Bài viết

[Review] Bộ tác phẩm Ngũ hành – lụa in Cyanotype của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc (phần 2)

Lụa là cánh tiên

Các tác phẩm lụa in Cyanotype trong bộ Ngũ Hành của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Nếu đặt tên bài viết này là “Nàng tiên xanh” thì có lẽ nhiều người sẽ thấy có gì hơi sai sai. Quả thật một trong những tác phẩm lụa cyanotype Ngũ Hành có một mảnh lụa lớn in hoa văn tiên nữ trên nền xanh Prussian Blue nhìn rất Tây. Gọi là Nàng tiên xanh thì cũng không có gì sai nhưng thôi thì để tránh e ngại, mình lại đặt tên bài thành Lụa là cánh tiên. 

Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình Cao Đài, thế kỷ 17.
Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình Cao Đài, thế kỷ 17.
Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình Thắng, thế kỷ 17. Sưu tập Bảo tàng MTVN
Tượng tiên cưỡi rồng ở đình Thắng vào thế kỷ 17

Tiên không phải là một ý niệm xa lạ trong cuộc sống chúng ta. Chẳng phải chúng ta hay nghe những lời ca tụng “đẹp như tiên” hay “sướng như tiên” hay sao? Trong những câu chuyện cổ tích cả phương Đông lẫn phương Tây đều có hình tượng nàng tiên hay bà tiên hiền hậu, dịu dàng luôn ra tay giúp đỡ những người khổ sở, cùng cực. Truyền thuyết dân gian Việt Nam đặc biệt đề cao nguồn gốc người Việt là “con Rồng, cháu Tiên” với hình ảnh cha là Lạc Long Quân và mẹ là Âu Cơ chia đàn con lên rừng xuống biển tạo nên sắc vóc nước Việt. Xem phim Tây Du Ký chúng ta cũng không khỏi say đắm nhan sắc của những nàng tiên đàn ca hát múa trên thiên đình hoặc bay lượn thanh thoát như mây. Văn hoá tín ngưỡng của Ấn Độ thời xa xưa cũng xuất hiện dày đặc qua hình ảnh các vị thần và các nàng tiên nữ Apsara. Cô bé Lọ Lem trong truyện cổ tích châu Âu cũng được một bà tiên ra tay giúp đỡ cho áo dạ hội và giày pha lê đi gặp hoàng tử. Công chúa Aurora ngủ trong rừng cũng được 3 bà tiên vui tính nuôi dưỡng và bảo vệ khỏi lời nguyền của Maleficent. Hình ảnh “Tiên”, bất kể các khác biệt trong văn hoá và tín ngưỡng, đều đại diện chung cho sự khát khao vươn lên và cuộc sống thoát tục, cao quý của con người.

Dân gian đã dùng nhiều cách để mô tả và thể hiện hình ảnh “Tiên” trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong các thiết kế kiến trúc và điêu khắc. Các hình ảnh Tiên giáng trần, Tiên cưỡi rồng được tìm thấy trên các bức phù điêu tại đình làng Việt Nam. Hoạ tiết chính trong tác phẩm lụa in cyanotype của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc là hình ảnh nàng tiên điêu khắc ở Đình Hữu Bổ – Phú Thọ, với dáng hình tương đồng với phụ nữ Việt và đôi cánh phượng sải dài như đang bay lên trời, được in lên nền lụa xanh với kỹ thuật in cyanotype của phương Tây – một trong những kỹ thuật nhiếp ảnh cổ điển mà hiếm có người nào thực hành tại Việt Nam. Trên nền lụa tơ tằm truyền thống trắng ngà, nàng tiên dân gian thuần Việt càng trở nên sống động, tha thướt mỗi khi có một cơn gió thổi qua.

Tác phẩm lụa Tiên của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Tác phẩm lụa Tiên của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Tác phẩm lụa Tiên và chú Tễu tại 22 Hàng Buồm
Tác phẩm lụa Tiên và chú Tễu tại 22 Hàng Buồm

Nếu như in cyanotype đã là một kỹ thuật in ảnh đòi hỏi độ chính xác cao khi pha trộn hóa chất tạo màu xanh khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời, in cyanotype trên lụa còn khó hơn rất nhiều lần do sự mỏng manh và mềm mượt của lụa tơ tằm. Lụa là một chất liệu vừa sang trọng, vừa gần gũi, có độ lành tính nhưng lại khá “đỏng đảnh” khi muốn vẽ hoặc đưa hoa văn lên mặt lụa. Quá trình in cyanotype lên lụa đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và cũng thử thách mức độ kiên nhẫn và tâm huyết của nghệ sĩ vì chỉ cần sơ sẩy một chút là hình ảnh hoa văn cũng có thể bị lệch đi và mất cân đối. Khó lắm đấy! Làm với lụa thì không đùa được đâu.

Tiên nữ tung cánh bay trên tác phẩm lụa in cyanotype huyền ảo vẫn đang được treo ngay bên trong Trung tâm Triển lãm Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ngày Tết nói chuyện lụa là cánh tiên, hẳn là năm mới sẽ nhẹ nhõm và yên bình như chính những nàng tiên dịu dàng mà ta vẫn hằng giữ gìn trong tâm tưởng từ thuở thơ ấu vậy.