Articles

KHI NHIẾP ẢNH KHÔNG PHẢI CHỈ ĐỂ THẤY ĐIỀU TA MUỐN THẤY

Một bức ảnh cần thể hiện được những yếu tố gì? Tính chân thật hay tính thẩm mỹ nên được đề cao hơn trong một bức ảnh? Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã phải đánh đổi những gì để có được thành công? 

Cùng Noirfoto giải đáp những câu hỏi và tìm hiểu góc nhìn đầy cá tính từ ông Thomas Billhardt, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng khắp thế giới với kho tàng nhiếp ảnh tài liệu đa dạng, trong một buổi trò chuyện nhân dịp ông ghé thăm Việt Nam và tổ chức triển lãm lần thứ 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua cuộc trò chuyện, ông Thomas đã nhấn mạnh về góc nhìn, cũng như tôn chỉ làm việc của mình: Nhiếp ảnh cần truyền đạt những mặt chân thật nhất của cuộc sống, thay vì những bề nổi đẹp đẽ nhất. 

Phỏng vấn Thomas Billhardt
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt trong buổi phỏng vấn độc quyền cùng Noirfoto

 

Thomas Billhardt – Bậc thầy nhiếp ảnh tài liệu

Thomas Billhardt, sinh năm 1937 tại Chemnitz, Đức, là một trong những nhiếp ảnh gia tài liệu nổi bật nhất của thời Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã chứng kiến và ghi lại nhiều sự thảm khốc trên thế giới trong giai đoạn chiến tranh, góp phần làm cho thế giới thấy rõ những nỗi kinh hoàng qua những bức ảnh đầy ám ảnh. Những đứa trẻ nằm chết la liệt tại Việt Nam, nạn đói khốc liệt tại Bangladesh, hay nỗi sợ hãi không thể che giấu trong đôi mắt của những nạn nhân chiến tranh Sarajevo đều được ông ghi lại một cách chân thực và đầy xúc động.

Phỏng vấn Thomas Billhardt (2)
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt tại triển lãm ảnh “Hội ngộ Việt Nam” tại TP.HCM (Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam.

Thomas Billhardt bắt đầu học và thực hành nhiếp ảnh từ rất sớm nhờ có mẹ là nhiếp ảnh gia. Sau này, ông theo học tại trường mỹ thuật và hình ảnh, nơi ông có cơ hội thử sức với nhiều phong cách nhiếp ảnh khác nhau, từ chụp người mẫu đến chụp ảnh phóng sự. Tuy nhiên, cuối cùng, ông nhận ra rằng nhiếp ảnh tư liệu mới thực sự cuốn hút ông nhất, và từ những lần bén duyên đó, ông đã gắn bó với thể loại này đến bây giờ.

 

Nhiếp ảnh không nên chỉ để thể hiện niềm vui

Ông Thomas đã chia sẻ về những ngày tháng thực hành nhiếp ảnh trước đây. Khi ấy, những bức ảnh thường phản ánh một câu chuyện rằng “Tôi đang rất vui vẻ, tôi đang sống trong một cuộc sống hạnh phúc.” Bởi vì thời ấy, họ sống trong các quốc gia xã hội chủ nghĩa, nơi có nhiều khẩu hiệu và tuyên truyền rằng “chúng ta phải chiến thắng”. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng cuộc sống không chỉ bao gồm những khoảnh khắc vui vẻ mà còn chứa đựng những nỗi đau, những góc khuất trong tâm hồn mà con người ta đôi khi không thể hiện ra bên ngoài, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh tàn nhẫn.

Vì thế, ông tin rằng, nếu chúng ta chỉ chụp những tấm ảnh thể hiện niềm vui và sự lạc quan, thì những nụ cười trong những bức ảnh đó sẽ không thực sự chân thật và không mang lại ý nghĩa sâu sắc. Đối với ông, nhiếp ảnh phải phản ánh được những gì đang diễn ra trong tâm hồn của nhân vật, phải thể hiện được sự chân thực và những cảm xúc sâu kín. Chỉ như thế, nó mới đủ sức gây chú ý, và cũng đủ để khắc họa nên chất riêng trong nhiếp ảnh của ông.

Phỏng vấn Thomas Billhardt (3.1)
Một số bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975” của ông Thomas Billhardt. (1)
Phỏng vấn Thomas Billhardt (3.2)
Một số bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975” của ông Thomas Billhardt. (2)
Phỏng vấn Thomas Billhardt (3.3)
Một số bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975” của ông Thomas Billhardt. (3)
Phỏng vấn Thomas Billhardt (3.4)
Một số bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975” của ông Thomas Billhardt. (4)

Ông Thomas thẳng thắn chia sẻ:

“Khi tôi đến miền Bắc Việt Nam để chụp ảnh, tôi hay được mọi người bảo rằng: “Này! Hãy chụp những gì đẹp nhất, những gì mà chúng tôi muốn đưa cho thế giới thấy. Chúng tôi muốn rằng là xã hội chủ nghĩa phải chiến thắng. Chúng tôi muốn cho mọi người thấy rằng chúng tôi là những con người luôn luôn hy sinh tất cả. Chúng tôi không có thời gian để yêu đương, chúng tôi không có thời gian để cưới hỏi, lập gia đình bởi vì chúng tôi phải hy sinh bản thân mình trước cho tổ quốc. Như vậy, chúng tôi mới giành chiến thắng.” Và đó là những khẩu hiệu, cổ động mà chúng ta thấy rất nhiều ở miền Bắc. Tuy nhiên, đấy là cái tôi không muốn và là điều mà tôi sẽ không làm.

Chúng ta là con người, chúng ta có tình yêu, và khi người thân của chúng ta qua đời thì chúng ta sẽ khóc, khi người yêu của chúng ta qua đời thì chúng ta sẽ khóc, và khi đứa con của chúng ta qua đời thì chúng ta sẽ phải khóc và những điều đó khiến chúng ta trở thành con người. Cho dù chúng ta muốn chiến thắng đi chăng nữa, thì cũng không thể quên được rằng, chúng ta là con người. Và những cảm xúc như vậy mới khiến cho chúng ta là con người đích thực.

Vì thế, cái tôi muốn là kết nối sự đồng cảm có được từ những cảm xúc vô cùng chân thật của những người mà tôi chụp ở Hà Nội và miền Bắc ở thời điểm đấy. Chính vì vậy, tôn chỉ đầu tiên của tôi trong nhiếp ảnh là nó phải chân thật và nó phải mang tính người. Nếu không có tính người trong tấm ảnh, tôi sẽ không chụp được ảnh, đó cũng chính là nguyên tắc làm việc của tôi. Dù cho ở thời điểm đấy, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi chụp ảnh vì tôi chỉ muốn ghi nhận lại những cái sự đau thương, nhưng đối với tối, đó mới là cái làm nên những tấm ảnh của riêng tôi. Càng toát lên được tính người thì đó càng là điều tôi muốn theo đuổi”.

Phỏng vấn Thomas Billhardt
Một tác phẩm khác về chiến tranh Việt Nam.

 

Sứ mệnh của một nhiếp ảnh gia

Với Thomas Billhardt, một nhiếp ảnh gia chỉ kể những câu chuyện chân thật qua lăng kính, sứ mệnh trong cuộc đời ông chính là mang sự thật ra trước cả thế giới – sự thật về những cuộc chiến và sự khủng khiếp của những tàn phá mà nó đem lại. Bom có thể đang rơi, đạn có thể đang bay, nhưng ông vẫn phải chụp, bởi ông phải phụng sự sứ mệnh của mình. Ông phải vượt qua nỗi sợ hãi trong hoàn cảnh kinh khủng như vậy, vì nếu không làm, thế giới này sẽ mãi không biết được sự thật trong thời chiến kinh khủng đến mức nào.

“Khi cầm máy chụp người bị thương, điều tôi chụp không phải là cảnh banh da xẻ thịt, mà là nỗi sợ, nỗi đau và những cảm xúc khó tả nhất,” ông chia sẻ. “Ở thời điểm đó, tôi sẽ tự khắc vượt qua nỗi sợ hãi. Sau khi chụp xong tấm ảnh, có điều gì đó thôi thúc tôi phải công bố nó ngay. Tôi phải lên kế hoạch đăng bức ảnh đó trên tờ báo nào, trên phương tiện truyền thông nào. Tôi sẽ phải làm việc liên tục, với động lực trong đầu rằng ‘Đây là sứ mệnh của mình!’”

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng những lúc đêm xuống, ông cần đến rượu, đến vodka để vượt qua sự sợ hãi. Công việc của một nhiếp ảnh gia tài liệu, đặc biệt trong thời chiến, không chỉ đòi hỏi sự can đảm mà còn cần một nghị lực phi thường để đối mặt với những gì đã chứng kiến và kể lại câu chuyện một cách chân thật nhất.

Phỏng vấn Thomas Billhardt (5)
Ông Thomas Billhardt bồi hồi chia sẻ về việc vượt qua nỗi sợ hãi.

Khi được hỏi thêm về việc hoàn thành sứ mệnh của mình, ông Thomas chia sẻ rằng ông cảm thấy mình chỉ mới hoàn thành một phần nhỏ trong sứ mệnh đó. Lý do là vì ông đã chứng kiến nhiều hơn những gì có thể thể hiện ra trên những tấm ảnh.

Ở thời điểm ấy, khi chụp bằng các loại phim, ông không thể xem lại ảnh ngay. Chỉ khi mang về Đức và mở ra xem, ông mới phát hiện rất nhiều tấm bị hỏng do độ sáng không phù hợp hoặc các vấn đề kỹ thuật về máy ảnh. Quá nhiều tấm ảnh đã bị hư, quá nhiều khoảnh khắc quan trọng không được ghi lại. Thêm vào đó, ông cũng đã chứng kiến nhiều cảnh tượng mà tay không kịp ấn nút chụp. Khi mọi người xem các tấm ảnh, một tấm ảnh có thể nói lên rất nhiều điều, nhưng ngay tại thời điểm chụp tấm ảnh đó, có rất nhiều câu chuyện khác đang diễn ra cùng một lúc.

“Đó là vấn đề của một người nhiếp ảnh gia,” ông nói. “Vấn đề của một nghệ sĩ là không thể nào trong cùng một lúc kể hết được tất cả những gì mình muốn kể, không thể thể hiện được tất cả những gì mình muốn thể hiện. Luôn luôn có điều gì đó khiến mình chưa hài lòng và tôi chưa bao giờ hài lòng thực sự với công việc của mình.”

Phỏng vấn Thomas Billhardt (6)
Một bức ảnh khác xuất hiện trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975.

 

Thách thức của “ký giả sự thật”

Đối với ông Thomas, thách thức lớn nhất khi làm việc là bản thân sẽ luôn đứng trước một ranh giới vô cùng mong manh giữa sự thật và sự dối trá. Ông kể về chuyện những người phi công bị bắt ở Việt Nam. Những hành động của họ được xem là vô nhân tính, khi họ đánh bom và giết chết rất nhiều người, thế nhưng, trên những tờ báo của Mỹ, họ được tôn vinh như những người hùng. Đối với ông, đó là một sự lừa dối khó thể chấp nhận được. Và cái khó khăn của một người nhiếp ảnh gia như ông, chính là việc phải luôn giữ được lương tâm và nguyên tắc làm việc của mình khi đứng trước ranh giới đó.

Ngoài ra, từ năm 2018, nước Đức đã áp dụng nghiêm ngặt quy định về quyền riêng tư – trước khi chụp một người nào đấy, và xuất bản tấm ảnh đấy thì phải có sự đồng ý từ người được chụp. Quy định này đã làm dấy lên hai vấn đề. 

Thứ nhất, việc bắt được những khoảnh khắc chân thật là không thể. Bây giờ, khi chụp người khác, người khác sẽ phải biết rằng mình đang chụp, vì thế, gương mặt và biểu cảm của họ không còn chân thật vẹn nguyên nữa mà chỉ là những gì họ muốn thể hiện cho chúng ta thấy. Ông e rằng, những tấm ảnh với những cảm xúc chân thật từ này trở về sau có thể sẽ không còn tồn tại được nữa. 

Loạt ảnh Hà Nội 1967 - 1975 (7.1)
Một số bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975” của ông Thomas Billhardt. (1)
Loạt ảnh Hà Nội 1967 - 1975 (7.2)
Một số bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975” của ông Thomas Billhardt. (2)
Loạt bức ảnh Hà Nội 1967 - 1975 (7.3)
Một số bức ảnh trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975” của ông Thomas Billhardt. (3)

Thứ hai, ông Thomas đã có một công trình để đời, một bộ sưu tập mà ông đã liên tục chụp con người và cảnh vật xung quanh, từ năm 1958 cho đến thời điểm này. Ông đã chuẩn bị rất lâu, và đã rất mong muốn sẽ được xuất bản cuốn sách ảnh này.

Tuy nhiên, quy định đó khiến việc xuất bản công trình để đời ấy bị đe dọa nghiêm trọng. Ở một quảng trường rộng như Alexanderplatz, những con người mà ông không quen, những con người mà ông đã quan sát từ xa và đã chụp, ông sẽ không biết rõ họ đang ở đâu. Và nếu ông xuất bản tấm ảnh đó, chỉ cần một người trong tấm ảnh đấy kiện, thì toàn bộ công trình sẽ bị rút giấy phép xuất bản, cũng như nộp phí phạt rất cao. Lối thoát duy nhất của ông bây giờ, chính là chỉ xuất bản những tấm ảnh liên quan đến nhà cửa, cây cỏ, cây cối, chứ có xuất hiện con người thì không được xuất bản.

Phỏng vấn Thomas Billhardt (8)
Một bức ảnh khác xuất hiện trong triển lãm “Hà Nội 1967 – 1975”.

 

Giá trị muốn truyền tải: Sự thật và tính nhân văn

Khi được hỏi rằng, đúc kết lại, ông muốn truyền tải về tình yêu tính người trong nhiếp ảnh của mình đúng không, ông Thomas đã nhấn mạnh:

“Đúng, tình yêu và tính người là cái mà tôi muốn truyền tải. Tuy nhiên,  không phải lúc nào tình yêu cũng đi chung với tính người. Chúng ta có thể nhìn thấy những tấm ảnh tôi chụp những phi công ở Mỹ, lái những chiếc máy bay bị đánh rơi. Những người phi công đó, họ cũng nói về tình yêu. Họ nói về tình yêu tổ quốc, họ nói về tình yêu với chúa, họ cũng nói về tình yêu thôi. Thế nhưng, cái tình yêu đó, tôi không thấy tính người trong đó.

Tình yêu và tính người đúng là luôn luôn tồn tại theo thời gian, nhưng đối với tôi, hai điều đó không luôn đi chung với nhau. Đối với tôi, chúng ta không thể dĩ hòa vi quý. Chúng ta hiểu được nỗi đau của những người phi công Mỹ, họ phải xa gia đình, tuy nhiên, chúng ta không thể dĩ hòa vi quý với tất cả những điều đã xảy ra mà chúng ta cần phải rõ ràng mình là ai và thái độ của mình đối với sự việc như thế nào. Thế nên, đúc kết lại, cái mà tôi thật sự muốn truyền tải và đi theo nó mãi đó là sự thật và tính nhân văn”

phỏng vấn Thomas Billhardt (9)

 

Lời kết

Những chia sẻ của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt không chỉ mang đến một góc nhìn sâu sắc về cuộc sống, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thật và tính nhân văn trong nhiếp ảnh. Ông đã chứng minh rằng nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần là việc bắt lấy những hình ảnh đẹp đẽ, mà còn là sứ mệnh mang đến sự thật, khơi gợi lòng đồng cảm và nhắc nhở chúng ta về giá trị của tình yêu và tính nhân văn. Tuy rằng thời cuộc luôn thay đổi, với những quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của những nhiếp ảnh gia tài liệu, ông Thomas vẫn kiên định với nguyên tắc của mình, luôn tìm cách thích nghi và tiếp tục sứ mệnh mang đến sự thật cho công chúng.

Từng khung hình của ông là từng dấu nhấn mạnh mẽ cho lời cam kết sẽ theo đuổi sự nghiệp ảnh tài liệu cả cuộc đời, bất kể những lần rùng mình, những đêm mất ngủ khi cố gắng vén màn sự thật của nhân loại. Có lẽ, đó chính là sự “tâm huyết” mà ta luôn nhắc đến ở một người nghệ sĩ thực thụ, dù rằng bản thân ông Thomas chẳng bao giờ nhận mình là một người nghệ sĩ. Sự tâm huyết với sứ mệnh nghề nghiệp, những cống hiến không ngừng nghỉ của ông đã mang đến cho nhân loại những tác phẩm vượt thời gian, vượt không gian, để từng giác quan trong ta thức tỉnh với những gì đã và đang diễn ra trên thế giới này, nơi chúng ta đang sinh sống.

Tác giả: Lam Giang

 

Nguồn tham khảo: 

1/ https://thomasbillhardt.com/

2/ https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nhiep-anh-gia-thomas-billhardt-va-hoi-ngo-viet-nam-328258.html