Bài viết

Review máy ảnh: Pentax ME Super

Noirfoto xin giới thiệu bài viết review máy ảnh Pentax ME Super chi tiết và thú vị đăng tại emulsive.org do Hồng Lâm Quang Triết hay Trevor Hong – quản lý Marketing của Noirfoto thực hiện.


Tôi đã từng ghét máy ảnh điện tử bởi mọi người cứ luôn nói rằng “chúng dễ dàng hư vỡ”, cho tới khi tình cờ gặp được con máy Pentax ME Super. Thực tế là tôi đã có cơ hội sử dụng phiên bản ME nguyên bản mà sếp tôi để lại và tôi lập tức phải lòng Pentax 35mm – và ME Super chắc chắn là một sự cải tiến của ME nguyên bản.

Review máy ảnh: Pentax ME Super (sử dụng cùng phim Portra 400 và các ống kính SMC-C series)

Trevor Hong. Đăng ngày 16/01/2022

Tôi đã sử dụng Pentax 67 và tất cả chúng ta đều biết những ống kính này có lớp phủ SMC huyền thoại tuyệt vời như nào. Và, giờ đây, khi đã đọc nhiều hơn về chúng, tôi nhận ra rằng Pentax thực sự dẫn đầu với cả ống kính lẫn thân máy. Nikon có thể là một gã khổng lồ trong thế giới của nhiếp ảnh phim nhưng trước đây thì Pentax mới là “OG”. May mắn là, chính bởi vì Nikon đang ở nơi tâm điểm của sự chú ý với máy phim nên tôi thực sự đã “lụm được quả máy này ở tiệm đồ cũ với giá 5 đồng” (*insert Jason Kummerfeldt’s joke here*). Mèng đéc ơi, cái bộ lọc đen trắng mà tôi đương lắp trên trên ống kính còn đắt hơn nguyên bộ cộng lại.

Nhưng không phải bởi vì nó rẻ mà nó kém cỏi chút nào. Dưới đây là những điều mà tôi thực sự yêu thích ở Pentax ME Super:

Những ưu điểm

1. Tốc độ màn trập cao và chính xác:

Máy ảnh ME Super có thể chụp tới tốc 1/2000 của 1 giây, và hãy đoán xem máy ảnh nào cũng làm được y như thế nhưng đắt hơn nhiều nào? Đúng rồi đấy, Nikon F3. Ngoài ra, tất nhiên là đừng quá chắc cú với lời tôi nói, nhưng quả là có một số tin đồn rằng vì Pentax (và cả F3 nữa) sử dụng điện tử và nam châm để điều chỉnh thời gian màn trập mà chúng không thường dừng luôn hoạt động sau một thời gian như những máy ảnh cơ 100%; và tôi đoán rằng điều đó là đúng, vì máy ảnh của tôi (cả “người yêu cũ” Nikon F3P và ME Super của hiện tại) vẫn tiếp tục cho tốc độ màn trập chính xác.

Hơn nữa, bởi vì ME Super ngày nay là quá rẻ đi, tôi thường có thêm 1-2 thân máy dự phòng, và nếu máy có hỏng, nó sẽ là một cái chặn giấy dễ thương và tôi sẽ không buồn khi nói thế, không như nếu nó là một quả F3.

2. Chế độ tự động chính xác và viewfinder to đùng

Đo sáng trên máy ảnh này là “super” chính xác, tôi chưa bao giờ nghi ngờ máy này về khả năng đo sáng của nó cả. Đối với mọi bức ảnh mà tôi đã chụp, tỉ lệ phơi sáng hoàn hảo là 36-38 kiểu trên mỗi cuộn. Đây là chiếc máy ảnh chỉnh tay duy nhất, ngoài F3, mà tôi tin tưởng sử dụng nó với phim slide của mình.

Viewfinder của nó cũng “super” khủng với độ phóng đại 0,95x trong một thân máy nhỏ gọn compact với màn trập kim loại, thậm chí còn lớn hơn địch thủ Olympus OM-1 với độ phóng đại chỉ 0,92x và màn trập vải.

Kính ngắm sáng và to đùng với độ phóng 0,95x và tốc độ màn trập lên tới 1/2000s

Sau đây là một vài pô ảnh để cho thấy khả năng đo sáng của ME Super, được chụp với Kodak Portra 400 (mấy bức ảnh cưới) và Kodak Gold 200 (ảnh mèo) sử dụng SMC-M 500mm f/1.4 và SMC-M 288m f/2.8.

ME Super có một cơ chế giúp bạn nhanh chóng lắp và tải phim, tất cả những gì bạn cần làm là trượt cuộn phim vào một trong những khe màu trắng ở bên trái của khay phim và voilà, thế là xong.

Tôi không bao giờ phải lo lắng về việc phim của mình không được lắp đúng cách, vì có hai thứ khác trên máy ảnh cũng có thể giúp tôi kiểm tra xem phim đã được lắp đúng chưa. Đầu tiên là cần tua gạt lại (rõ ràng trên mọi máy) và thứ hai là cửa sổ khác ở phía bên đầu của điểm dẫn phim (xem hình bên dưới) cho bạn biết là phim đã được lắp và kéo đúng chưa; nó sẽ bắt đầu chuyển động khi bạn tua tiếp cuộn phim, và nếu nó đứng yên thì hẳn đang có gì chưa đúng.

Những nhược điểm

Thì làm gì có gì là hoàn hảo, kể cả cô em yêu quý này.

1. Chế độ manual ác mộng

Máy ảnh này được thiết kế để sử dụng ở chế độ tự động, do đó, sử dụng chế độ M với nó là một cơn ác mộng thực sự. Nó không có bất kỳ kim đo sáng nào nên việc điều chỉnh tốc độ cửa trập bằng nút lên/xuống (vâng, bạn không đọc nhầm đâu, không có nút xoay, chỉ có nút bấm) để đến tốc độ mong muốn không thực sự vui vẻ gì.

2. Không có khoá AE

ME Super không có bất kỳ chức năng phơi sáng tự động hay khoá AE nào, vì vậy khi bạn di chuyển máy ảnh của bạn, đo sáng lập tức thay đổi dựa trên cái gì đang ở giữa khung hình. Vì vậy, đôi khi, nếu bạn gặp phải một số điều kiện ánh sáng thực sự khó thì đo sáng của bạn có thể bị rối (bởi nó sẽ nghiêng về vùng sáng). Nhưng đó là khi bạn cần phải đo vùng sáng, giữa, và tối, rồi chuyển sang chế độ manual, hoặc bù sáng (sẽ nói thêm ở phần tiếp theo).

3. Bù sáng (EC) rất khó hiểu

Cũng có thể là tôi thôi, nhưng tôi nghĩ rằng bù trừ sáng trên ME Super và nói chung là hầu hết máy Pentax đều vô cùng khó hiểu. Nghiêm túc luôn, “không bù/không/0” là 1x, 1 stop lên là 2x, 1 stop xuống là 1/2x – thực sự không dễ hiểu với một chiếc máy được coi là dành cho người tiêu dùng thông thường.

Hệ thống đánh số liên quan tới lượng ánh sáng bổ sung/giảm trừ mỗi stop phơi sáng +/- được cung cấp đấy. Và, ý tôi quả thực là, rồi thì bạn sẽ quen với nó thôi nhưng việc này vẫn rất là khó chịu với những người dùng máy ảnh lần đầu.

Kết luận

Sau tất cả, đây là một cái máy ảnh “SUPERb” (xin lỗi vì mấy trò chơi chữ dở tệ). Nó nhỏ, gọn (bé hơn Olympus OM-1 một chút), đo sáng chính xác, tốc độ màn trập cao, và thực sự không phải là một máy ảnh được tung hô quá đà. Ống kính Pentax luôn tuyệt vời với siêu-đa-lớp phủ mà giúp giảm loá sáng, cho tương phản đẹp, và độ phân giải ngon lành.

Nguồn: https://emulsive.org/reviews/camera-reviews/pentax-camera-reviews/camera-review-pentax-me-super-featuring-portra-400-and-the-smc-m-series-lenses-by-trevor-hong

Hương Mi Lê dịch