Bài viết

[Review] Bộ tác phẩm Ngũ hành – lụa in Cyanotype của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc (phần 3)

Nghê Việt trên lụa Việt

Một trong những linh vật đậm tính dân gian Việt Nam có lẽ là con Nghê. Nếu bạn đọc những mô tả hình dạng hoặc đặc tính của Nghê, bạn sẽ không khỏi bật cười bởi sự hài hước mà Nghê thể hiện. Không phải con Lân hay Sư tử vốn là linh vật thể hiện sự hùng mạnh và dữ dội của Trung Quốc và cũng chẳng có sự tương đồng nào với tỳ hưu, con Nghê có lẽ giống nhất với loài chó vốn luôn trung thành, yêu thương và bảo vệ gia đình nhà chủ. Có lẽ vì thế mà dân gian lại có thành ngữ “phượng múa Nghê chầu”, vốn ngụ ý vai trò “canh nhà, gác cổng, chờ đợi ý trên” của con Nghê. 

Hầu hết tượng khắc Nghê đều nhìn khá hài hước, mắt to sáng, miệng rộng như đang cười, lưng cong như đang đùa giỡn (tả đến đây thì chắc chúng ta đều hình dung đến cậu Vàng nhà mình). Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu đều cho rằng Nghê là linh vật thuần Việt, được tạo ra bởi người Việt, thể hiện cho tính lạc quan, phóng khoáng, hài hước nhưng vẫn đầy yêu thương và bảo bọc của người Việt với làng xóm và cộng đồng nơi mình sinh sống. Con Nghê có lẽ cũng là linh vật gây mơ hồ nhất cho tất cả chúng ta vì thực sự nó pha trộn nhiều đặc tính du nhập từ bên ngoài nhưng vẫn không hề giống một linh vật nào mà chúng ta hay nhìn thấy từ các quốc gia hùng mạnh về tín ngưỡng và tôn giáo khác. 

Tác phẩm lụa in Cyanotype hình tượng Nghê Việt Nam của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Tác phẩm lụa in Cyanotype hình tượng Nghê Việt Nam của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Nghê Việt trên lụa Việt. 

Nếu đã có chú Nghê đồng dát lá vàng bởi nghệ nhân Vòng ở Kiêu Kỵ thì tại 22 Hàng Buồm, chúng ta sẽ được ngắm nhìn con Nghê không kém phần vui tươi trên dải lụa tơ tằm truyền thống được in với kỹ thuật cyanotype bởi nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc. Vài năm trở lại đây, các thế hệ nghệ sĩ trẻ đã quay trở lại nghiên cứu sáng tác trên các chất liệu truyền thống với những câu chuyện và hoạ tiết dân gian, làm sống dậy những giá trị duy mỹ mà ông bà ta vốn đã lưu truyền qua bao đời. Đấy không phải là một cuộc dạo chơi mà là một quá trình tích lũy kiến thức, vun đắp tình yêu dành cho nghệ thuật dân gian và sự tìm tòi khám phá những hình thái thể hiện hay kể chuyện mới mẻ, thậm chí là Đông – Tây giao thoa. Đấy là một hành trình sáng tạo hoàn toàn nghiêm túc.

Người mẫu chụp hình với tác phẩm Rồng âm dương lụa in cyanotye
Khách tham quan và người mẫu chụp hình với tác phẩm

Khi ngắm nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy trên nền lụa in cyanotype còn có các hoa văn điểm xuyết khác, không mấy liên quan đến chủ thể của tác phẩm là con Nghê. Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc đã lấy cảm hứng từ phong cách Dadaism (một phong cách sáng tạo nổi loạn chống lại các chuẩn mực nghệ thuật truyền thống, cổ điển) đầy phóng khoáng để tạo nên nền hoa văn được sắp đặt một cách ngẫu nhiên. Đôi khi nếu không trò chuyện với nghệ sĩ, có lẽ chúng ta sẽ cho rằng họ đã tạo ra một hiệu ứng … vô tội vạ. Nhưng không, cảm hứng từ Dadaism lại hoàn toàn phù hợp với con Nghê vui vẻ đến từ làng quê chân thật. Con Nghê cũng là một tác phẩm dân gian với nhiều đặc tính phong phú ghép lại, đem lại nhiều tưởng tượng cho chúng ta khi ngắm nhìn. Nghệ thuật vốn dĩ luôn là vậy, không của riêng ai, được tạo ra là để khơi gợi cảm xúc, suy nghĩ cũng như những câu chuyện lắm lúc hoang đường nhưng lại luôn khiến chúng ta rung động và tò mò.