Articles

BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT QUANG SAN: NƠI NGƯỜI TRẺ NÓI CHUYỆN “CẢ ĐỜI”

Ngay khi thông tin Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San được thành lập và chính thức đi vào hoạt động dưới sự điều hành của Giám Đốc Bảo Tàng Nguyễn Thiều Kiên được công bố, công chúng mến mộ nghệ thuật đã kỳ vọng rất nhiều, xem đây là tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật Việt Nam khi thế hệ trẻ dám đứng lên gánh vác những trọng trách không hề dễ dàng. Khách tham quan không chỉ trầm trồ bởi sự hoành tráng của bộ sưu tập mà còn trước những nỗ lực mà bảo tàng dành cho việc tối ưu hóa trải nghiệm của họ. 

Tuy nhiên, như mọi thành công trên đời, những bước đi đầu tiên đầy triển vọng của Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ từ những người sáng lập và điều hành. Cuộc trò chuyện với Nguyễn Thiều Kiên – Giám Đốc Bảo Tàng, một người trẻ, thuộc thế hệ millennial, luôn rất khiêm tốn khi nói về thành công của mình, sẽ phần nào lý giải vì sao bảo tàng ra đời và đằng sau tất cả những hào quang lấp lánh là câu chuyện “cả đời” của Kiên về những nỗ lực lặng thầm trong cả việc phát triển chiến lược lẫn vận hành bảo tàng.

bao tang nghe thuat quang san 1
Bảo tàng nghệ thuật Quang San

 

“Cả đời” sống cùng nghệ thuật

Có thể nói, không chỉ “cả đời” của Kiên đã gắn bó với nghệ thuật, mà đúng hơn, là “cả đời” ông, “cả đời” cha của anh đã đắm mình trong nghệ thuật, và nuôi dưỡng nên niềm đam mê nghệ thuật trong anh bây giờ.

Gia đình Nguyễn Thiều Kiên nổi tiếng với truyền thống yêu nghệ thuật lâu đời. Ông nội của anh là nhà văn Xuân Thiều – một nhà văn xuất chúng từng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Cha của anh, ông Nguyễn Thiều Quang, là một doanh nhân với niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật, nhất là những tác phẩm mỹ thuật.

Trong suốt thời gian làm việc, ông Thiều Quang luôn có một sự kết nối đặc biệt với nghệ thuật. Khi có cơ hội công tác ở Ukraine, ông đã bị cuốn hút bởi nhiều tác phẩm của các họa sĩ đường phố và không ngần ngại mua chúng về để trang trí nhà cửa. Trở về Việt Nam, ông nhận ra rằng các họa sĩ Việt Nam cũng có tiềm năng không kém, và từ đó ông bắt đầu thu thập thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ban đầu, mục đích chính của ông chỉ đơn giản là trang trí, nhưng sự đam mê và thói quen này đã giúp ông sở hữu một bộ sưu tập khổng lồ sau hơn 20 năm.

Không gian trưng bày tranh của ông nằm ở quận 2, nơi ông không chỉ treo và bảo dưỡng tranh mà còn mở cửa cho bạn bè và khách đến chiêm ngưỡng. Với ý tưởng ban đầu do ông Thiều Quang đưa ra và sự hỗ trợ của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, không gian này đã trở thành một nơi triển lãm tư nhân. Ban đầu, chỉ có bạn bè được mời đến xem, nhưng sau một thời gian, gia đình quyết định biến nơi này thành một bảo tàng nghệ thuật chính thức, trở thành di sản của gia đình với sự ủng hộ của nhiều bạn bè và người thân. Từ khi có quyết định ấy, Nguyễn Thiều Kiên, nay là thế hệ tiếp nối niềm đam mê nghệ thuật của bố mình, phải đứng trước nhiều lựa chọn khó nhằn.

Ông Nguyễn Thiều Quang
Ông Nguyễn Thiều Quang – người sáng lập Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San, ba của Nguyễn Thiều Kiên

 

Rẽ lối, đánh đổi và mở lòng với những thách thức

Noirfoto đã được nghe Kiên trải lòng rất nhiều về những gian nan mà anh phải đối mặt và vượt qua. Trong giai đoạn đầu, Thiều Kiên đã trăn trở rất nhiều vì vốn dĩ, anh đã có những dự định riêng cho sự nghiệp của mình. Xuất phát điểm là một Graphic Designer, với mục tiêu trở thành Creative Director, Thiều Kiên chỉ mới đi được một nửa chặng đường. Quyết định từ bỏ công việc yêu thích với vị trí tốt tại một công ty nước ngoài danh tiếng là một quyết định không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sau nhiều cân nhắc, Thiều Kiên đã quyết định tập trung toàn bộ tâm trí và sức lực vào việc thành lập và điều hành Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.

Nguyễn Thiều Kiên
Nguyễn Thiều Kiên – Giám đốc Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San

Anh chia sẻ: “Suy cho cùng, tôi nghĩ đây là một việc rất nên làm. Chưa nói đến cộng đồng, tính chất gia đình trong công việc này đã rất cao. Tôi thực sự đã lớn lên với những tài sản này. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã thấy trên tường có những tác phẩm rất to mà ba tôi sưu tầm và trưng bày. Tôi cũng hay được nghe ba kể những câu chuyện về nghệ thuật và hội họa, về họa sĩ này, về nghệ sĩ kia.

Tất nhiên, khi mình còn nhỏ thì không chú ý nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian trực tiếp tiếp cận với những thông tin như thế, tôi cũng phần nào hiểu được giá trị của những tác phẩm. Thế nên, tôi đồng ý với ba về việc bảo tàng này sẽ là một di sản mà gia đình để lại, chung với cả những câu chuyện mà ba cho tôi, ông tôi cho bà và tất cả những thành viên trong gia đình. Thế là tôi quyết định dừng công việc hiện tại lúc bấy giờ để trở thành Giám đốc Bảo tàng và điều hành mọi thứ”. 

Việc quyết định từ bỏ con đường sự nghiệp đang rộng mở để theo đuổi niềm đam mê và điều hành, gìn giữ di sản gia đình là một sự đánh đổi vô cùng dũng cảm, và là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Thiều Kiên. Với những hoài bão lớn lao, Kiên tin chắc rằng công việc này sẽ không chỉ duy trì truyền thống gia đình mà còn có thể góp phần phát triển nghệ thuật tại Việt Nam.

Chia sẻ của Nguyễn Thiều Kiên với Noirfoto
Thiều Kiên vui vẻ chia sẻ về công việc với Noirfoto

 

Lời khẳng định nghiêm túc về sự nghiệp “cả đời”

Là một Giám đốc Bảo Tàng, Thiều Kiên không chỉ là người đại diện cho hình ảnh của bảo tàng mà còn là hình ảnh của cả gia đình. Với tuổi đời còn rất trẻ, anh đã gặp phải nhiều thách thức khi phải tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, giao tiếp với các nghệ sĩ, họa sĩ, đồng thời thương lượng và hợp tác với các đối tác. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Thiều Kiên luôn kiên nhẫn và mở lòng với mọi kiến thức mới, sẵn sàng tiếp nhận những lời góp ý. Đối với anh, đam mê nghệ thuật và quyết tâm theo đuổi công việc mình làm là yếu tố quan trọng nhất. Anh tự trau dồi bản thân, học hỏi những kiến thức cần thiết cho những công việc khác biệt so với điểm xuất phát và sở trường của mình. Quyết tâm học hỏi mỗi ngày chính là bí quyết để anh tồn tại và phát triển trong vai trò của mình.

Đối với Kiên, giai đoạn đầu khi bắt tay vào công việc là một thời gian đầy thử thách. Những thông tin và kiến thức về hội họa với anh lúc đó còn rất mơ hồ, tất cả đều cần được tìm hiểu và học từ đầu. Để nắm vững chuyên môn, Thiều Kiên đã tự học và nghiên cứu kỹ lưỡng về hơn 1000 bức tranh trong bộ sưu tập. Bên cạnh đó, anh còn phải trau dồi nhiều kỹ năng quản lý như vận hành nhân sự, bảo vệ, kho bãi, bảo trì, bảo dưỡng,… Đặc biệt, vì bảo tàng có quy mô nhỏ với tính chất gia đình, mọi người đều phải đảm nhận nhiều đầu việc khác nhau. Tổng nhân sự của công ty chỉ có 8 người, bao gồm cả bảo vệ. Trong đó, Thiều Kiên là Giám đốc điều hành, còn vợ anh phụ trách quản lý vận hành, marketing, và làm việc với các đối tác.

Tầng trệt bảo tàng Quang San
Tầng trệt tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San

“Vì đây là mô hình bảo tàng tư nhân đầu tiên về nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ có nhiều tranh cãi, thậm chí, chê bai và góp ý. Dù thế, tôi vẫn ghi nhận tất cả và sẵn sàng cải thiện. Tôi luôn tâm niệm kết quả sẽ được chứng minh qua hành động, và qua thời gian, công ty sẽ thay đổi từng bước.”

Khi được hỏi một câu hỏi mà đối với vài người, nó sẽ khá mông lung để trả lời, Nguyễn Thiều Kiên đã không ngần ngại mà khẳng định chắc chắn một điều: Bảo tàng là di sản của gia đình, là câu chuyện trăm năm, thế kỷ, và trách nhiệm rất lớn của tôi với những đời sau. Với tôi, đây không chỉ là một sự nghiệp, mà còn là một cuộc hành trình mà tôi sẽ theo đuổi suốt đời.”

Dù đối mặt với nhiều khó khăn ngắn hạn và dài hạn, như vấn đề tài chính hay khán giả chưa đủ thông tin, kiến thức để thật lòng hứng thú với nghệ thuật, Kiên vẫn luôn bình tĩnh, chưa từng nghĩ về việc từ bỏ, luôn tính toán kỹ lưỡng để điều hành Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San ngày một lớn mạnh.

Tầng 1 bảo tàng Quang San
Tầng 1 tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San

Kiên chia sẻ thêm với Noirfoto về những trăn trở, cũng như định hướng của Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San:

“Những trăn trở ngắn hạn của tôi chính là tài chính để duy trì và phát triển bảo tàng. Hiện tại mọi thứ vẫn ổn định, nhưng nếu cần mở rộng, sẽ phải đầu tư thêm. Về dài hạn, tôi lo rằng sự hiểu biết về nghệ thuật của người Việt Nam còn hạn chế. Các trường học ở Việt Nam ít khi tổ chức các hoạt động thực tế tại bảo tàng, khiến cho các em chưa có nhiều cơ hội để thực sự phát triển cả sự hiếu kỳ lẫn hiểu biết về nghệ thuật nói chung và hội họa nói  riêng. Tuy nhiên, lớp trẻ (25-35 tuổi) hiện tại có xu hướng đầu tư vào việc xem bảo tàng và tôi cảm giác họ đang ngày càng hứng thú với nghệ thuật. Tôi xem đấy như là một cơ hội và cảm thấy rằng việc tìm hiểu, tận dụng và phát triển bảo tàng để lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật đến cộng đồng là rất cần thiết. Ở Việt Nam, ngành bảo tàng và nghệ thuật vẫn chưa thực sự phát triển về cơ sở hạ tầng và tài liệu, đòi hỏi người làm trong lĩnh vực này phải tự học hỏi nhiều hơn. Mặc cho những thách thức này, với đam mê và quyết tâm, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Trong tương lai, tôi đặt kế hoạch mở các buổi workshop và đào tạo về bảo tàng và nghệ thuật, cũng như tổ chức các khóa huấn luyện cho nhân viên trong công ty, nhằm bổ sung kiến thức và kỹ năng cho các thành viên”.

Tầng 2 bảo tàng Quang San
Tầng 2 tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San

 

Những “mảng màu” nhỏ tạo nên “bức tranh nghệ thuật” to

Ngoài những câu chuyện chính yếu, xoay quanh những bước đầu thành lập và phát triển Bảo Tàng, Noirfoto còn được nghe Kiên kể những mẩu chuyện nhỏ vô cùng thú vị. Những mẩu chuyện này, dù ít hay nhiều, cũng đã vun đắp niềm đam mê nghệ thuật trong Kiên ngày một rực cháy, giúp Kiên có thêm nhiều động lực để cống hiến, không chỉ cho bản thân, gia đình, mà còn cho cả nền nghệ thuật nước nhà.

Hoạ sĩ Lê Bá Đảng
Họa sĩ Lê Bá Đảng

Kiên chia sẻ, việc là một Giám đốc Bảo Tàng đã giúp Kiên có thêm thời gian và động lực để tìm hiểu sâu hơn về những tác giả, tác phẩm tại không gian trưng bày. Kiên đặc biệt chia sẻ về một trong những họa sĩ mà anh rất mực ấn tượng: “Mỗi họa sĩ đều có cách thể hiện và câu chuyện riêng, mang cá tính độc đáo. Chẳng hạn như danh họa Lê Bá Đảng đã đi lên từ con số 0 và đã phải trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống. Năm ông 18 tuổi, vì hoàn cảnh ông đã sang Pháp để tham gia vào đội quân “lính thợ” chống phát xít và không may bị đi tù. Ông đã tìm cách trốn thoát và sau này đã theo trường Mỹ thuật Toulouse để vừa vẽ vừa kiếm sống. Khi ổn định hơn, ông đã phát triển nhiều phong cách hội họa riêng, dù xa quê lâu năm nhưng những tác phẩm của ông đều được truyền cảm hứng từ những câu chuyện gia đình và văn hóa dân gian của Việt Nam.”

Ngoài ra, Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San còn tổ chức nhiều hoạt động để mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Thiều Kiên kể về một trong những sự kiện mà anh tâm đắc nhất tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San, đó là triển lãm cho các bạn nhỏ với trường mẫu giáo và tiểu học quốc tế Pháp – La Petit Ecole. Các thầy cô đã hỗ trợ các em học sinh tham quan bảo tàng, đồng thời hướng dẫn các em vẽ lại những tác phẩm yêu thích.

Anh cảm thấy đây là một hoạt động giàu ý nghĩa và đã mang tất cả các bức tranh của các em về, đóng khung và trưng bày trong không gian nhỏ. Kiên nhận định đây là một nỗ lực nhằm tạo ra sân chơi và động lực để các em cảm nhận và yêu thích nghệ thuật. Khi nhìn thấy những tác phẩm của mình được trưng bày, các em sẽ tự tin hơn và muốn tìm hiểu nhiều hơn về nghệ thuật, từ đó nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật trong mỗi em. Chứng kiến việc mình làm mang đến tác động tích cực cho mọi người, đặc biệt là với lớp trẻ, chắc chắn đã khiến Kiên cảm thấy hạnh phúc với con đường, sứ mệnh mình đã chọn.

Góc trưng bày tầng 1 tại Bảo Tàng Quang San
Một góc trưng bày tại tầng 1 Bảo Tàng Nghệ Thuật Quang San

Kết thúc buổi trò chuyện, Thiều Kiên đã có một số lời khuyên dành cho những người ước ao được làm việc ở bảo tàng, hay có hoài bão trở thành Giám Đốc bảo tàng:

“Suy cho cùng, cho dù xuất phát điểm của mỗi người khác nhau, yếu tố quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê nghệ thuật và quyết tâm với những gì mình đang làm. Dù bắt đầu từ đâu, niềm đam mê với hội họa và nghệ thuật luôn là điều quan trọng nhất. Khi đam mê đã tồn tại, công việc sẽ tự tìm đến. Ví dụ, một họa sĩ tốt nghiệp khóa sơn dầu nhưng chuyển sang màu nước vẫn có thể thành công nếu chuyên tâm. Hay một người tốt nghiệp về vật lý, toán học chuyển sang kinh doanh cũng phải tự trau dồi kiến thức và quyết tâm mới đạt được thành công. Tôi cũng thế, so với nhiều người khác, tôi còn nhiều điều phải tự học hỏi, thẩm thấu và chắt lọc kiến thức. Tuy nhiên, tôi cảm thấy may mắn khi được đón nhận nhiều kiến thức và câu chuyện từ nhiều người khác nhau trong quá trình học hỏi, chẳng hạn như biết thêm về nhiếp ảnh từ Noirfoto.”

Bảo tàng Nghệ Thuật Quang San 2
Toàn cảnh Bảo tàng Nghệ Thuật Quang San