Bài viết

Trò chuyện với Liên Phạm về triển lãm “Này, mày ở đây”

Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều người thực hành nhiếp ảnh tìm về với những kỹ thuật, loại hình, và chất liệu thủ công cổ điển, nhưng cũng có rất nhiều người khám phá và thể nghiệm những cách thể hiện mới với những tính chất triết học và xã hội đặc thù của xã hội hiện đại. Liên Phạm là một người như vậy, cô đã sử dụng những hình chụp màn hình (screenshot) làm chất liệu cho triển lãm cá nhân đầu tiên của mình. Ta có thể gọi đó là tác phẩm sắp đặt, có thể là tác phẩm nhiếp ảnh, hoặc là tác phẩm nghệ thuật thị giác nói chung.

Dù thế nào thì đằng sau đó vẫn là một động cơ thuần khiết của mọi người nghệ sĩ mà Liên sẽ chia sẻ trong bài phỏng vấn thực hiện bởi Vũ Trần cho Noirfoto, bên cạnh những điều thú vị khác.


Vũ muốn giới thiệu một người bạn thân thiết của mình. Liên Phạm là một nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia trẻ, hiện vẫn đang học tập tại trường đại học School of the Museum of Fine Arts at Tufts University. Nhân dịp Liên trưng bày triển lãm cá nhân đầu tay, mình muốn mang tới cho các bạn một cái nhìn sâu sắc hơn về Liên như một nghệ sĩ, và đồng thời cũng như một người bạn của mình.

Triển lãm “Này, mày ở đây” được trưng bày từ ngày 04/09 đến ngày 14/09 tại gallery của The Hummingbird Cafe Saigon.

Vũ chụp Liên. New York City 2017

Vũ: Ummm…

Liên: You didn’t prepare? (cười)

V: I did but in my head :))

Cái tên của triển lãm này là “Này, mày ở đây”, thì “Mày” ở đây là ai? Tiếng Anh nó lại là “Hey, you are here” mà dịch sang tiếng Việt tại sao lạ là “mày”? Tại sao lại là danh từ đó? Là người xem hay là mày, Liên?

L: Ừ thì, vì khi Liên dịch “Hey, you are here”, Liên dịch thẳng thành “Này, mày ở đây” và “mày” ở đây là Liên. Và Liên sử dụng xưng danh là “mày”. Thì cũng có thể dịch là “Này, mình ở đây”, nhưng Liên nghĩ “mày” là từ chính xác nhất để thể hiện mình nói chính mình. Mà Liên cũng thấy có khả năng khán giả cảm thấy đồng cảm được với câu chuyện này, và có thể họ cũng đã có một trải nghiệm tương tự. Và có thể nó có thể gợi đến hiện thực của họ.

V: Thế có phải cái tên này như một suy nghĩ trong nội tâm, một sự phản ánh suy nghĩ của Liên?

L: Thật ra là ngược lại, sau khi Liên làm xong những tác phẩm này, đến lúc mà, dĩ nhiên là lúc mình làm là mình đã có những suy nghĩ là tại sao mình những cái này và quyết định từng bước tiếp theo như thế nào. Nhưng mà đến lúc xong hết rồi thì ngồi lại mà viết một cái artist statement, thì lúc đấy mới thấy được mọi thứ một cách rõ nhất. Và lúc đó mới ra câu “Này, mày ở đây”. Liên chợt nhận ra những thứ mình làm thật ra chỉ là một cách để mình xây dựng lại hiện thực và qua đó mình thấy đây thật sự là quan cảnh mình đang sống. Thì tất cả mọi thứ ban đầu đều là nội tâm hết, mà từ ban đầu cũng có những chủ đích khác. Và chủ đích ban đầu nhất bắt đầu lúc mình học lớp làm collage ở trường, và bài tập đầu tiên là “mending project”, có nghĩa mình phải dùng cái “act of mending”, mình có thể dán, may vá, hay hàn gắn. Và từ đây chủ đích đầu tiên của Liên khi làm tác phẩm là hàn gắn những mảnh vỡ mối quan hệ cũ thành một tổng thể. Vì đó là con người của Liên. Và từ lúc có ý tưởng cũng khoảng một năm rồi. Và ý tưởng cũng phát triển và tổng thể không phải về con người của Liên nữa, mà là một quan cảnh về hiện thực của Liên hiện giờ.

V: Vậy ở đây Liên sử dụng băng keo, đúng nghĩa để gắn kết những ký ức và kỷ niệm về những mối quan hệ cũ?

L: Cũng có nhiều lý do, hai lý do đầu tiên là:

  1. Liên đã suy nghĩ về vấn đề: dùng băng keo không phải là vật liệu trong suốt đầu tiên mà Liên sử dụng, mà cũng đã thử nghiệm in trên nhựa hay sử dụng sáp để cho bản in nó trong suốt, vì mình là một nhiếp ảnh gia, và nhiếp ảnh gia thì sử dụng ánh sáng rất là nhiều. Và khi nó trong suốt nó sẽ khiến mọi người bị cuốn hút, vì nó có một cách xúc tác với ánh sáng rất đặc biệt. Thì thứ nhất Liên luôn luôn trong đầu nghĩ tới việc thử nghiệm với những vật liệu trong suốt đó, lý do đó mà Liên sử dụng băng keo trong.
  2. là Liên chồng lớp những kỷ niệm này xảy ra trong cùng một lúc, đó là cùng thời điểm mà Liên đang nói chuyện với người này người kia, hoặc là mình đang ở đây mà lại đang kết nối với một mối quan hệ ở một nơi mà mình không còn sống ở đó nữa.

V: Liên có thấy bản thân đang thách thức định nghĩa của nhiếp ảnh, vì định nghĩa của nhiếp ảnh bây giờ luôn luôn thay đổi. Có lẽ Liên là một trong số ít người dùng screenshot như là một tác phẩm nhiếp ảnh, và ý tưởng này từ đâu?

L: Liên chắc chắn nhìn thấy screenshot được sử dụng bằng một cách nào đó trong nhiếp ảnh hay video rồi. Nếu mọi người xem những clip quảng cáo app trên điện thoại, hay những video mà ngắm tới sự chân thực. Những đoạn phim hiện lên những dòng tin nhắn từ màn hình của nhân vật, thì nó cũng không phải là nguồn cảm hứng trực tiếp. Cũng không phải vì thấy thế mà mình quyết định làm tương tự như thế. Nói về nhiếp ảnh thì, đúng, người khác có thể nhận thức đây là một sự thách thức đối với việc nhiếp ảnh là gì. Dù vậy đấy không phải là chủ đích của mình. Mình không làm như thế để thách thức nhiếp ảnh, và đối với mình nó cũng khá gần gũi với thực hành nhiếp ảnh của mình. Đối với mình việc chụp ảnh hay screenshot cũng không khác gì nhau hết. Mình cũng chỉ đang chọn một khoảnh khắc nào đó để giữ lại một nào đó với chủ đích, tất cả những screenshot ở đây là đã qua sàng lọc, chứ không phải mình chụp lại tất cả mọi thứ để dán lại để có kích thước lớn nhất có thể. Khán giả sẽ có người muốn đọc và sẽ có người không muốn đọc. Nếu mà đọc thì sẽ thấy tất cả những screenshot này là vào những lúc trong những mối quan hệ mà Liên và người đó đang tìm cách giải thích cho nhau nghe tại sao mối quan hệ này lại tan vỡ. Rất nhiều trong này là những sự giải thích dông dài. Đó là lý do mọi người thấy chằng chịt chữ luôn. Chứ nó không phải là những tin nhắn thường ngày như “hello, em đang làm gì?” Thì những khoảnh khắc như thế — nó trải đều trong trong những screenshot này.

V: Những cái screenshot này là Liên chụp lại khi bắt đầu project, hay là đã giữ nó từ lúc nó xảy ra rồi?

L: Cả 2 luôn, Liên bắt đầu project này thì lúc đó đã có sẵn nhiều screenshot rồi. Nên Liên mới có đủ tài nguyên để bắt đầu. Nhưng sau đó thì Liên có chụp thêm nữa.

V: Chụp thêm là sao?

L: Ví dụ như là, một người mà Liên đã block hết trên mạng xã hội rồi, thì cách duy nhất mà 3 năm sau khi chia tay không nói chuyện, là nó lại email  Liên, và đoạn email rất là dài. Và Liên với nó bắt đầu email qua lại và mỗi đoạn viết nó lại dài như vậy. Thì cái đó Liên có screenshot một vài lần để post lên Instagram (lol).

V: LOL

L: Từ lúc làm project đã có sẵn những cái hình đó và có những cái email Liên quay lại để screenshot thêm. Thì cái chuỗi email là chiếm diện tích nhiều nhất trong  phẩm collage này. Chứ không phải là Liên ngồi đào lại những tin nhắn đã cũ.

V: Vậy là ngày xưa Liên screenshot lại để bóc phốt người yêu cũ phải không??

L: KHÔNG! KHÔNG PHẢI VẬY :)) KHÔNG PHẢI BÓC PHỐT!

V: Chứ sao? :))

L: Đâu, mấy cái này có cái nào là bóc phốt đâu. Nếu mà đọc những dòng chữ này thì không có câu nào là phốt hết. Tại vì tác phẩm này không phải để bóc phốt :)) Những hình ảnh này nó khá là tình cảm, nó buồn, và nó buồn theo kiểu “tại sao chúng mình tan vỡ”.

V: Bây giờ nhìn lại, Liên có thấy buồn không? Tại vì, Vũ cũng như Liên, chúng ta đều đi du học, và chúng ta chả tìm được gì ổn định cho bản thân cả.

L: Thế Liên hỏi Vũ đấy, Vũ nhìn Vũ có thấy buồn không?

V: Thật sự thì, mình lại như nhau, đều là con người suốt ngày bay nhảy, thì nhìn những dòng chữ này thì… Vũ cũng trải qua nó rồi, cũng giống Liên thôi. Cũng dài dòng, cũng tan vỡ… Và rồi Liên có nghĩ rằng tác phẩm này sẽ với tới được những người không đồng cảnh, những người chưa bao giờ đi du học không? Tất cả những thứ ở đây xoay quanh việc mình đi du học. Những người mà không đồng cảm, Liên có hướng tới họ không? 

L: Thật sự thì mình không thể hướng tới họ được, vì mình không biết và cũng không dự đoán được. Hoặc là cũng có thể nhưng cái đó không có trong thực hành của mình. Nếu đó đã là thực hành của Liên, thì Liên đã có cách làm khác, sẽ đi hỏi rất là nhiều người, để lấy phản hồi từ họ, và chuyển hướng theo mục đích đó, để nó chạm đến được nhiều người. Thực hành của Liên là từ việc Liên tò mò nhiều hơn. Tò mò là mọi người sẽ thế nào với các tác phẩm này. Thì ví dụ là sáng nay có bạn của em Liên đến chọn một đoạn tin nhắn này, nó nói về việc dùng dating app, để chụp sống ảo. Thì đó là thắc mắc của Liên, là khi Liên trưng ra mọi người sẽ đến và chụp cái gì. Và đó cũng là lý do tác phẩm của Liên khá là hợp để Instagram. Không phải để nó giúp mình nổi tiếng hay gì, mà là để xem mọi người sẽ bị cuốn hút bởi gì? Và họ sẽ đồng cảm được tới mức nào?

V: Quay lại vấn đề chất liệu, thì tại sao nó lại trong suốt, mà không phải in ra trên giấy trắng như bình thường?

L: Thì Liên có nói là muốn hình nó chồng lớp lên nhau, thì chỉ có hai cách. Hoặc là dùng cách dán đè chúng lên nhau, hoặc là làm trên Photoshop rồi in ra — nếu làm thế rõ ràng nó không cảm thấy organic bằng. Một cái từ việc trong suốt nữa, là Liên muốn nó đẹp. Liên suy nghĩ khá nhiều về thực hành của Liên — “tại sao mình muốn mọi thứ phải đẹp” — Liên rất quan tâm chuyện mọi thứ phải đẹp. Mình thích cái đẹp, và đó trở thành động lực cho mình tiếp tục thực hành, để có thể hiểu bản thân. Và Liên cũng muốn thúc đẩy cả khán giả hiểu về bản thân, lẫn hiện thực, nhiều hơn, theo một hướng tích cực. Nghĩa là nhìn được hiện thực như một cái đẹp, như một thứ đáng sống. Thì đó là một thứ nhắc nhở cho mình, rằng hiện thực là nửa thật, nửa ảo. Mình cứ kết nối với những cũ, tiếp tục những câu nói chuyện mà không đi đến đâu hết. Nhưng tóm lại những cuộc hội thoại này thì nó đẹp… nó khá là đẹp. Nó là sự kết nối giữa những người yêu thương Liên, Liên vẫn yêu thương họ.

Liên chụp Vũ. Noiroto Studio 2020

Cảm ơn “mày”, Liên, đã trò chuyện với Vũ, và đã chia sẻ cùng mọi người những cảm xúc đằng sau những tác phẩm nghệ thuật này.

Vũ Trần
viết cho Noirfoto


Vũ đang theo đuổi ngành học Phê bình Truyền thông và Hoạt động Thời trang tại Đại học Mỹ thuật London – UAL. Mối quan tâm của Vũ hướng về những tác động của nghệ thuật đối với cá nhân và xã hội, và Vũ luôn nỗ lực hướng tới việc thúc đẩy mọi người phát triển quan điểm riêng biệt.