Bài viết

Nhìn lại trò chuyện ‘In ấn trong Nghệ thuật của Tạo hình: Lịch sử và Đương đại’

Vào ngày 23/04 vừa qua, Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery đã phối hợp cùng MAI Gallery tổ chức buổi trò chuyện nghệ thuật đầu tiên của năm 2022 tại Room of Fotography Hà Nội, với sự góp mặt của 4 diễn giả đang nghiên cứu hoặc thực hành in ấn trong sáng tạo nghệ thuật và thiết kế. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động thường kỳ của RoF nhằm kết nối và phát triển cộng đồng nhiếp ảnh nói riêng và cộng đồng nhiếp ảnh nói chung.

Buổi nói chuyện xoay quanh lịch sử của in ấn trong nghệ thuật của tạo hình, đặt trong bối cảnh văn hoá phương Tây và phương Đông, và quá trình thực hành của chính các diễn giả. 

Để mở đầu, diễn giả Hương Mi Lê – quản lý giáo dục của Noirfoto và cũng là một nhà sư phạm về nghệ thuật và thiết kế – giới thiệu tổng quan về các kỹ thuật in ấn. Đa số chúng ta thường chỉ được biết tới các loại in kỹ thuật số hay công nghiệp mà chưa biết có tới 4 kiểu trong in ấn thủ công: in nổi, in chìm, in phẳng, và in nhiếp ảnh. Qua những gì Mi chia sẻ, khán giả bước đầu có được kiến thức bao quát phân biệt các kỹ thuật in ấn, nhìn nhận sự phát triển của chúng trong dòng chảy lịch sử, hiểu được ý nghĩa của từng loại in như một phương tiện sản xuất cũng như phương tiện nghệ thuật.

Tiếp theo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng nói về một chủ đề khá mới lạ và mang tới nhiều bất ngờ là vai trò của kỹ thuật in mộc bản tại Việt Nam thể hiện qua trường hợp in khắc ván kinh điển Phật giáo đầu thế kỷ 20. Sự phổ biến của tri thức nước ta kể từ thời Lý – cụ thể là kinh Phật – chính là nhờ sự du nhập của kỹ thuật in mộc bản. Phần trình bày của diễn giả Nguyễn Đình Hưng xoay quanh lịch sử của in mộc bản ở Đông Á, cách thức mà các bản in kinh sách và các loại in ấn khác trong vùng Đồng Văn được tạo ra, và hành trình khám phá văn hóa Phật giáo Việt Nam thông qua mộc bản như một chất liệu văn hiến của anh.

Sau phần chia sẻ của Nguyễn Đình Hưng là trò chuyện của Din Sama, một nghệ sĩ thị giác và giảng viên tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành tranh in khoa Hội Hoạ tại ĐH Nghệ thuật Tokyo. Hành trình sáng tạo trên 2 chất liệu khác nhau là đá và gỗ, bao gồm cả in phẳng và in nổi, là điều Din Sama đã tập trung chia sẻ trong phần trò chuyện của mình. Là một người được học bài bản và đã nhiều kinh nghiệm thực hành chuyên nghiệp về tranh in, cô tiết lộ những câu chuyện mà chỉ người trong cuộc mới hiểu: chất liệu và phương thức ảnh hưởng tới cá tính của tác phẩm lẫn mạch tư duy và  hành vi của người nghệ sĩ nhiều tới thế nào. Các khán giả đã rất thích thú khi được xem tận mắt những khuôn in của Din.

Cuối cùng, buổi trò chuyện khép lại bằng những chia sẻ của nghệ sĩ và người sáng lập Noirfoto – anh Phạm Tuấn Ngọc. Cuộn film máy ảnh Kodak quét bạc gelatine có lẽ là vật liệu chụp ảnh xưa nhất mà nhiều người biết. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều chất liệu khác phục vụ in nhiếp ảnh còn xưa hơn như cyanotype (muối sắt), in muối bạc, muối platinum/palladium, in gum sơn dầu, và gum bichromat… Phần trình bày của Ngọc có thể hơi phức tạp về mặt… hoá học, nhưng người tham dự vẫn tìm thấy tiếng cười trong những câu chuyện “làm nên lịch sử” đầy hài hước của in nhiếp ảnh. Đặc biệt, qua chia sẻ này, khán giả có một cơ hội rất hiếm tìm hiểu về thực hành nghệ thuật sử dụng các phương pháp in nhiếp ảnh ở Việt Nam vốn là đã là rất hiếm.

Trên hết, sự góp mặt của đông đảo công chúng và sự tương tác tích cực là điều đã giúp các diễn giả duy trì mức năng lượng tối đa trong một buổi trò chuyện dài như vậy. Không chỉ có những câu hỏi và thảo luận liên tục được đặt ra giữa các diễn giả, nhiều khán giả là đã tham gia chia sẻ sôi nổi cùng diễn giả và các khán giả khác xuyên suốt và sau buổi trò chuyện, trong đó bao gồm nhà sưu tầm Lê Hải Đức của Thanh Uy Gallery và nghệ sĩ Hồng Việt Dũng. Truyền hình An Viên cũng xuất hiện để ghi hình và đưa tin với hứng thú đặc biệt tập trung vào kỹ thuật in mộc bản tại Việt Nam do Nguyễn Đình Hưng trình bày. Điều này hứa hẹn những sự kiện thảo luận tương tự nối dài chủ đề đàm thoại sẽ sớm diễn ra.

(Hương Mi Lê đưa tin)