Bài viết

Chia sẻ kinh nghiệm: Nhập Môn Nhiếp Ảnh Phim (P3)

PHIM TRONG THỜI ĐẠI KỸ THUẬT SỐ

Nhiếp ảnh phim được hồi sinh một phần cũng nhờ công nghệ kỹ thuật số. Chính thứ phát minh đã từng khiến ngành công nghiệp phim chao đảo cũng là thứ đã đoàn kết lại những người quan tâm đến nó. Internet đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hàng ngàn nhiếp ảnh gia thử chụp phim, nó khiến việc ấy trở nên dễ dàng với sự trợ giúp của một khối lượng khổng lồ những tài liệu hướng dẫn và các reviews.

Ngày nay, việc nhận được feedbacks trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với những nhiếp ảnh gia mới. Phương tiện ảnh phim, vốn đòi hỏi nhiều bước để ra được hình ảnh, hưởng lợi rõ ràng từ việc ấy.

Cộng đồng online nhìn chung là thân thiện và hữu ích, đối xử với những người mới bắt đầu bằng sự nhiệt thành. Vừa là tử tế vừa là biết nghĩ cho mình, chúng ta hiểu rằng cách duy nhất để nhiếp ảnh phim tồn tại là với sự giúp đỡ của nhiều người dành cho các nhà sản xuất. Bằng việc mua sắm sản phẩm, phản hồi, và tạo cảm hứng.

Cả IndieGoGo và Kickstarter đã giúp những người hâm mộ và cả những nhà sản xuất kêu gọi đầu tư thành công hàng trăm dự án liên quan đến phim. Một vài blogs và kênh YouTube nổi tiếng thậm chí đã kêu gọi đủ sự chú ý để tạo ra một công việc toàn thời gian. Một số lượng vẫn đang không ngừng tăng các nhiếp ảnh gia đám cưới và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thuyết phục khách hàng của họ thử chất liệu ảnh phim bằng cách quảng bá nó trên các portfolio online của họ.

Phim vào năm 2019 không còn cạnh tranh với công nghệ kỹ thuật số. Nó hưởng lợi trực tiếp từ công nghệ ấy. Không có công nghệ này, những công cụ như FilmLab, một app trên IOS cho phép xem trước và scan âm bản theo thời gian thực hay Lumu, một app biến iPhone của bạn thành một công cụ đo sáng chính xác sẽ không tồn tại.

Thời gian gần đây, cùng với chính con người, phim đã bước vào địa hạt của kỹ thuật số và trở nên phụ thuộc vào việc luôn trực tuyến. Trong khi một số nhiếp ảnh gia vẫn ưa chuộng in ảnh mà không cần phải scan nó hay đăng tải nó lên mạng, phần lớn các âm bản hiện đại vẫn có đi kèm một bản ‘sao’ trên web.

Một vài nhà sản xuất thậm chí đã cố gắng bán bộ kit chuyển đổi cho máy ảnh phim, lần gần nhất là một dự án trên Kickstarter vào năm 2018. Mặc dù thường cồng kềnh và vụng về, những hệ thống này được xây dựng với tiền đề rằng có một số phẩm chất nhất định thuộc về rất nhiều máy phim là không thể sao chép được bằng các bộ phận kỹ thuật số. Với một vài người, đó là cấu trúc kim loại rắn chắc không có đối thủ trong biển body máy DSLR bằng nhựa. Những người khác ưa chuộng sự mềm mại và độc đáo của những bức ảnh được tạo ra bởi hệ ống lens máy ảnh kiểu cũ.

Hãng Leica gần đây đã cho ra mắt mẫu máy M10-D cực kì đắt tiền bắt chước thiết kế của dòng máy range-finder cũ, một thiết kế ‘không gây phân tâm’ do loại bỏ màn hình LCD. Trong khi đó, Hasselblad lại tạo ra những bộ phận điện tử cho body máy phim loại mô-đun của họ. Tuy nhiên, với giá 10.000$, chúng chắc chắn ‘không-dành-cho-mọi-nhà’.

TƯƠNG LAI CỦA NHIẾP ẢNH PHIM

“Tương lai của nhiếp ảnh phim là tốt. Nó sẽ không còn là cách đầu tiên hay cách chính để hầu hết mọi người xem và chia sẻ hình ảnh của họ giống như trong quá khứ. Tương lai mới của nhiếp ảnh phim cũng sẽ giống như của đĩa than. Phần lớn các đĩa than đều được bán kèm với một bản download kỹ thuật số miễn phí, để người nghe có thể tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều cách. Điều tương tự sẽ xảy ra với nhiếp ảnh phim. Việc có một sự dung hợp giữa nhiếp ảnh kỹ thuật số và phim là cần thiết, và cũng là điều chúng ta đã thấy xảy ra. Chúng ta chụp và tráng phim, nhưng sau đó hình ảnh sẽ được scan, tiếp tục hậu kỳ, và chia sẻ qua các kênh mạng xã hội. Tôi thấy ổn với việc đó. Tương lai có thể là chụp bằng phim và sản phẩm cuối cùng ở dạng diện tử. Tôi không nói rằng đó là cách tôi ưa chuộng nhất, nhưng nếu nhiếp ảnh phim muốn tiếp tục tồn tại, nó phải biết tiếp thu cách mà con người hiện nay đang giao tiếp và tương tác. Đó là bản chất của mọi hình thức nghệ thuật, hành vi xã hội, hay hình thức giao tiếp.”

– Take Kayo

Những thách thức của việc giữ chất liệu ảnh phim được sống sót vẫn còn rất rõ ràng cho đến tận ngày hôm nay. Ngay cả với sự quan tâm mới đến từ cả những thế hệ nhiếp ảnh gia già và trẻ lần được được khám phá, vẫn có những yếu tố kéo lùi mọi chuyện. Nhiếp ảnh phim như chúng ta biết yêu cầu một cơ sở hạ tầng công nghiệp hóa học và một mạng lưới lưu kho vận chuyển phức tạp đang ở trong quá trình bị tháo bỏ suốt một thập kỷ qua.

Khi mà chất liệu phim bị từ chối, số lượng công việc trong ngành quang hóa tụt thảm hại, kìm hãm sự đổi mới và sự xuất hiện của những tài năng thay thế trong khi những thế hệ cũ đã đến lúc nghỉ hưu.

Những thiết bị để tráng phim, như các thiết bị xử lý hàng loạt (batch processing units) trong phòng tối đang bị hủy hoại với rất ít những thiết bị thay thế được sản xuất và những bộ phận để sửa chữa đang càng ngày càng khó kiếm. Máy scan phim ở mức độ chuyên nghiệp cũng đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Nền công nghiệp nhiếp ảnh phim phục vụ những người đủ khả năng chi trả cho nó, hiểu nó, và thấy nó có giá trị. Mặc cho những thách thức đi kèm cho việc giữ nó tồn tại, công chúng phù hợp với những điều kiện trên vẫn đang phát triển một cách thận trọng. Những người sáng tạo trẻ tuổi đang quan tâm đến một chất liệu độc đáo và những người nhiếp ảnh gia lớn tuổi hơn đang tiếp tục bằng cách cho những chiếc máy ảnh cũ kỹ bụi bặm của mình thêm một cơ hội nó.

2018 đã chứng kiến một số lượng gia tăng những sản phẩm mới. 2019 cũng không khác gì. (Mong rằng 2020 cũng sẽ thế). Nếu không có một biến cố gì đặc biệt xảy ra, thị trường ảnh phim còn có thể phát triển thêm 10 năm nữa.

Sự phát triển ấy có thể sẽ chậm lại bởi chất liệu này đang có xu hướng trở nên đắt đỏ hơn. Nhưng nó cũng có xu hướng tồn tại thêm nhiều thế hệ tương lai nữa.

Nếu thậm chí chúng ta đi đến chỗ hoàn toàn sụp đổ về sản xuất, vẫn có những phương pháp để tạo ra nhũ tương quang hóa tại nhà. Giả định là chúng ta trân trọng kiến thức đó, nó sẽ ở lại cùng chúng ta vĩnh viễn.

PHIM VS KỸ THUẬT SỐ

Với hầu hết các nhiếp ảnh gia, sự khác biệt lớn nhất giữa nhiếp ảnh phim và nhiếp ảnh kỹ thuật số là quá trình xử lý. Nhiếp ảnh kỹ thuật số đồng nghĩa với tương tác với màn hình và các thiết bị điện tử khác. Với một người dùng thông thường, kết quả được cho ra ngay lập tức và có thể được chia sẻ với toàn thế giới trong vài giây ngắn ngủi.

Nhiếp ảnh phim được tạo ra để in lên giấy. Một lab làm việc tốc độ có thể tạo ra bản in trong vòng một giờ, tức là ngang bằng với máy in kỹ thuật số. Máy ảnh Polaroid và máy phim lấy ngay của Fuji cho ra bản in trong vòng vài phút. Một yêu cầu tráng và scan thông thường vào năm 2019 có thể được hoàn thành trong ngày nhưng cũng có thể bị chậm lại do tồn đọng việc hay/và quá trình vậ chuyển nếu bạn gửi phim qua thư.

Thiết bị điện tử cho phép tạo ra hàng nghìn bức ảnh liên tiếp mà không có khác biệt gì giữa chi phí cho một hay mười ngàn frame hình. Chi phí của nhiếp ảnh phim là một vấn đề đáng kể, trung bình 22 cents/1 ảnh 35mm, cộng thêm chi phí cho lab – tức là thêm từ 6-30$/cuộn.

Phương thức giơ bừa bấm đại và mong rằng một trong hàng loạt bức ảnh được tạo ra sẽ ra hồn là chuyện bất khả thi hoặc cực kỳ đắt đỏ với máy ảnh phim. Mặc dù nó là một kỹ thuật có thể được vận dụng một cách có chủ ý trong nhiếp ảnh thể thao, nó lại thường phản tác dụng trong hầu hết các trường hợp. Đặc biệt là nếu nó được sử dụng một cách ‘điên cuồng’, thiếu tính toán.

Những hình ảnh tốt nhất, dù là được tạo ra trên máy phim hay máy số, thường đều do lên kế hoạch và được thực hiện một cách cẩn thận với số lượng lần bấm máy ít ỏi.

Sắp xếp và phân loại ảnh phim theo cách nào đó là dễ dàng hơn đối với ảnh kỹ thuật số. Ảnh phim thường được lưu trữ dưới dạng âm bản và bản in, mà trong vài trường hợp là sẽ lấp đầy rất nhiều những hộp giầy, nhưng vẫn sẽ không bao giờ vượt quá được số lượng khổng lồ những tệp ảnh JPEGs và RAW. Ngay cả khi được scan, ảnh phim dễ dàng được sắp xếp theo thời gian chụp và theo cuộn với không quá 78 hình mỗi thư mục.

Khi bàn đến khả năng thể hiện chi tiết, độ nét, và màu sắc, hai chất liệu cho ra những kết quả sít sao. Phim large-format có thể cho ra âm bản ở mọi kích thước, kỷ lục hiện nay đã lên đến 13 feet. Sensor kỹ thuật số có thể ‘nhồi’ một số lượng cực lớn các diode nhạy sáng (photo-sensitive diodes) vào những khoảng diện tích nhỏ xíu (của cái sensor).

Cả hai chất liệu đạt đến dải tần nhạy sáng (dynamic range) tương đương, dù phim được cho là xử lý tốt hơn khi overexposure (phơi thừa sáng). Ngày nay, máy ảnh kỹ thuật số thường cho phép nhận nhiều chi tiết vào sensor hơn là phim hạt nhỏ; so sánh giữa 20 megapx trên phim 35mm và 50 megapx trên Canon EOS 5DS DSLR.

Cần phải lưu ý rằng chất lượng scan phim của đa phần các lab thường là kém lý tưởng, trung bình 2 megapx/frame ở lựa chọn rẻ nhất, và độ phân giải lớn hơn đi kèm với giá cao hơn. Với mục đích thường thấy là tạo ra những ảnh có thể dùng chia sẻ online, chất lượng scan phim như vậy là đủ. Bản in từ phim, khi độ phân giải quan trọng hơn nhiều, không cần đến việc scan. Chúng được tạo ra trực tiếp từ âm bản.

Trong hầu hết mọi trường hợp, sự so sánh mang tính định lượng là không cần thiết bởi vì người xem ít khi dùng kính lúp hoặc lệnh phóng to vào một bức ảnh để đánh giá giá trị của nó. Và ngay cả khi họ có làm thế, họ cũng không thực sự nhận ra được sự khác biệt giữa một bức ảnh medium-format và một bức ảnh chụp bằng máy ảnh DSLR chuyên nghiệp. Độ sắc nét và tính chân thực ngay ở qui mô nhỏ của sản phẩm cuối cùng thường quan trọng với cái tôi và những giá trị có thể nhận được của nghệ sĩ hơn là đòi hỏi của nhu cầu thương mại lẫn khoa học.

Hạt ảnh phim, cũng giống như pixel, là đơn vị nhỏ nhất của thông tin cần có để tạo ra một bức ảnh. Pixel thường là những block màu hình vuông hoặc hình chữ nhật. Hạt là sự xuất hiện ngẫu nhiên của các tinh thể halogen bạc dưới sự tác động của photon ánh sáng. Pixels có kích cỡ đồng nhất, hạt thì đa dạng, và hạt to hơn sẽ nhạy hơn với ánh sáng.

Vào buổi đêm, một sự can thiệp ngẫu nhiên của các tín hiệu điện tạo ra tình trạng nhiễu (noise) ở các sensor kỹ thuật số làm giảm chất lượng hình ảnh; cần đến hạt tinh thể lớn hơn để chụp ảnh trong bóng tối, do đó khiến ảnh nhiều/rõ hạt hơn.

Ngược với những gì thể hiện ở cái tên, một hạt ảnh trên âm bản phim không phải là một tinh thể bạc halogen duy nhất. Đó là một “đám mây” của rất nhiều những hạt nhỏ chỉ có thể nhận rõ hình dạng khi soi qua một kính hiển vi điện tử.

Hạt phim không dễ dàng để tái tạo bằng các phần mềm. Chỉ thêm những “hạt nhiễu” (noise) ngẫu nhiên sẽ tạo ra những phần nổi bật “bẩn” và, dưới một con mắt nhà nghề, trông nó giống một cách khó chịu với sự can thiệp vào digital sensor.

Một nhà phát triển trò chơi điện tử đã miêu tả:

“Không giống như cảm biến hình ảnh kỹ thuật số khi những pixel nhạy sáng được sắp xếp theo một lưới (grid) thông thường, tinh thể phim được xáo trộn ngẫu nhiên trên phim và mang lại hình ảnh vừa mắt nhìn của người hơn. Lý do có thể cho điều đó là sự thật rằng những hạt trên phim cũng giống như cách mà tế bào cảm quang được sắp xếp trong võng mạc của mắt người. Tuyệt vời, he?”

Ngoài với hạt, độ trung thực, và quá trình xử lý, phim khác với kỹ thuật số ở cách mà nó tái tạo lại màu.

Những nhũ tương màu đầu tiên được biết đến là cho ra màu đỏ và màu xanh được phóng đại, cùng với độ bão hòa màu cao. Khi những chất hóa học được tinh chỉnh, những thương hiệu phim hiện đại có khả năng tái tạo màu đúng như mắt nhìn của người.

Để đạt được độ chân thực như vậy trong chụp ảnh kỹ thuật số với mọi điều kiện ánh sáng, máy ảnh đi kèm một hệ thống dựng sẵn cho phép người chụp điều chỉnh nhiệt độ màu khi đang chụp hoặc trong quá trình hậu kỳ.

Các nhiếp ảnh gia phim giải quyết các vấn đề về cân bằng ánh sáng bằng cách chọn phim được hiệu chỉnh (calibrate) với điều kiện ánh sáng cụ thể: tungsten hay daylight. Với điều chỉnh nhanh, filter màu cho lens có thể được sử dụng hoặc một thao tác đơn giản thực hiện trên Photoshop với ảnh scan.

Ảnh đen trắng thường không bao giờ được chụp ở chế độ đơn sắc trên máy ảnh kỹ thuật số. Trừ khi bạn sử dụng Leica M Monochrom hay Phase One, với giá khoảng 7.500 – 50.000 $ (vầng, chúng mình không đùa đâu), ảnh JPEG và RAW của bạn đều ở chế độ full màu, và các bạn có thể chuyển đổi thành đen trắng ở khâu hậu kỳ.

Kỹ thuật tương tự có thể đạt được với phim màu sau khi scan lên, nhưng bước này không cần thiết khi mà có một lượng lớn và đa dạng các loại nhũ tương đen trắng trên thị trường.

Ngoài việc không có màu, phim monochrome có khả năng cho ra hạt mịn hơn và có độ nhạy sáng cao hơn, đi kèm với quá trình sản xuất và tráng đơn giản hơn.

Với nhiếp ảnh màu, “giờ vàng” là khoảnh khắc trong ngày khi ánh sáng ấm áp và bóng đổ mềm mại không quá tối. Những tia nắng đầu tiên và cuối cùng của mặt trời được biết đến là cho ra một điều kiện ánh sáng cực kỳ được ưa thích. Điều này áp dụng với cả nhiếp ảnh phim lẫn kỹ thuật số.

Với đen trắng, ở cả hai định dạng, ánh sáng ban trưa có thể tạo ra độ tương phản cao, hình ảnh kịch tính, ấn tượng, mà sẽ trông khó chịu và tức mắt nếu ở dạng có màu.

Khi ánh sáng trở nên quá nhiều hoặc không đủ mạnh cho cuộn phim đang được sử dụng, thách thức ấy có thể được vượt qua bằng kỹ thuật push and pull (đẩy và kéo – một kỹ thuật set ISO trên máy khác với ISO phim để tạo ra các hiệu ứng khác nhau).

Không giống như cảm biến kỹ thuật số, phim không thể điều chỉnh độ nhạy sáng của nó theo ý thích. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ISO 400 có thể được chụp ở ISO 800 (+ 1 stop), ISO 1600 (+ 2 stops) và ISO 200 (- 1 stop) và tráng theo một quy trình khác, tùy theo số lượng stop và chiều hướng nó đã được thay đổi.

Một vài loại phim cho phép đẩy nhiều hơn (nhiều stops hơn) hay kéo nhiều hơn (bỏ nhiều stops hơn) so với các loại khác, phim đen trắng chắc chắn là linh hoạt nhất trong phương diện này.

Push and pull được thực hiện tại lab bằng cách thêm thời gian và tăng nhiệt độ để push và giữ phim ít hơn trong thuốc tráng để pull. Dịch vụ này cần phải được yêu cầu riêng, không phải lúc nào cũng có, và thường thì sẽ tốn nhiều tiền hơn. Trừ khi bạn tráng phim tại nhà, trong trường hợp đó thì chỉ tốn của bạn thời gian và công sức.

Quy trình push thường tạo ra hình ảnh có độ tương phản cao hơn “box speed” – chỉ số ISO ghi trên hộp đựng phim của nhà sản xuất. Pull thì có thể mang lại một độ tương phản thấp hơn.

Phim đen trắng được yêu thích bởi các nhiếp ảnh gia vì tính linh hoạt của nó. Push and pull dễ dàng hơn, cho ra kết quả tuyệt vời ngay cả với ánh sáng giữa ngày, có loại phim siêu mịn hạt, và dễ dàng để tráng tại nhà. Nó cũng thường chịu được các lỗi phơi sáng tốt hơn và có thể bắt được điều kiện ánh sáng khó khăn tốt hơn do dải nhận sáng cao.

Phần 1: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/720194371811166/?type=3&theater

Phần 2:

https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/721964081634195/?type=3&theater

Phần tiếp theo:

Nhiếp ảnh 101 – Màn trập

Nhiếp ảnh 101 – Ống kính

Nhiếp ảnh 101 – ISO và phơi sáng

Hương Mi Lê dịch cho Noirfoto

Ảnh: Phạm Tuấn Ngọc