Bài viết

[Review] Bộ tác phẩm Ngũ hành – lụa in Cyanotype của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc (phần cuối)

Tết này lụa bay rồng lượn

Chắc bạn cũng thắc mắc tại sao bài review về tác phẩm Rồng âm dương ngay ngoài cổng Trung tâm trưng bày nghệ thuật 22 Hàng Buồm lại không phải là bài đầu tiên mà lại là bài cuối cùng trong chuỗi bài này. Người ta hay nói rằng “Vận tốt chờ người kiên nhẫn” (Good things come to those who wait). Hy vọng rằng, chuỗi bài review về các tác phẩm in cyanotype trên lụa Việt Nam sẽ giúp bạn thêm phần yêu thích bộ môn nhiếp ảnh và những hình thái thể hiện cũng như các kỹ thuật sáng tạo độc đáo của nó. 

Tác phẩm Rồng âm dương in Cyanotype trên nền lụa tơ tằm truyền thống
Tác phẩm Rồng âm dương in Cyanotype trên nền lụa tơ tằm truyền thống

Khi đến 22 Hàng Buồm, bạn sẽ lập tức thấy hai bức rèm lụa song long phấp phới trước cửa chính. Tác phẩm này được nghệ sĩ thị giác kiêm nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc sáng tác với nhiều cảm hứng khác nhau. Chủ thể tác phẩm là đôi song long thời Lý đang bay lượn uyển chuyển, vừa uy nghiêm vừa mềm mại, không gây sợ hãi cho cho người xem như những hình ảnh rồng của các quốc gia khác. 

Xem sản phẩm tại Triển lãm VR3D.

Hình tượng Rồng được tái hiện với phiên bản 3B (Nguồn từ Triển lãm VR3D)

Rồng được xem là một linh vật có ý nghĩa lớn lao, đứng đầu trong 12 loài thú lành, mang biểu tượng cho nguồn nước, sông ngòi và nguồn sống cho nhân gian. Rồng cũng được xem là biểu tượng của nhà vua (thiên tử). Kinh thành Thăng Long cũng được chọn là kinh đô mới khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua và quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La và nhìn thấy một đám mây vàng như một điềm lành trên đường đi. Rồng thời Lý còn có nhiều ảnh hưởng của Phật giáo vì đây cũng là giai đoạn hoàng kim của Phật giáo tại Việt Nam. 

Tác phẩm lụa in Cyanotype hình tượng Cặp Rồng Việt Nam của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Tác phẩm lụa in Cyanotype hình tượng Cặp Rồng Việt Nam của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Quay trở lại với 22 Hàng Buồm, hai bức rèm lụa in Cyanotype hình ảnh Cặp Rồng âm dương cũng thể hiện ngụ ý của tác giả – nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc – rằng một khi bạn bước qua cánh cổng này, bạn đã đi vào một không gian đậm tính văn hoá lịch sử Việt. Mỗi một tác phẩm bên trong đều có một câu chuyện, một thông điệp hay tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem. Bên cạnh chất liệu lụa truyền thống mượt mà, hình tượng rồng thời Lý cũng được chọn trở thành yếu tố lịch sử kinh điển của tác phẩm kết hợp với kỹ thuật in Cyanotype cổ điển của phương Tây. Việc chọn hình tượng rồng thời đại nào cũng được cân nhắc kỹ càng vì chắc chắn sẽ có khán giả đặt câu hỏi “Tại sao lại là rồng thời Lý mà không phải rồng thời Trần, thời Nguyễn?”. Nếu chúng ta nhìn kỹ cặp song long này trên rèm lụa ở 22 Hàng Buồm (thân rồng thanh mảnh, da trơn không có vảy, uốn lượn uyển chuyển), ta sẽ thấy đây là một lựa chọn hoàn hảo vì đôi rồng trở nên cực kỳ sống động và bay lượn như thật nhờ vào chuyển động phấp phới của mảnh lụa dài.

Tác phẩm Rồng âm dương sông Nhị Hà - Ngũ Hành Collection - Lụa in Cyanotype
Tác phẩm Rồng âm dương sông Nhị Hà - Ngũ Hành Collection - Lụa in Cyanotype

Nếu có thể phát triển bộ tác phẩm thành một bộ sưu tập hoa văn để sử dụng cho thời trang xanh denim hay áo dài lụa, cặp song long thời Lý cũng như chim phượng, cô tiên sẽ trở nên rất hấp dẫn trong mắt các nhà thiết kế thời trang khi chất liệu nội dung truyền thống đang dần trở lại một cách mạnh mẽ và không kém phần hiện đại thông qua sự sáng tạo cách tân, thử nghiệm độc đáo của các nghệ sĩ thị giác cùng các kỹ thuật và hình thái sáng tác phong phú. 

Nghệ sỹ Phạm Tuấn Ngọc chụp hình cùng tác phẩm lụa Cặp Rồng
Nghệ sỹ Phạm Tuấn Ngọc chụp hình cùng tác phẩm lụa Cặp Rồng

Cặp rồng vẫn đang bay lượn ở trước cổng Trung tâm triển lãm nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Với thời tiết đẹp và mát mẻ thế này, bạn còn chờ gì mà chưa đến ngắm nhìn và chụp hình với những bức rèm lụa xanh in Cyanotype độc đáo và nhiều ý nghĩa này? 

Người xem chụp hỉnh với tác phẩm lụa in cyanotype
Người xem chụp hỉnh với tác phẩm lụa in cyanotype