Bài viết

[Review] Bộ tác phẩm Ngũ hành – lụa in Cyanotype của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc (phần 4)

Chú tễu trên lụa - bình dân một cách sang chảnh

Trong nghệ thuật múa rối nước, chú Tễu là một nhân vật rất quen thuộc, đại diện cho tiếng cười châm biếm, bình dân và cũng là biểu tượng cho người nông dân Việt Nam. Chú Tễu thường đóng vai trò là “MC” dẫn truyện đầu show, tạo không khí vui nhộn, thoải mái cho người xem show. Thi thoảng, Tễu lại kể chuyện cười về cuộc sống nhà nông hay chỉ trích quan tham một cách khéo léo nhưng không kém phần táo bạo.

Chú tễu múa rối nước (Nguồn từ Dân Trí)

Chú Tễu dù rất tự hào mình con cháu rồng tiên nhưng vẫn ngày ngày đóng khố, tóc buộc 2 chỏm để dễ bề hết sức năng động trong công cuộc tạo ra niềm vui cho mọi người xung quanh vì dù sao tên “Tễu” trong tiếng Nôm cũng có nghĩa là “Tiếng cười”. 

Tác phẩm lụa Tiên và chú Tễu tại 22 Hàng Buồm
Tác phẩm lụa in Cyanotype hình tượng chú Tễu của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Sang lên Tễu ơi – cho Tễu lên lụa 

Thấy Tễu trong hình hài rối nước bằng gỗ đã quen mắt, bỗng dưng Tễu xuất hiện trên nền lụa xanh in cyanotype khiến nhiều người thấy khá ngỡ ngàng. Tễu sang lên rồi, nay được đưa hẳn lên lụa tơ tằm vốn là một chất liệu dệt may khó tính nhưng lại sang trọng. Gương mặt Tễu vẫn rất bình dân và thân thiện, cười tít mắt mà người ta thường nói là “Cười như được mùa”. Cái chất lụa này, cứ ngỡ là chẳng hợp tí gì với tính cách hay hình hài chú Tễu nhưng hợp không tưởng nhờ những chuyển động mềm mại mỗi khi có cơn gió thoảng qua làm ta cứ ngỡ Tễu đang vui đùa nhảy nhót. Ánh nắng vàng chiếu qua tấm lụa mỏng lại khiến cho nụ cười của Tễu thêm hồn nhiên, lấp lánh.

Các tác phẩm lụa in Cyanotype trong bộ Ngũ Hành của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Các tác phẩm lụa in Cyanotype trong bộ Ngũ Hành của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc, với tấm lụa in hình chú Tễu nằm ngoài cùng bên tay phải của tấm hình.

Kỹ thuật nhiếp ảnh trong bối cảnh này chính là ngôn ngữ hiện đại đến từ phương Tây mà nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc chọn lựa để kể câu chuyện truyền thống trên chất liệu truyền thống.  

Chú Tễu trên lụa in Cyanotype của nghệ sỹ Phạm Tuấn Ngọc
Tác phẩm lụa in Cyanotype hình tượng chú Tễu của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Người mẫu chụp hình với tác phẩm Chú Tễu lụa in cyanotye
Người xem chụp hỉnh với tác phẩm lụa in cyanotype

Chất liệu văn hoá dân gian luôn là một kho tàng phong phú cho các nghệ sĩ tìm hiểu và khai thác. Tuy vậy, việc thử nghiệm các hình tượng dân gian lên các chất liệu khác nhau cũng tạo ra nhiều thử thách cho họ. Nếu thành công, đó sẽ là những bước đi táo bạo để thể hiện văn hoá dân gian theo một cách mới mẻ, thậm chí đặt ra những dấu hỏi mới cho chính sức sáng tạo của những người làm nghệ thuật cả truyền thống và đương đại. Nó cũng tương tự như việc bạn kể một câu chuyện nhưng chọn hình thức kể chuyện và diễn hoạ thế nào cho phù hợp với thị hiếu của khán thính giả.  

Khó khăn đấy. Nhưng văn hoá dân gian xứng đáng có một màu sắc hoàn toàn tươi mới cùng những cách thể nghiệm độc đáo để làm bật lên các giá trị thẩm mỹ của riêng nó. Quan trọng hơn hết là những tấm áo choàng mới này vẫn có thể giữ nguyên khí chất của người Việt – lạc quan, tươi vui nhưng không xa rời thực tế.