản hóa các quy trình và tích hợp các ứng dụng nhiếp ảnh trên các thiết bị điện tử thông minh.

Tuy nhiên, điều đó không khiến mỗi người trong chúng ta trở thành một “nhiếp ảnh gia” thực thụ. Sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật, đặc biệt là cái nhìn thẩm mỹ của mỗi người đã khiến mỗi bức ảnh trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và riêng biệt. Mỗi bức ảnh đều có danh tính riêng, gắn liền với người nghệ sĩ đã chụp nó, cũng giống như mỗi bức họa toát lên danh tính của người họa sĩ vẽ nên nó, cá tính và độc nhất.

Câu chuyện nghệ thuật nhiếp ảnh (Ảnh 2)
Mental Picture #52 – Wolfgang Tillmans.
Câu chuyện nghệ thuật nhiếp ảnh (Ảnh 3)
Paper Drop (Shadow) – Wolfgang Tillmans.

Dù có những tiến bộ hiện đại về vật lý, hóa học, điện tử, hay những công nghệ khác, việc làm nên một bức ảnh thông qua nhiếp ảnh vẫn đòi hỏi vô số kiến thức và kỹ năng của các bậc thầy đầy kinh nghiệm. Giống như các họa sĩ và các nhà điêu khắc, phải khổ luyện với cọ, màu, búa và đẽo để thành thạo những kỹ năng phức tạp, các nhiếp ảnh gia và các bậc thầy rọi ảnh cũng phải thử nghiệm với vô số hóa chất, chất liệu, dụng cụ, và kỹ thuật rọi khác nhau trong Phòng Tối – Noirfoto

Một cái nhìn thẩm mỹ và ý tưởng sáng tạo là cần thiết, nhưng chưa bao giờ là đủ. Một nhiếp ảnh gia thực thụ phải sở hữu vốn kiến thức dồi dào về khoa học và sẵn sàng hy sinh hàng nghìn giờ để tập luyện, trau dồi kỹ năng rọi ảnh của mình. Tất cả những thứ “nguyên liệu” trên mới tạo nên được một “món” nghệ thuật nhiếp ảnh hoàn mỹ.

Câu chuyện nghệ thuật nhiếp ảnh (Ảnh 4)
Quá trình rọi ảnh trong Phòng Tối tại Noirfoto. (Bước 1)
Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 5)
Quá trình rọi ảnh trong Phòng Tối tại Noirfoto. (Bước 2)
Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 6)
Quá trình rọi ảnh trong Phòng Tối tại Noirfoto. (Bước 3)

Chi tiết về cách rọi ảnh trong phòng tối. Tại đây

Những bản in được tạo ra bởi những hợp chất cấu thành từ sắt, đồng, bạch kim, vàng, bạc, và in trên nhiều loại vật liệu bao gồm giấy, vải, thủy tinh hoặc kim loại. Nhờ những chất liệu nhạy sáng này, cùng với sự lao động sáng tạo và kỹ thuật tạo hình độc đáo, chúng gây ấn tượng mạnh mẽ về mặt thị giác với mức độ chi tiết, kết cấu, sắc độ và độ sắc nét tinh tế. Có thể nói, nhiếp ảnh đã hô biến ra một thế giới nghệ thuật đẹp mĩ mãn từ phép màu của ánh sáng.

Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 7)
Whispers of motion – Pham Tuan Ngoc.
Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 8)
Eruption of Forbidden Pleasure – Pham Tuan Ngoc

Cách đây hơn trăm năm, nhiếp ảnh đã tự khẳng định mình như một loại hình nghệ thuật quý giá. Năm trước, ngay sau đại dịch, Christie’s New York đã tổ chức hai phiên đấu giá.

Tại phiên đấu giá, một bức ảnh đen trắng của nghệ sĩ siêu thực nổi tiếng những năm đầu thế kỷ 20, Man Ray, đã được bán với giá kỷ lục 12,4 triệu đô la.

Bức ảnh đắt đỏ thứ hai, thuộc bộ sưu tập cá nhân của nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen, chụp bởi Edward Steichen, được đấu giá với giá 11,8 triệu đô la.

Chúng tôi tin rằng: với tất cả giá trị của mình, nhiếp ảnh không chỉ là một kiểu “hội hoạ mới”, nó là một phương tiện nghệ thuật tiên tiến, mang trong mình vẻ đẹp và kỹ thuật hòa quyện giữa hiện đại-đương đại, có sức ảnh hưởng lan rộng và tràn đầy sự đột phá.

Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 9)
Le Violon d’Ingres – Man Ray, tác phẩm được bán với giá kỷ lục 12,4 triệu đô la.
Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 10)
The Flatiron – Edward Steichen, tác phẩm được đấu giá với giá 11,8 triệu đô la.

Trải qua lịch sử hình thành lâu dài, ở nhiều nền văn minh và xã hội khác nhau, đầu tư vào nghệ thuật đã luôn là một khoản đầu tư vô cùng cần thiết và thông minh. Nó không chỉ giúp làm giàu tâm hồn nghệ thuật, nâng cao các phẩm chất duy mỹ, mà còn khẳng định địa vị của một cá nhân trong một xã hội xem trọng tri thức và di sản văn hóa. Sự liên kết chặt chẽ giữa nhiếp ảnh với lịch sử và văn hóa khiến giá trị của khoản đầu tư này tăng dần theo thời gian.

Bằng cách đầu tư vào nghệ thuật, các nhà đầu tư không chỉ thể hiện sự ủng hộ dành cho các nghệ sĩ và đóng góp vào việc bảo tồn, lưu truyền các truyền thống nghệ thuật cho đời sau, mà còn giữ vững vị trí của họ như những nhà lãnh đạo đầy trí thức, am hiểu về văn hóa.

Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 11)
Untitled (C-001813), n.d. – Saul Leiter

Với sự bùng nổ của các lễ hội nhiếp ảnh trên khắp thế giới, từ các trung tâm nghệ thuật như Paris và London, đến các thành phố di sản trên toàn thế giới, nhiếp ảnh tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong giới nghệ thuật và đầu tư. Xu hướng này mang lại một cơ hội đầu tư độc nhất cho các nhà sưu tập nghệ thuật.

Câu chuyện nhiếp ảnh nghệ thuật (Ảnh 12)
Cafe de Flore Paris 1976 – Jeanloup Sieff.

Viết cho Noirfoto: Phạm Tuấn Ngọc, Dịch và biên tập: Lam Giang