Exhibition by Noir

Triển lãm “Chloris”: Bàn về triết lý luân hồi với nghệ sĩ và giám tuyển (L’Officiel)

Đến triển lãm tại VY Gallery vào ngày khai mạc 16/9, L’OFFICIEL Vietnam đã có cơ hội trò chuyện cùng nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn để hiểu hơn về “Chloris,” từ chủ đề, cảm hứng, kỹ thuật lumen print đến những nỗi lo khi thực hiện triển lãm và quá trình tìm kiếm tự do trong sáng tác.

Tại sao triển lãm “Chloris” xoay quanh các loài hoa, lại còn là những bông hoa đang úa tàn?

Phạm Tuấn Ngọc: Tôi quyết định không trả lời câu hỏi này mà để khán giả có suy luận riêng. Đúng, tên bộ ảnh nghĩa là hoa, nói về hoa, không có gì phải đoán cả. Nhưng điều đó khiến câu hỏi “tại sao?” quan trọng.

Nguyễn Thế Sơn: Tôi thấy câu chuyện về hoa ở “Chloris” vượt ra khỏi câu chuyện về cái đẹp phổ biến trong các thực hành hội hoạ tại Việt Nam với chủ đề này. Hoa thường được nhìn trong trạng thái đẹp nhất hay dùng biểu đạt cái hoàn hảo. Rất ít ai thể hiện trạng thái lụi tàn của hoa. Chủ đề hoa thường được cho là an toàn, thậm chí dễ dãi và mang tính “souvenir.” Do vậy, triển lãm của Tuấn Ngọc như một phản đề đối với những quan điểm ấy, cho thấy chủ thể không phải là vấn đề mà quan trọng là tiếp cận thế nào, như cách Ngọc sử dụng hoa làm một hình tượng trung gian biểu đạt một tầng nghĩa sâu sắc khác.

Bên cạnh đó, ta cũng có thể nói rằng “Chloris” có sự kế thừa nghệ thuật vanitas cổ điển phương Tây mà điển hình là các bức tranh tĩnh vật thế kỷ 17 của Hà Lan, sử dụng sự héo úa của quả và hoa như biểu tượng cho tính phù du. Tuy nhiên, Ngọc mở rộng suy tưởng khi đưa vào các ý niệm của triết học phương Đông về luân hồi và tái sinh. Tại đó, kết thúc và diệt vong lại là khởi đầu cho một vòng luân hồi, một lần tái sinh mới.

Nguồn: https://www.lofficielvietnam.com/art-design/trien-lam-chloris-ban-ve-cai-dep-triet-ly-luan-hoi-cung-nghe-si-va-giam-tuyen