Chúng tôi xin giới thiệu một bài phỏng vấn rất thú vị với Sasha Wolf – một nhà môi giới nghệ thuật (art dealer), một giám tuyển, một người ủng hộ nhiếp ảnh lâu năm người Mỹ – tác giả cuốn sách Photo-Work: 40 Photographers on Process and Practice (tạm dịch: Tác phẩm Nhiếp ảnh: 40 nhiếp ảnh gia nói về quá trình và thực hành).
“Dù bạn định nghĩa như thế nào là “thành công”, trở thành một nghệ sĩ thành công luôn là một việc cực khó. Từ việc xây dựng một tổng thể tác phẩm nhất quán hay viết một tuyên ngôn nghệ sĩ có thể gây tiếng vang từ mớ lộn xộn của phát ngôn nghệ thuật, để marketing tác phẩm và khiến những người mua, nhà giám tuyển, nhà xuất bản quan tâm tới tác phẩm của bạn… thật khó khăn và mệt mỏi. Cùng với sự ‘tấn công’ của những tiếng-ồn-kỹ-thuật-số đánh trực tiếp vào thị giác bất cứ ai trong thời đại này, những thử thách là lớn hơn bao giờ hết.”
Một cuốn sách mới miêu tả cách 40 trong số những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới hiện nay xây dựng và duy trì một tổng thể tác phẩm (body of work) thành công
—
Nhà môi giới nghệ thuật (art dealer), nhà giám tuyển, một người ủng hộ nhiếp ảnh lâu năm – Sasha Wolf trao đổi với quỹ Humble Arts về Photowork: cuốn sách mới của cô ghi lại những cuộc phỏng vấn cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích và mang sức mạnh lay chuyển sự nghiệp của mọi nhiếp ảnh gia.
Dù bạn định nghĩa như thế nào là “thành công”, trở thành một nghệ sĩ thành công luôn là một việc cực khó. Từ việc xây dựng một tổng thể tác phẩm nhất quán, hay viết một tuyên ngôn nghệ sĩ có thể gây tiếng vang từ mớ lộn xộn của phát ngôn nghệ thuật, để marketing tác phẩm và khiến những người mua, nhà giám tuyển, nhà xuất bản quan tâm tới tác phẩm của bạn… thật khó khăn và mệt mỏi. Cùng với sự ‘tấn công’ của những tiếng-ồn-kỹ-thuật-số hiển hiện trực quan, những thử thách là lớn hơn bao giờ hết.
Để đáp lại rất nhiều trong số những thử thách ấy, Sasha Wolf cho xuất bản cuốn sách Photo-Work: 40 Photographers on Process and Practice (tạm dịch: Công việc Nhiếp ảnh: 40 Nhiếp ảnh gia nói về Quá trình và Thực hành) tại Aperture. Đó là một bộ sưu tập những phỏng vấn ngắn, thú vị, và thẳng thừng với 40 nhiếp ảnh gia, rọi ánh sáng lên những thách thức chính họ từng gặp, cách mà họ vượt qua chúng, và cách họ tiếp tục vận hành để trau dồi và phát triển quá trình xử lí công việc, thực hành, và sự nghiệp của họ. Tất nhiên cuốn sách này không cung cấp một ‘cứu cánh’ giản đơn – nó không nên thế – nó là một cuộc đối thoại mới mẻ lại rất cần thiết.
Jon Feinstein đối thoại cùng Sasha Wolf
Jon Feinsten: Điều gì đã truyền cảm hứng cho bà xuất bản cuốn sách này?
Sasha Wolf: Tôi đã thấy thôi thúc phải tạo ra cuốn sách này bởi tôi có cảm giác rằng có quá nhiều điểm mù cho các sinh viên nhiếp ảnh. Khi tôi nói chuyện với các sinh viên, các em luôn có vẻ rất ‘đói’ thông tin. Không phải là về số lượng ấn bản, kích cỡ, định giá… mà về những gì tôi tìm kiếm ở một nghệ sĩ thực thụ. Việc ấy đã dẫn đến những cuộc trò chuyện về quan điểm của một nghệ sĩ và những body of work (tạm hiểu: toàn bộ các sản phẩm của một nghệ sĩ nhìn như một thể thống nhất) đạt đến độ chín, và rất nhiều về quá trình: bắt đầu một dự án, kết thúc dự án, triển lãm, làm sách.
Tôi nghĩ chắc mình đã nhận ra rằng sinh viên nhiếp ảnh (dù có đang theo học trường lớp chính quy hay không) càng được nghe thêm những nghệ sĩ khác nói về những chủ đề này thì các em càng nhanh chóng, có thể, định hình được chính phương pháp làm việc của mình. Tôi cho là người ta dành nhiều thời gian để băn khoăn rằng họ có đang làm gì đó theo ‘cách đúng’ không và tôi nghĩ chắc tôi muốn giúp mọi người vượt qua giai đoạn này nhanh hơn một chút bằng lời gợi ý rằng thực ra không có một con đường ‘đúng’ duy nhất nào cả. Nhưng, tất nhiên, tôi cũng mong rằng nếu các bạn có thể tìm thấy một, hoặc hai hoặc ba, nhiếp ảnh gia trong cuốn sách này khiến các bạn cảm thấy có sự liên kết, thì các bạn cũng, có thể, tìm thấy một vài lời khuyên thực sự hữu ích từ quá trình làm việc của họ. Giống như có một nhà cố vấn ‘ảo’.
Feinstein: Có bất cứ phỏng vấn nào đã được thực hiện sẵn không? Quá trình làm việc của bà là như thế nào?
Wolf: Không, tôi đã bắt đầu cuốn sách từ số 0 và tất cả những người tham gia đã được yêu cầu làm ơn đừng mặc định nói-như-một-nghệ-sĩ mà đơn giản là nói một cách rõ ràng. Tôi cảm thấy rằng cách duy nhất để khiến mọi người “thành thực”, coi như thế, là hướng họ tập trung ít hơn vào khía cạnh mang tính giả thuyết của tác phẩm và nhiều hơn vào khía cạnh thực hành. Tôi nghĩ nghệ sĩ thường mặc định những giả thuyết như một cách tự bảo tồn; một cách để giấu đi vài thứ và để cho ngôn từ tự diễn giải nó. Tôi rất đồng cảm với chiến thuật này, nhưng nó không tốt cho cuốn sách của tôi.
Feinstein: Theo bà, thách thức lớn nhất + chung nhất + nhất quán cho mọi nhiếp ảnh gia ngày nay là gì?
Wolf: Hãy để tôi bắt đầu với một ‘cảnh báo’ rằng có rất nhiều thách thức cho các nghệ sĩ ở mọi địa hạt! Và, bây giờ, sau khi đã thống nhất với nhau ở điểm ấy…
Tôi nghĩ rằng một trong những thách thức lớn nhất cho nhiếp ảnh gia là tìm được một không gian triển lãm, chứ đừng nói đến việc được đại diện (bởi một gallery, một nhà môi giới nghệ thuật…). Có rất nhiều lí do cho việc này, và tôi cho rằng phiên bản trọn vẹn cho câu trả lời đủ để viết thành một tiểu luận riêng, cho nên tôi sẽ không đi sâu. Tôi sẽ nói là, tôi thực sự tin rằng nghệ sĩ cần phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm không gian triển lãm và tôi muốn được nhìn thấy nhiều nghệ sĩ bắt đầu những nghiệp đoàn của riêng họ để triển lãm tác phẩm. Suy nghĩ này cũng phù hợp với một suy nghĩ khác của tôi, một vấn đề lớn hơn và hiển hiện hơn của nghệ sĩ nói chung ngày nay: họ cho rằng nghệ thuật và kinh doanh phải đi đôi với nhau, và khi họ thấy họ đang không kiếm được tiền từ nghệ thuật của họ – tức là trường hợp 99,9% các nghệ sĩ – họ cảm thấy một sự thất vọng rất lớn.
Thách thức là phải giải thoát được họ ra khỏi ý tưởng rằng nghệ thuật = kinh doanh càng nhanh càng tốt. Thứ duy nhất nên xâu xé tâm trí bạn, trong tư cách một nghệ sĩ, là trải nghiệm chấn động của việc bộc lộ tâm hồn mình cho thế giới này và đứng đó như một kẻ trần truồng cho một đám người lạ đánh giá giá trị của bạn. Pema Chödrön có một câu trích dẫn tuyệt vời như thế này từ thiền sư Shunryu Suzuki trong một trong các cuốn sách của bà: “Cuộc sống cũng giống như bước chân vào một con thuyền chuẩn bị ra khơi và chìm ở đấy”. Tôi yêu câu trích dẫn ấy. Tôi thấy nó rất hài hước và cũng thật đúng – về cuộc sống – và cũng về việc là một nghệ sĩ và sự can đảm cần có để tạo ra và chia sẻ tác phẩm của họ trong khi biết rằng một vài trong số đấy có thể sẽ chìm nghỉm. Tôi có thể giải nghĩa điều ấy, nhưng tôi sẽ không làm.
Feinstein: Một vài thách thức về mặt sáng tạo lớn nhất theo bà?
Wolf: Tôi nghĩ rằng một trong những thử thách về sáng tạo lớn nhất đối với nhiếp ảnh gia vẫn và sẽ luôn là, phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị mà họ dùng để tạo ra tác phẩm. Tôi tin rằng trừ khi một bức ảnh được trao cho một phần của đời sống bên trong nghệ sĩ cũng nhiều như anh ta trao cho thế giới bên ngoài, bằng cách chụp lại với máy ảnh của họ, nó chỉ là một tấm postcard. Chụp bằng phim 8×10” có thể khiến bức ảnh của bạn hấp dẫn hơn về mặt thẩm mỹ, thậm chí là đến mức đáng kinh ngạc, nhưng nó sẽ không vì thế mà trở nên quan trọng.
Tôi đã dùng câu trích dẫn này của Robert Adams trong phần mở đầu cuốn sách, một câu tôi cho là rất tuyệt vời và đi đến trọng tâm điều mà tôi muốn nói ở đây, tốt hơn là tôi có thể tự nói:
“Nghệ thuật khẳng định rằng không có gì là tầm thường, tức là một bức ảnh phong cảnh nghiêm túc là một ẩn dụ. Nếu một góc nhìn địa lý không ngụ ý một điều gì bền vững hơn là một mẩu cụ thể của một địa hình, thì bức ảnh đấy chỉ ở lại trong tâm trí ta một cách ngắn ngủi; chúng ta có thể ưa thích chính nơi chốn ấy như nó là, như là ta có thể ngửi thấy cảm thấy nghe thấy cũng rõ ràng như ta nhìn thấy – mặc dầu vậy, ta cũng có xu hướng rời khỏi khung cảnh thực tế và mong muốn tìm thấy nó đâu đó trong nghệ thuật. Đó là bởi vì bản thân địa lý rất khó đánh giá nơi chốn một cách chính xác – điều mà ta mong muốn có từ người nghệ sĩ là sự trợ giúp trong việc tìm kiếm ra ý nghĩa thực sự của một nơi chốn.”
Và tôi cũng cảm thấy rằng mình phải, ít nhất, gật đầu đồng ý với sự thật là tính phổ biến của chụp ảnh, sự ‘có mặt mọi nơi’ đáng kinh ngạc của chụp ảnh, cũng như bản thân công nghệ kĩ thuật số, là, đương nhiên, một thử thách cho những nhiếp ảnh gia mỹ thuật (fine art) vì rất nhiều, rất nhiều lý do. Nhưng cũng đã có quá nhiều người nói về hay viết về vấn đề này, tôi cho rằng tôi sẽ bỏ qua vấn đề ấy, hôm nay.
Feinstein: Điều gì mà những nhiếp ảnh gia đang hoạt động + chật vật hiểu ‘sai’?
Wolf: Tôi cho rằng điều mà các nhiếp ảnh gia hiểu sai có liên hệ tới câu hỏi thứ hai. Họ hiểu lầm về mức độ của cơ hội triển lãm và bán, luôn luôn (một cách lạc quan, có lẽ) giả định một con số về không gian và cơ hội lớn hơn so với thực tế. Và họ hiểu lầm mức độ ấy RẤT NHIỀU. Tôi là người đại diện của, theo ý kiến của tôi, một số lượng lớn các nhiếp ảnh gia rất quan trọng, và đưa họ vào trong các bảo tàng là một thử thách thực sự.
Nói rằng số lượng những nhiếp ảnh gia tốt lớn hơn nhiều số lượng các nhà sưu tầm để sưu tập chúng hay bảo tàng/gallery để trưng bày chúng vẫn là một tuyên bố không xứng tầm với sự thật. Nhiếp ảnh gia phải hiểu điều đó. Một khi đã hiểu, họ sẽ được tự do mà nghĩ về thực hành của mình như cách họ nên: một cuộc chơi rất dài với nhiều những lần đi lên và đi xuống. Chắc chắn, KHÔNG phải một đường đi thẳng tới đỉnh cao.
Feinstein: Bà đã lựa chọn những nhiếp ảnh gia tham dự chuỗi phỏng vấn này như thế nào?
Wolf: Tôi đã bắt đầu cuốn sách bằng cách hỏi một nhóm nghệ sĩ được lựa chọn, mà cá nhân tôi rất muốn được trao đổi cùng, xem họ có muốn tham gia hay không. Rất nhiều nghệ sĩ trong đó là người mà tôi có mối quan hệ cá nhân, do vậy tôi mặc định là họ sẽ đồng ý, chỉ để tỏ lòng tử tế với tôi. Sau đó tôi xây dựng nhóm còn lại xung quanh nhóm đầu tiên đó, lọc theo một vài thể loại, và cả giới tính lẫn dân tộc nữa. Tôi đã mong cuốn sách thậm chí còn đa dạng hơn nữa, nhưng tôi đã làm điều tốt nhất có thể để xây dựng nó và, có thể, tôi có thể làm tốt hơn nếu có thêm cuốn tiếp theo. Cuốn này đã là kết quả của một trò giải đố cho nên 40 người đó không phải ngẫu nhiên như nó có vẻ. Hoặc, thực sự, không hề ngẫu nhiên một chút nào cả.
Feinstein: Bà hỏi mỗi nhiếp ảnh gia những câu hỏi giống nhau. Tại sao điều này lại quan trọng với cuốn sách và mục đích tối hậu của nó?
Wolf: Mục đích của cuốn sách là có thể so sánh và tạo ra sự tương phản, do vậy đó là điều căn bản rằng các nghệ sĩ phải trả lời những câu hỏi giống nhau. Ngay từ điểm bắt đầu, tôi đã mường tượng người đọc mở cuốn sách ra, tìm kiếm nghệ sĩ ưa thích của họ hoặc người mà họ cảm thấy liên kết tới theo một cách nào đó, và đánh dấu những trang đó và lật đi lật lại chúng để so sánh những câu trả lời với nhau.
Feinstein: Cái gì đã là bài học lớn nhất / “a-ha” / khoảnh khắc bất ngờ hoặc chút thấp thoáng của tri thức vàng của bà khi thực hiện những bài phỏng vấn này?
Wolf: Tôi không nghĩ mình đã có bất cứ khoảnh khắc ‘a-ha’ nào, nhưng anh phải nhớ rằng tôi đã đại diện cho nghệ sĩ như một công việc được gần 20 năm rồi và trước đó tôi đã là một nhà làm phim cho nên… Tôi rất hiểu nghệ sĩ thường nghĩ gì về công việc. Thú thực, tôi thường nhìn nhận công việc của mình một phần như nhà trị liệu nghệ thuật, do đó tôi luôn ở trong đối thoại liên tục về quá trình và thực hành. Nhưng, như đã nói, đã có rất nhiều những câu trả lời rất chân thành và tôi đã biết được nhiều về những trải nghiệm cụ thể, phương pháp, và cảm xúc của mọi người. Hay là tôi sẽ chia sẻ một vài trong số chúng?
Tôi đã biết thêm rất nhiều về Doug DuBois từ câu trả lời của ông cho câu hỏi 1, “Điều gì đến trước với anh: ý tưởng cho một dự án, hay tác phẩm đơn lẻ gợi ý một ý niệm?”, Doug trả lời rằng,
“Tôi chắc chắn đã chụp gia đình mình [Tất cả những Ngày và Đêm, xuất bản năm 2009] với chủ ý, nhưng cần đến một số lượng lớn ảnh và một khoảng thời gian rất dài – hàng thập kỷ, thực sự đấy – để tôi có thể hiểu rằng các hình ảnh có thể đặt cạnh nhau như thế nào. Các bức ảnh thông minh hơn chính tôi vào thời điểm mà tôi tạo ra chúng và tôi phải trưởng thành để trở thành tác phẩm của tôi.”
Tôi thực sự nghĩ rằng cái ý tưởng rằng những bức ảnh thông minh hơn chính tác giả trong một khoảng thời gian nhất định là một điều thú vị và phản ánh khái niệm của sự kiên trì và tầm quan trọng của việc để cho mọi thứ tiến hóa. Kiểu trưởng thành đó là quan trọng với tôi như một người môi giới nghệ thuật và tôi luôn bị ấn tượng bởi một nghệ sĩ mà, thay bằng gượng ép tiến trình, có được sự trưởng thành để một dự án tự quyết định sự phát triển của nó.
Feinstein: Tuyệt vời! Ai nữa?
Wolf: Sasha Rudensky cũng có một câu trả lời tuyệt vời và chân thành cho câu hỏi đó và mang nhiều điểm tương đồng với câu trả lời của Doug’s. Cô nói,
“Tôi đôi khi có những khoảnh khắc mang dáng vẻ giống như một sự thông suốt về khái niệm và ý tưởng (conceptual clarity), nhưng chúng biến mất ngay khi quá trình viết đề án chấm dứt và công việc thực sự bắt đầu. Khi tôi bắt đầu chụp, hành vi tìm và kiếm quyền kiểm soát thường dẫn tôi đi xa ra khỏi chuỗi ý tưởng trên giấy và hướng về phía cái gì trông đúng, hay đẹp, hay dữ dội, hay vô lý. Những dự án tuyệt nhất của tôi đến từ hàng tháng trời chụp khung cảnh, thường xuyên như thể là không có mục đích và dễ gây nản chí, cho ra được dăm bức ảnh đẹp. Đã cần đến nhiều năm trời để nhận ra rằng tất cả những cuộn phim và những chuyến đi quanh Atlantic đã không phải là phí phạm thời gian và nguồn lực trái lại thiết yếu đối với thực hành của tôi. Bởi tôi quan tâm tới lịch sử, danh tính văn hóa, và nơi chốn (theo một định nghĩa mở), tác phẩm yêu cầu một thời gian thai nghén rất dài, những buổi chỉnh sửa tàn nhẫn, và những cuộc tái đàm phán với những giả định ban đầu của tôi về trung tâm của dự án.”
Wolf (tiếp tục): Tôi cũng thấy một câu trả lời cụ thể của Alejandro Cartagena rất hữu ích với tôi, cá nhân tôi. Anh nói về việc các bức ảnh tốt luôn có nhiều lớp, và tôi thích cách dùng từ như vậy. Thực tế là, miêu tả của Alejandro là một miêu tả mà tôi có lẽ phải sao chép lại.
Câu hỏi là, “Những yếu tố đinh cần phải có mặt đối với anh khi anh đang tạo ra một tổng thể tác phẩm (body of work) là gì? (bình luận xã hội, thể trạng tốt, mối quan hệ cá nhân, tham khảo về hình ảnh)”
Và, Alejandro trả lời:
“Tôi nghĩ bằng lớp. Càng nhiều lớp lang mà dự án có, càng có nhiều khả năng rằng một trong những lớp đó sẽ liên kết được với ai đó. Như vậy này: dự án cần phải xác đáng về mặt thẩm mỹ, kỹ thuật, ý niệm, và lịch sử; có quan hệ cá nhân; hướng về phía một kiểu bình luận xã hội nào đó; có thể bộc lộ ra một sự mong manh riêng tư và nghệ thuật; và hơn nữa. Một vài trong những lớp lang ấy chỉ là một tia hứng thú sẽ dẫn đến một việc đọc ra sau đấy những gì tôi đang cố trình bày ra như một chủ thể hay chủ đề.
Một vài người xem sẽ quan tâm tới khía cạnh kỹ thuật của tác phẩm, để bắt đầu, và hi vọng là sẽ đi tiếp đến các lớp của ý nghĩa, lịch sử, hay lời kể chuyện có trong sách, triển lãm, hay trang web. Tôi cảm thấy rằng một điều gì đó có giá trị xảy ra khi một trong những lớp ấy được ai đó tiếp nhận, và tôi cũng mong rằng người ta sẽ tìm thấy thêm nhiều những điều đang được đưa ra, tuy nhiên tôi cũng không bao giờ biết điều ấy có xảy ra không. Cuối cùng thì, cam kết của cá nhân tôi là làm ra một tác phẩm nhiều lớp nhất có thể, và trong lúc làm việc ấy, tôi cũng tạo ra tác phẩm tốt nhất mà tôi có thể làm.”
Feinstein: Tại sao trích dẫn của Alejandro lại có nghĩa tới vậy với bà?
Wolf: Tôi thích cách mà anh ấy nói về những lớp ấy, và cách mà người xem có thể chạm đến chúng, như thể một bậc cha mẹ lén cho một vài thứ rau củ quả vào cốc sữa lắc của con họ và cuối cùng đứa trẻ lại nhận ra thực ra nó thích súp lơ.
Và một vài trong những câu trả lời ưa thích của tôi cho câu hỏi 6, (Mặc định rằng anh/chị đang chụp ảnh với tiếng nói tự nhiên của mình, đã bao giờ anh/chị ước rằng tiếng nói của mình khác đi?) đến từ Justine Kurland, trong phong thái Justine Kurland điển hình, đã đưa ra một lời phê bình mang tính phá hủy đối với một trào lưu/bè phái/làn sóng nhiếp ảnh nọ, theo cái cách mà chỉ Justine có thể làm, vừa tàn bạo vừa hài hước.
“Sự giáo dục của tôi đến từ kiến thức kinh điển của John Szarkowski của hầu hết là đàn ông da trắng, với cú pháp và ngữ pháp của họ. Adrienne Rich đã miêu tả vấn đề và tính không thể tránh khỏi của việc nói bằng ngôn ngữ của những kẻ áp bức trong tiểu luận “Khi Người chết Chúng tôi Sống dậy” (When We Dead Awaken). Tôi vừa yêu vừa khước từ tiếng nói của chính mình.”
Feinstein: Bất cứ lời khuyên cuối cùng nào cho các nhiếp ảnh gia?
Wolf: Tôi sẽ chỉ thúc giục người đọc nhanh chóng ra ngoài và chạy đi mua cuốn sách này. Nghe có vẻ như chỉ để cho tôi thôi nhưng thực sự, tôi có thể chân thành mà nói với các bạn rằng đó là một cuốn sách tuyệt vời. Có rất nhiều trường hợp mà người tham gia trả lời một câu hỏi với cái gì đó như là “không thể nào!” hay “đương nhiên không!”
Hương Mi Lê dịch cho Noirfoto