Tin tức

Trò chuyện: ‘In ấn trong Nghệ thuật của Tạo hình: Lịch sử và Đương đại’

In ấn, với các kỹ thuật in máy móc hay thủ công là một khái niệm dường như quen thuộc với tất cả mọi người. Nhưng liệu chúng ta có hiểu đủ và đánh giá đúng về giá trị của những kỹ thuật in ấn?

Nhiếp ảnh và in ấn có “số phận” dường như tương tự nhau. Nhiếp ảnh đã được tạo ra như một phát minh khoa học – một kỹ thuật tân tiến giúp tạo hình ảnh khách quan và tự động hoá. Dần dà, các nghệ sĩ mới bắt đầu sử dụng nhiếp ảnh như một công cụ để sáng tác nghệ thuật và cho ra những tác phẩm “cao cấp”. Cũng như thế, trước đó rất lâu, in ấn ra đời như một công nghệ tái tạo hình ảnh chính xác với số lượng lớn, chủ yếu phục vụ cho việc xuất bản sách hay tái tạo để phân phối hình ảnh của một tác phẩm nghệ thuật độc bản. Rất ít nghệ sĩ tạo ra các tranh in nguyên bản cũng như tự chạm khắc ván in và in tác phẩm, mặc dù đã có những cái tên nằm trong hàng Bậc thầy cổ điển (Old Master) và những tác phẩm là kiệt tác. Ai hiểu về in ấn cũng biết rằng chúng cực khó để đạt tới trình độ bậc thầy. Vậy tại sao giá trị của các tác phẩm nghệ thuật sử dụng kỹ thuật in ấn nói chung dường như luôn bị đánh giá thấp?

Với nhiếp ảnh thủ công, in nhiếp ảnh là một quá trình bắt buộc trong thực hành nhiếp ảnh. Trong thời đại kỹ thuật số, điều đó không còn đúng nữa. Vậy các kỹ thuật in nhiếp ảnh liệu có bị thui chột hay, trái lại, được mở đường để có đời sống độc lập của riêng mình?

Để hiểu thêm về giá trị của kỹ thuật in ấn trong nghệ thuật tạo hình, hãy cùng theo dõi câu chuyện được dẫn dắt bởi các diễn giả:
  • Hương Mi Lê – giảng viên, nghệ sĩ: Tổng quan về các hình thức in ấn thủ công, giới thiệu ứng dụng của in ấn trong nghệ thuật và thiết kế: in nổi (relief), in chìm (intaglio), in phẳng (planographic/lithographic), in lưới, in nhiếp ảnh. Đồng thời, Mi cũng sẽ phụ trách vai trò điều phối trò chuyện.
  • Nguyễn Đình Hưng – nhà nghiên cứu: Sự quan trọng của kỹ thuật in mộc bản trong lịch sử của Việt Nam thể hiện qua trường hợp về in khắc ván kinh điển Phật giáo đầu thế kỷ 20.
  • Din Sama – nghệ sĩ, giảng viên: Chia sẻ về việc sử dụng các phương pháp in vật lý trong thực hành nghệ thuật; điều kiện học tập và thực hành tại Việt Nam và quốc tế (in nổi, in chìm, in phẳng).
  • Phạm Tuấn Ngọc – nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia: Chia sẻ về định nghĩa và việc sử dụng các phương pháp in nhiếp ảnh (in quang hoá) trong thực hành nghệ thuật; những khác biệt đặc thù của in nhiếp ảnh và ý nghĩa của nó như phương tiện biểu đạt nghệ thuật.

Mỗi diễn giả sẽ trình bày riêng trong 20-25p, sau đó sẽ thảo luận trò chuyện với khán giả.

  • Thời gian: Thứ Bảy, ngày 23/04/2022, 14h-17h
  • Địa điểm: Room of Fotography Hà Nội, Mai Gallery, 113 Hàng Bông (tầng 3)

Sự kiện mở cửa tự do. Ngoài ra, sự kiện cũng sẽ diễn ra trên nền tảng Zoom và phát trực tiếp trên FB của Noirfoto.

Hình ảnh từ một trò chuyện tại Room of Fotography Hà Nội năm 2021

Về diễn giả:

Hương Mi Lê (1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign. Cô cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế. Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy… Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam. Bên cạnh đó, cô là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.

 

Nguyễn Đình Hưng (1991) làm công việc nghiên cứu Phật giáo trên cơ sở tư liệu Hán Nôm. Hưng lần lượt tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) vào năm 2015 và 2017. Từ năm 2016 tới năm 2020, Hưng công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Các nghiên cứu của Hưng tập trung vào Đại tạng kinh Phật giáo, thư tịch Phật giáo, lịch sử Phật giáo. Từ năm 2016 tới 2020, anh đã số hóa và nghiên cứu nhiều kho mộc bản Phật giáo và bản in của chúng ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Năm 2017, anh đã có một buổi thuyết trình về mộc bản tại viện Goethe trong khuôn khổ triển lãm Tàn Chỉ của Lê Giang. Hiện tại, anh tập trung vào công việc phiên dịch kinh điển Phật giáo từ Hán văn sang Việt văn.

 

 

Din Sama (1991) là nghệ sĩ thị giác, thực hành kỹ thuật in. Cô nghiên cứu các kỹ thuật truyền thống như khắc gỗ Nhật Bản, bồi giấy truyền thống, làm giấy … và sáng tác những tác phẩm mang hơi hướng hiện đại dựa trên các kỹ thuật truyền thống. Din sinh ra ở Hà Nội và tới Nhật để học đại học. Cô tốt nghiệp cử nhân tại Đại học tổng hợp Wako khoa Nghệ thuật năm 2015 tại thành phố Tokyo. Năm 2017, cô hoàn thành Thạc sĩ tại trường Đại học Nghệ thuật Tokyo khoa Hội hoạ chuyên ngành in (Printmaking). Din Sama từng triển lãm tại Tokyo, Kyoto, Kawasaki, Chiba (Nhật Bản), London (UK), Dublin (Ireland) và Hà Nội (Việt Nam). Hiện tại cô đang sống và làm việc tại Hà Nội.

 

 

 

 

Phạm Tuấn Ngọc (1982) là nhiếp ảnh gia – nghệ sĩ, chuyên gia in ấn ảnh thủ công, và cố vấn nhiếp ảnh. Anh cũng là người sáng lập ra Noirfoto Darkroom-Gallery-Studio dành riêng cho nhiếp ảnh nghệ thuật. Ngọc đã bắt đầu làm việc như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và biên tập ảnh từ năm 2011 trong lĩnh vực nhiếp ảnh biên tập và thương mại cho tạp chí, báo chí, và các nhãn hàng. Từ năm 2017, Ngọc xây dựng Noirfoto với phòng tối chuyên nghiệp mở đầu tiên tại Việt Nam, nơi anh mở rộng thí nghiệm và sáng tác với tất cả mọi quy trình tạo ảnh thủ công khác, trau dồi những kỹ thuật nhiếp ảnh có từ ngày đầu của lịch sử nhiếp ảnh. Bên cạnh đó, Ngọc tổ chức và là người giảng dạy hay diễn giả cho các trò chuyện, buổi giảng, buổi workshop, portfolio review… về nhiếp ảnh.


Sự kiện được tổ chức bởi Noirfoto và Mai Gallery cho Room of Fotography Hà Nội, với sự đồng hành của Monster Lab Art & Design Academy và Sunday Art Club.