Bài viết

Nhìn lại sự kiện portfolio review của Noirfoto ngày 16/07/2022

Vào ngày 16/07/2022 vừa qua, Noirfoto lần đầu tiên tổ chức một buổi portfolio review song song cả trên không gian trực tuyếnphi trực tuyến. Sự kiện diễn ra offline tại không gian của CA’ Library và online trên nền tảng Zoom cũng như phát livestream trên trang Facebook của Noirfoto.


Buổi portfolio review có sự tham gia đánh giá lần đầu tiên của anh Nguyễn Thế Sơn (giảng viên, nghệ sĩ, giám tuyển), bên cạnh gương mặt quen thuộc là anh Phạm Tuấn Ngọc, người sáng lập Noirfoto, và sự điều phối của chị Hương Mi Lê, quản lý giáo dục của không gian.

Đã có 4 bộ portfolio được chọn review và trong đó có hai gương mặt hoàn toàn mới, một bạn đã từng tham gia nhiều workshop tại Noirfoto và một bạn đã từng có bộ tác phẩm được review vào năm ngoái trong chuỗi sự kiện portfolio review kết hợp với viện Goethe TP HCM và khách mời chuyên gia Christian Berg.

Portfolio thứ nhất có tên là RED đến từ tác giả Noah Nguyễn từng học tập tại Úc và hiện đang là art director độc lập cho các công ty truyền thông. Bộ ảnh được thực hiện tại Melbourne, xuất phát từ ý tưởng về việc “là một người châu Á, sống dưới rất nhiều luật lẽ và tục tập khắt khe” và trải nghiệm “lần đầu tiên tại Melbourne, nơi mọi người thể hiện bản thân một cách tự do và thành thực với chính mình, lang thang trên những con đường mà không bị phán xét“. Noah tìm cách thực hiện một series ảnh hợp tác cùng một người bạn nhằm “tìm thấy chính mình ở một nơi an toàn để là chính mình“. Bạn chọn màu đỏ làm sở chỉ cho tác phẩm vì nó “cho người ta một cảm quan về tự do, hay một cảm xúc bùng nổ, hoặc sự gì đó mạnh bạo và rực rỡ đang tới”. Nó cũng là “màu của mạch máu, thứ cũng như cảm giác về việc tự biểu hiện chảy khắp cơ thể ta”, một cơ thể trần trụi theo cách nguyên bản nhất.

 

 

Màu đỏ quả thật đã tạo cảm xúc mạnh và kết nối toàn bộ các bức ảnh được tác giả lựa chọn. Cảm hứng đến từ cả trào lưu Biểu hiện trừu tượng và Siêu thực, bên cạnh những cảm hứng khác, đã cho Noah những cách xử lí khác nhau với cùng một ý tưởng và đối tượng. Tuy nhiên, cũng vì vậy, bạn thiếu đi sự nhất quán cần thiết trong phong cách sáng tác đối với một bộ ảnh. Kết quả là một loạt thử nghiệm song song hơn là một tổng thể tác phẩm có thể đi tới hoàn thiện. Lời khuyên dành cho Noah là tiếp tục các thử nghiệm này và chọn ra một phong cách tốt nhất. Các bức ảnh mang tính trừu tượng cao của bạn được đánh giá là nhiều tiềm năng nhất.

 

 

Bộ ảnh tiếp theo được nhận xét đến từ bạn Trương Cao Hoàng, người đã tham gia nhiều workshop thực hành tại không gian Noirfoto ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục gặp lại Noirfoto tại Hà Nội trong buổi review này. Hoàng nhắm tới “cảm giác đứng lặng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên”, “dừng lại để chiêm ngưỡng những điều nhỏ bé của khu rừng hay biển cả” và “quan sát mọi thứ và ghi nhớ chỉ bằng đôi mắt”. Hoàng sử dụng chất liệu ảnh phim để ghi lại một thiên nhiên không bao giờ bỏ rơi anh, “mà còn chữa lành những vết thương trong tâm hồn.

 

 

Quả thực vậy, Hoàng đã có những hình ảnh phim đen trắng được xử lý thực sự tốt về sắc độ, bao gồm những tác phẩm do tự tay bạn tráng phim tại phòng tối của Noirfoto. Những bức ảnh hoặc hoàn toàn đen trắng hoặc ngả tông sepia (một loại màu nâu và vàng ngả đỏ) về rừng và biển đều khơi gợi ra cảm giác vừa thơ mộng, lắng đọng, lại vừa kỳ lạ trong sự quen thuộc – gợi nhớ tới trào lưu Nhiếp ảnh Như hoạ (Pictorialism) cuối thế kỷ 19. Một số xử lí đơn giản như đặt hai ảnh cạnh nhau thành một dạng diptych (nhị liên hoạ), kết hợp góc máy rộng và góc máy cận, hoặc đơn giản là xoay ngang ảnh – đều tạo ra cảm giác trừu tượng. Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể, có những bức ảnh bị yếu hơn, hoặc quá khác biệt về độ tương phản, hoặc giống như ảnh lưu niệm du lịch khi so với những bức tốt nhất. Việc lựa chọn đưa cả ảnh màu và đen trắng vào cùng một bộ ảnh cũng tạo ra sự thiếu nhất quán, mặc dù bạn có một cặp ảnh màu cũng tạo ấn tượng tốt. Lời khuyên của chuyên gia dành cho bạn là biên tập ảnh khắt khe và nhất quán hơn.

 

 

Bộ ảnh thứ ba được review cũng là một bộ ảnh phim và lần này toàn bộ đều đen trắng ở hai khổ 135 và 120, đến từ bạn Sĩ Nguyễn. Lấy tên là… “Chưa đặt tên” vì “tác giả chưa tìm được cái tên phù hợp, hơn nữa bộ tác phẩm vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện“, quả thực portfolio này là một loạt các khoảnh khắc đa dạng và ngẫu hứng tại các “thời điểm và địa điểm khác nhau“, vừa có đường phố vừa có phong cảnh và đều ngầm phác hoạ các tâm trạng rất riêng tư của tác giả.

 

 

Cũng giống như Hoàng, Sĩ có cách xử lí sắc độ và góc máy nhìn chung là khéo léo và có kinh nghiệm, và nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, bạn vừa có những bức ảnh nổi bật, gây ấn tượng và cả sự tò mò ở khán giả nhưng lại vừa cũng có những bức ảnh hoặc không rõ ý đồ hoặc còn quá cliché và khó tìm thấy sự đồng điệu với tổng thể cả về tâm trạng lẫn hình thức. Sĩ có nhiều bức ảnh đủ mạnh và độc đáo để đứng riêng hoặc tạo ra một hướng khai thác hứa hẹn thêm nhiều tác phẩm khác. Kỳ thực, bộ ảnh 35 bức của bạn chứa trong nó vài bộ ảnh nhỏ, một số đã đủ hoàn thiện và một số hoàn toàn có thể phát triển tiếp. Lời khuyên dành cho bạn vừa nằm trong việc biên tập cho khắt khe và nhất quán hơn, vừa là khai thác tiếp vài tiếp cận khả dĩ. Một ý tưởng cụ thể hơn là gợi ý của anh Nguyễn Thế Sơn: đặt song song không gian phong cảnh “thật” (của tự nhiên) và phong cảnh “giả” (trong nhà) để tạo ra hiệu ứng nhận thức gây ngạc nhiên thú vị cho người xem.

 

 

Bộ ảnh kết lại buổi review là “Trật tự trong hỗn loạn” (“Order in Chaos“) của Nguyễn Thành Dũng. Từng tham gia review vào tháng 6 năm ngoái (2021) với một bộ ảnh phim màu giản dị nhưng bộc lộ những góc nhìn tinh tế phát hiện cái thơ mộng trong các vật thể và khung cảnh thường nhật, lần này, Dũng mang tới một bộ ảnh cũng là phim nhưng đen trắng mà theo chia sẻ của tác giả là đã được thực hiện trong vài năm vừa qua, nhằm “khám phá sự kỷ luật trong bố cục khuôn hình của bản thân tôi trong đời sống thường ngày.

 

 

Với hình ảnh những con chim trong thành phố lặp lại nhiều lần và bức ảnh gần cuối bộ ảnh là một chiếc máy bay ló ra trên những tán cây, anh Nguyễn Thế Sơn đã gợi ý cách biên tập thành hai bộ ảnh: bộ thứ nhất dẫn dắt theo hướng kể về những chú chim trong môi trường nhân tạo, đối thoại với kiến trúc, và kết thúc bằng chú “chim sắt” trong thiên nhiên; bộ thứ hai thì nói về tính trừu tượng của các hình thức kiến trúc lẫn thiên nhiên. Trong khi đó, anh Phạm Tuấn Ngọc lại nhìn thấy mối liên hệ giữa hình tượng những con chim bồ câu và con người trong thành phố: tưởng là tự do mà thực ra không hề tự do, tạo ra một bộ ảnh mang tính ý niệm cao. Anh gợi ý đặt từng cặp một bức hình của những con chim đang bay trong giữa không gian đô thị như một ảo tưởng về sự tự do bên cạnh một bức hình tập trung vào kiến trúc như đại diện cho thế giới nhân tạo được tạo ra bằng thứ ngôn ngữ trực quan hết sức phi tự nhiên.

 

Khép lại buổi review, một số bạn khán giả khác cũng tham gia chia sẻ những cảm xúc của mình và sau đó là một số tiếp tục ở lại đàm đạo tại… quán bia hơi lâu năm ngon nổi tiếng Hà Nội ở ngay dưới chân toà nhà Ago Hub, khiến sự kiện lại càng khó quên.


Hương Mi Lê đưa tin