Đến triển lãm tại VY Gallery vào ngày khai mạc 16/9, L’OFFICIEL Vietnam đã có cơ hội trò chuyện cùng nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn để hiểu hơn về “Chloris,” từ chủ đề, cảm hứng, kỹ thuật lumen print đến những nỗi lo khi thực hiện triển lãm và quá trình tìm kiếm tự do trong sáng tác.
Những tác phẩm của Phạm Tuấn Ngọc kết hợp tay nghề thủ công với những phản ứng tự nhiên của chất hóa học và yếu tố môi trường. Với nhiều biến số không thể kiểm soát như vậy, một tác phẩm như thế nào sẽ đạt tiêu chuẩn “hoàn hảo,” đủ để xuất hiện tại triển lãm?
Phạm Tuấn Ngọc: Thế nào là hoàn hảo?
Nếu mục tiêu là kiểm soát, như với bộ ảnh Paris hay “Chloris Bất tử”, khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn, nằm ngoài dự định thì tôi sẽ cảm thấy không hài lòng. Ngược lại, nếu mục tiêu từ đầu là tự do, thì dẫu mọi chuyện có xảy ra như thế nào, tôi cũng sẽ đón nhận. Khởi sự mà không mong chờ, để mọi thứ thuận theo tự nhiên.
Tôi không tìm kiếm sự hoàn hảo, và từ bỏ kiểm soát không đồng nghĩa với mất kiểm soát. Tôi luôn cố gắng làm tốt hơn, nếu giải pháp nằm trong khả năng, thời gian và điều kiện. Điều tôi tìm kiếm là sự tự do, và nó nằm ở yếu tố ngẫu nhiên tạo nên tác phẩm. Đó chính là một phần ý nghĩa của bộ tác phẩm lần này: Chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ. Phải đón nhận những gì đến với mình và lựa chọn tập trung năng lượng, tiền bạc và thời gian vào những gì xứng đáng.
Nguyễn Thế Sơn: Sự ngẫu nhiên đến từ các biến số không thể kiểm soát của môi trường hay các chất hoá học thì không phải là đặc thù chỉ kỹ thuật in nắng trên giấy ảnh đen trắng mới có. Các chất liệu mỹ thuật truyền thống như sơn mài hay tranh in đều có sự ngẫu nhiên như vậy.
Một tác phẩm “đạt tiêu chuẩn” để triển lãm tại “Chloris,” cũng giống như mọi tác phẩm nghệ thuật khác, cần phải cân đối giữa kỹ thuật và thẩm mỹ. Tác phẩm nhiếp ảnh cũng được đánh giá với các tiêu chuẩn của một tác phẩm hội hoạ như cân bằng thị giác của sắc độ, màu sắc, bố cục, sự tương phản về chất, gợi nên sự thú vị… Khi đứng cùng với nhau, các tác phẩm của triển lãm cũng cần thể hiện sự đa dạng về loại hoa, trạng thái khi hoa hóa thân, màu sắc mà chất liệu có thể tạo ra… Tất nhiên, các tác phẩm được ưu tiên lựa chọn cần phải đảm bảo làm bật được chủ đề của triển lãm là “Bất tử” và “Tái sinh.”