Articles

Chia sẻ kinh nghiệm: Nói về Đo sáng

Cụ Charles Bukowski có cuộc đời rất là hay và có một câu kinh điển mà mình rất thích: “The problem with the world is that the intelligent people are full of doubts, while the stupid ones are full of confidence.”

Confidence ở đây là về chuyện đo sáng khi chụp phim :)) 

Không may rằng nó chính là nội dung một workshop mà Noirfoto có nhiều học viên nhất trong số các workshop (và đa số học xong vẫn không hiểu gì cả hoặc quên sạch), vì thế mà mình được kéo vô yêu cầu đóng góp thông tin cho thêm phần hỗn loạn. Phần thông tin này là từ workshop đo sáng, nhẽ ra bạn nào muốn biết phải đóng tiền đi học, cơ mà mình share free. Hi vọng đọc xong các bạn sẽ thêm doubt chứ không thêm confidence.

ISO của phim: Nó chả là cái gì cả. ISO là viết tắt của (International Organization for Standardization). Trên đời có tám triệu cái iso. Film chụp ảnh là lớp hoá chất nhạy sáng quét lên cái đế nhựa trong. Vì là hoá chất nên nó có độ nhạy phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Ngày xửa ngày xưa nhiếp ảnh gia phải tự chế lớp nhạy sáng này và chụp bằng máy cũng làm thủ công nên chả có chuẩn gì cả. Từ khi film và cả máy ảnh được sản xuất công nghiệp và bởi nhiều hãng trên khắp thế giới mới dẫn đến nhu cầu có một chuẩn cơ bản chung để khi người dùng mua một cuộn film họ cơ bản biết được nó có mức độ nhạy sáng thế nào và máy ảnh cũng biết mà căn theo.

Vì thế con số iso ghi trên vỏ film chỉ để tham khảo và nếu film càng mới, bảo quản tốt…. thì độ nhạy sáng thật càng gần với con số đó.

Thế độ nhạy sáng thực sự của film là gì?

Độ nhạy sáng này được xác định dựa trên lượng sáng tối thiểu để chất nhạy sáng bị tác động đủ để phản ứng và tạo ra density trên bề mặt đế phim. Thế nên nó phụ thuộc cả vào thuốc tráng và cái đế phim nữa. Và khoa học đằng sau nó là sensitometry và Hurter&Driffield curve (bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì tự google).

Nó còn phụ thuộc cả cái máy ảnh và ống kính mà bạn dùng để chụp cuộn film đó vì lượng sáng mỗi máy ảnh cung cấp cho film là khác nhau dù khẩu độ ống kính hay tốc độ màn trập được đặt giống nhau do các con số đó cũng chỉ là tương đối.

Do phim màu âm bản C41 và dương bản E6 có thuốc tráng định chuẩn (theo lý thuyết, còn lab thực tế tráng vẫn có sự khác biệt) nên độ nhạy sáng chỉ còn phụ thuộc vào phim

Sau khi tráng thì đa số các lab scan (digitalize/số hoá) film thành file kỹ thuật số và ở bước này thì lab có chỉnh sáng tối màu sắc cho ảnh. Bước này chỉ thay đổi bức ảnh số bạn nhận được, không tác động đến film nên chả liên quan gì đến xác định độ nhạy sáng hay iso của film cả.

Do định nghĩa về độ nhạy sáng thật của film đã nêu ở trên, là thực ra nó chả có chuẩn gì cả và con số iso ghi trên vỏ hộp chỉ có tính tham khảo, nên bạn có thể chụp bất cứ cuộn film nào ở bất cứ “iso” nào. Cái thực sự xảy ra chỉ là bạn cho bao nhiêu ánh sáng vào film mà thôi.

Vậy thì bao nhiêu là đủ? Bao nhiêu là đúng và bao nhiêu là đẹp?

Bạn nào muốn biết thì có thể đăng ký học workshop đo sáng của Noirfoto hoặc chờ phần sau chừng nào rảnh rảnh mình viết tiếp.