Bài viết

[Review] Bộ tác phẩm Ngũ hành – lụa in Cyanotype của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc (phần 1)

Tết này gấm vóc lụa là

Tác phẩm Rồng âm dương sông Nhị Hà - Ngũ Hành Collection - Lụa in Cyanotype
Tác phẩm Rồng âm dương sông Nhị Hà - Ngũ Hành Collection - Lụa in Cyanotype

Trung tâm triển lãm nghệ thuật 22 Hàng Buồm có lẽ là địa điểm check-in hot nhất các dịp lễ hội truyền thống hay mang tính Á Đông. Nếu bạn đến đây vào dịp Tết Âm Lịch, bạn sẽ thấy rất đông các chị em gái xúng xính áo dài các thể loại tạo dáng chụp hình nhộn nhịp, đặc biệt là với các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở đây. Từng góc hội quán, từng lối đi, từng khung cửa của nơi này đều có thể tạo nên những phông nền đậm nét Á Đông, rất lý tưởng để diện áo dài Việt Nam tha thướt. Tuần lễ thiết kế sáng tạo dịp cuối năm đã mang đến một không gian triển lãm với câu chuyện về “Tiên” trong văn hoá Việt với nhiều tác phẩm từ sắp đặt, lồng đèn, tranh sơn mài và một bộ tác phẩm lụa truyền thống in cyanotype các hình ảnh cổ tích & văn hoá dân gian đặc biệt thu hút sự chú ý của người xem. Đó chính là bộ tác phẩm “Ngũ Hành” của nghệ sĩ thị giác kiêm nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc. 

Người xem chụp hình với tác phẩm Rồng âm dương lụa in cyanotye
Người xem chụp hình với tác phẩm Rồng âm dương lụa in cyanotye
Người mẫu chụp hình với tác phẩm Rồng âm dương lụa in cyanotye

Nếu bạn chỉ nhìn thoáng qua, bạn sẽ cảm thấy những tác phẩm này có vẻ hơi Tây. Đúng là chúng nhìn hơi Tây thật chính vì cái màu xanh “Prussian Blue” hiếm thấy đó. Lụa trắng in hoa văn nền xanh dương cứ phấp phới thướt tha như cánh bướm ấy có thể khiến người xem cảm thấy như bị hút mắt vào tác phẩm vì chúng mang đầy sức sống tạo ra bởi những chuyển động của tấm lụa mỏng nhẹ. 

Ánh sáng lại mang đến những gam màu xanh phong phú khác cho tác phẩm mà nếu ta đủ kiên nhẫn để quan sát, hình ảnh sẽ có màu xanh nhẹ như mây trời khi ánh sáng rực rỡ và sẽ có màu xanh thẳm denim khi trời dần ngả bóng. Từ chất liệu mỏng nhẹ như mây, khả năng chuyển động mềm mại và thay đổi dưới ánh sáng, tấm lụa in thủ công hoa văn Việt với kỹ thuật cyanotype kinh điển phương Tây mang đến nhiều ảo ảnh và cảm nhận thú vị cho khán giả.

Các tác phẩm lụa in Cyanotype trong bộ Ngũ Hành của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc
Các tác phẩm lụa in Cyanotype trong bộ Ngũ Hành của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Ngũ Hành có tổng cộng 5 tác phẩm: cặp rồng âm dương thời nhà Lý, tiên nga, chú tễu, phượng hoàng và con nghê. Tất cả hoa văn này đều là những sản phẩm của truyền thuyết và trí tưởng tượng phóng khoáng của người Việt Nam xưa. Chúng cũng tượng trưng cho thuyết ngũ hành và âm dương vốn luôn được xem trọng trong đời sống người Việt. 

Cặp rồng âm dương với hoa văn rồng thiêng thời nhà Lý – tượng trưng cho sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay) – chính là hành thuỷ 

Phượng hoàng bay cao, vùng lên từ lửa và tro tàn – hành hoả 

Con nghê vui vẻ nằm canh giữ làng – hành thổ 

Chú Tễu hài hước đại diện cho người nông dân quanh năm trồng trọt – hành mộc.

Cô tiên luôn xuất hiện với ánh sáng bạc lấp lánh như phép mầu – hành kim. 

Tác phẩm Rồng âm dương in Cyanotype trên nền lụa tơ tằm truyền thống
Tác phẩm Rồng âm dương in Cyanotype trên nền lụa tơ tằm truyền thống

Mình có tưởng tượng quá không nhỉ? Bạn để ý kỹ mà xem, tác giả cố tình treo hai bức hoành lụa rồng âm dương từ ngoài cửa chính cho bạn cảm giác khi bước khỏi bức màn này, bạn sẽ để lại thế giới hỗn độn ngoài kia mà đi vào sâu bên trong một nơi linh thiêng và trầm tĩnh. Phượng hoàng và con nghê được treo một bên còn tiên nga và chú tễu được treo phía đối diện, tạo sự cân xứng giữa người, thần thiên và vạn vật xung quanh. Phượng hoàng và tiên nga được treo cao hơn chú tễu và con nghê, tạo khoảng cách tinh tế giữa trời và đất, dù tách biệt nhưng vẫn hết sức gần gũi nhờ màu xanh dương (của trời, của nước và của cây) là sắc màu chính của chuỗi tác phẩm. 

Giờ thì hãy cùng ngắm những hình ảnh đẹp mà các chủ sốp đã thương mến gửi lại cho Noirfoto để chia sẻ cùng mọi người nhé. Hãy tiếp tục đón đọc chuỗi bài giới thiệu từng tác phẩm lụa in cyanotype trong bộ Ngũ Hành tại 22 Hàng Buồm trong các phần tiếp theo.