Tin tức

Sự đắt giá của Tác phẩm Nhiếp Ảnh

Đã đến lúc giá trị của tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam cần được nhìn nhận trọn vẹn và xứng đáng với một bộ môn nghệ thuật có sức hấp dẫn lớn của thời đại này. Trên thế giới, nghệ thuật nhiếp ảnh vẫn luôn được săn đón và sưu tầm với giá trị cao, lên tới hàng triệu đô, tại thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Các tác phẩm nhiếp ảnh cũng đã bắt đầu có được vị trí cần thiết trong nhiều bảo tàng nghệ thuật quan trọng.

Bức Ánh trăng: Cây cầu (1904) của Edward Steichen. Có hai phiên bản của bức này, một bức nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và một bức được bán với giá 2,9 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby vào năm 2006.

 

Không đề #153 (Untitled #153) (1985) – Tác phẩm tự chụp của Cindy Sherman có giá gõ búa là 2,7 triệu USD vào năm 2010.

 

Phantom – Peter Lik, được bán thẳng từ nghệ sĩ với giá 6,5 triệu USD vào năm 2014 và trở thành bức ảnh đắt giá nhất thế giới hiện nay.

Tọa đàm “Sự đắt giá của tác phẩm Nhiếp ảnh” thảo luận về giá trị sưu tầm của tác phẩm ảnh cũng như tính thiết yếu của việc hoàn thiện tác phẩm ảnh. Nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra, như:

  • Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh được quyết định qua những yếu tố nào?
  • Để tôn lên giá trị của tác phẩm và giữ cho giá trị ấy không giảm đi theo thời gian, nghệ sĩ nhiếp ảnh cần chú trọng những gì trong quá trình sản xuất và hoàn thiện tác phẩm?
  • Khán giả luôn đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của nghệ thuật, vậy họ cần đánh giá như thế nào về giá trị của nghệ thuật nhiếp ảnh khi quyết định đầu tư vào việc sưu tầm tác phẩm?

… cùng nhiều câu hỏi cần thiết khác.

Buổi toạ đàm sẽ diễn ra với sự tham gia của hai khách mời là Bạch Nam Hải và Mai Nguyên Anh cùng sự điều phối của Hương Mi Lê.

Thời gian: 20/03/2021, 14:00 – 16:00

Địa điểm:  Room of Fotography, tầng 3 MAI Gallery, 113 Hàng Bông, Hà Nội 


Bạch Nam Hải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chuyên gia in ấn mỹ thuật quốc tế và là nhà sáng lập tổ hợp Hoa Ta với nhiều thương hiệu nhằm quảng bá nhiếp ảnh Việt Nam và các dòng thư họa truyền thống. Anh được đào tạo chuyên nghiệp ngành hình ảnh và nhiếp ảnh ở RMIT Melbourne, Úc, tốt nghiệp với giải thưởng đặc biệt dành cho sách ảnh tư liệu xuất sắc nhất. Khi trở lại Việt Nam làm việc từ năm 2014, anh trở thành cộng tác viên nhiều năm của tạp chí Forbes Việt Nam – chuyên chụp chân dung các lãnh đạo/cá nhân kiệt xuất trong nước. Trong thực hành nhiếp ảnh, bên cạnh những phóng sự về các vấn đề xã hội, những sự kiện hay chân dung nhân vật, Nam Hải đề cao tầm quan trọng của nhiếp ảnh sáng tác. Đối với anh, nhiếp ảnh sáng tác mới là tinh hoa trong sự nghiệp của mỗi nhiếp ảnh gia. Những tác phẩm này ngoài miêu tả bản chất khách quan của sự vật, còn phản ánh thế giới chủ quan của người cầm máy. Bạch Nam Hải đã tham gia triển lãm tại Úc, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, tp. Hồ Chí Minh, và Hà Nội.

Mai Nguyên Anh là một nghệ sĩ thị giác có các tác phẩm thường là pha trộn giữa các tư liệu mang tính thơ ca và mang tính quan sát trực quan, được làm giàu bằng ý nghĩa cá nhân và các vấn đề đương đại. Anh tốt nghiệp ngành Kinh tế tại Đại học Surrey, Anh Quốc. Niềm yêu thích với nhiếp ảnh tài liệu đã khiến anh chuyển sang làm phòng viên ảnh và đã làm việc với VnExpress từ năm 2013 đến năm 2015. Sau đó, anh trở thành cộng tác viên tự do cho nhiều đơn vị và tập trung vào các dự án cá nhân. Anh cũng là người đồng sáng lập Matca, một cộng đồng nhiếp ảnh trực tuyến tại Việt Nam. Năm 2016, anh nhận được học bổng và hoàn thành Chứng chỉ Một năm tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế tại New York. Các tác phẩm của anh xuất hiện trên Financial Times, Bloomberg, The Guardian, The Daily Mail, và nhiều trang khác. Anh cũng nhận được giải thưởng Hạng mục Mở cho giải Objectifs Documentary năm 2018.

Hương Mi Lê là giảng viên môn Lịch sử Thiết kế Đồ họa và môn Ký tự pháp (Typography) tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, là quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế. Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, iDesign, Pencil Philosophy… Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị Giác, Frankfurt và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội. Mi cũng là một nghệ sĩ thị giác và nhà thơ hoạt động dưới cái tên mi-mimi.