Bài viết

Phỏng vấn Henri Cartier-Bresson

Henri Cartier-Bresson (HCB), ông là nhiếp ảnh gia huyền thoại người Pháp, một trong những người tiên phong của trường phái nhiếp ảnh nắm bắt khoảnh khắc (candid-photography). Cùng với Robert Capa, David “Chim” Seymour, và George Rodger, ông đã lập nên nhóm Magnum, một hiệp hội cho phép các nhiếp ảnh gia tác nghiệp được giữ bản quyền các tấm ảnh họ chụp.

Cartier-Bresson đi theo cái ông gọi là “le moment décisif” — khoảnh khắc quyết định. Những tác phẩm của ông được hình thành bởi sự quyết đoán, nắm bắt những khung ảnh chớp nhoáng của cuộc sống. Trong bài phỏng vấn với Sheila Turner-Seed, ông bày tỏ quan điểm cá nhân về nhiếp ảnh, và những điều ông tìm kiếm trong những bức ảnh. Noirfoto chia sẻ với bạn đọc bài phỏng vấn này như một khía cạnh trong triết lý nhiếp ảnh. 

Đây là một góc nhìn về nhiếp ảnh Noirfoto muốn chia sẻ cho bạn đọc. Mong rằng qua những suy nghĩ của Henri Cartier-Bresson, bạn sẽ thấy được một cái nhìn mới giúp người chụp nắm bắt được những khoảnh khắc quyết định – những tấm ảnh đẹp. Nhiếp ảnh là nghệ thuật, mà nghệ thuật tuyệt vời lại cần sự đầu tư và sự bày tỏ của người làm. Những bức ảnh dù được vẽ nên trong chớp nhoáng, chúng vẫn chứa đầy tâm can và nỗi niềm của người chụp. Khác với hội họa, nhiếp ảnh dùng công cụ khác, vì thế mà cái sự đầu tư và bày tỏ của NAG nó cũng nằm ở chỗ khác. Thay vì chăm chút như những họa sĩ, người nhiếp ảnh công tâm bằng sự tìm kiếm vô tận, những góc nhìn trữ tình, và những niềm vui sướng trong những bức ảnh của họ.


Sheila Turner-Seed đã phỏng vấn Henri Cartier-Bresson tại studio của ông ở Paris, vào năm 1971, cho một seri ngắn về các nhiếp ảnh gia mà bà làm cùng với Cornell Capa (em trai của Robert Capa). Bài phỏng vấn này đã được lưu trữ tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế (International Center of Photography) tại thành phố New York, sau khi bà đời năm 1979.

Chỉ đến khi con gái của Sheila, bà Rachel Seed, biết tới những cuốn băng phỏng vấn lúc năm 2011, mà cuộc phỏng vấn đã được tìm lại. Cuộc đối thoại đã được bà Rachel chuyển dịch lại từ những cuốn băng ấy.

Q: Ông đã bao giờ có thể tự thân định nghĩa được những lúc khiến ông bấm chụp chưa?

A: Đó là một thứ đòi hỏi sự tập trung. Hãy tập trung, suy nghĩ, quan sát, và à, như thế, bạn đã sẵn sàng. Nhưng bạn sẽ không nhận biết được điểm tột cùng của một việc gì đó đâu. Khi bạn đang chụp ảnh, bạn sẽ nghĩ, “Phải. Phải. Có lẽ. Phải.” Thế nhưng bạn không nên chụp bừa bãi. Nó giống như việc ăn quá nhiều, hay uống quá trớn vậy. Bạn phải ăn, và phải uống. Nhưng ăn uống quá nhiều là thừa thãi. Vì khi bạn bấm chụp, rồi lại phải lên cò, thì có lẽ bức ảnh đáng chụp đã vụt mất giữa lúc đấy.

Nhiều khi, bạn không cần phải xem đến những tấm hình của một nhiếp ảnh gia. Chỉ việc nhìn xem người ấy đang làm gì khi ở ngoài đường, bạn có thể thấy được người ấy là một nhiếp ảnh gia như thế nào. Họ có thể khẽ khàng hay thận trọng, nhanh nhạy hay vô tội vạ như một khẩu súng máy vậy. Và chẳng ai đi bắn chim bằng một khẩu súng máy cả. Bạn phải chọn một con chim này, rồi hẵng đến một con chim nọ. Nhưng tôi lại thấy nhiều người chụp như một cỗ máy. Thật là lạ lùng, bởi họ luôn nắm bắt sai khoảnh khắc.

Q: Ông có thể cố chia sẻ một chút về dụng cụ của ông không?

A: Tôi hoàn toàn cũng như chưa bao giờ quan tâm đến cái quy trình nhiếp ảnh cả. Tôi thích chiếc máy ảnh nhỏ gọn nhất có thể, chứ không phải những chiếc máy gương lật với đủ thể loại phụ kiện. Khi tôi tác nghiệp, I sử dụng một chiếc Leica M3, vì nó chụp nhanh hơn khi tôi đang tập trung.

Q: Tại sao ông lại chọn ống kính tiêu cự 50 milimet?

A: Nó tương ứng với một tầm nhìn nhất định, và đồng thời có một độ sâu trường ảnh vừa đủ, một thứ mà ta không có được ở những tiêu cự dài hơn. Tôi đã từng dùng một ống 90mm. Nó cắt mất quá nhiều tiền cảnh nếu ta chụp xoay ngang, và khi người khác đang tiếp cận thì trường ảnh lại không đủ sâu. Ống 35mm thì lại tuyệt vời khi cần, nhưng lại cực kỳ khó dùng khi bạn muốn sự chuẩn xác trong bố cục. Có quá nhiều yếu tố, và đôi khi chúng lại ở sai nơi. Nó rất đẹp trong những lúc tầm nhìn của bạn cần nó. Thế nhưng rất nhiều khi nó được sử dụng bởi những người như thể muốn gào thét. Bởi vì sẽ có hiện tượng bóp méo (quang học), khi đặt ai đó ở tiền cảnh bạn sẽ đạt được hiệu ứng. Nhưng bản thân tôi không thích hiệu ứng. Nó chứa đựng sự hung hăng gì đó, mà tôi lại không thích thế. Bởi khi những lúc bạn gào to, là vì bạn đã vơi mất tranh cãi.

Nếu bạn cầm theo ít dụng cụ, mọi người xung quanh sẽ không để ý tới bạn. Bạn sẽ không mang theo mình cái vẻ khoe khoang. Những người xách theo dụng cụ lỉnh kỉnh, họ trông như một nỗi ngượng.

Rồi còn cảm biến quang học trong chiếc máy ảnh nữa — tôi chả hiểu tại sao lại phải làm thế. Nó là một nỗi lười biếng. Lúc ban ngày, tôi không cần máy đo sáng. Chỉ khi ánh sáng thay đổi rất nhanh lúc nắng tàn, hay khi tôi ở một đất nước khác, lúc ở sa mạc hay quanh tuyết, thì tôi mới cần. Nhưng tôi luôn đoán trước, rồi tôi mới kiểm máy đo sáng. Đó là một cách rèn luyện tốt.

Q: Thế thì có thể nói rằng ông áp đặt những quy tắc này để có tính kỷ luật cho bản thân.

A: Cho bản thân tôi thôi – tôi không nói cho ai khác cả. Như thế làm tôi cảm thấy dễ chịu. Sự tự do đối với tôi là một khuôn khổ chặt chẽ, và trong cái khuôn khổ ấy là tất cả những khả năng biến đổi. Có thể tôi là một người cổ hủ. Thế nhưng người Pháp là thế đấy. Tôi đâu thể cưỡng lại được!

Nhiếp ảnh mà tôi làm ra ấy, nó như một bản vẽ vậy — một bản phác thảo tức thì được vẽ nên bởi trực giác mà bạn không thể sửa đổi. Nếu cần một sự chỉnh sửa nào, thì nó sẽ là tấm hình sau đó. Nhưng cuộc sống thì đầy chuyển biến. Thế là, đôi khi những khung hình sẽ vụt mất và bạn sẽ phải bất lực trước việc đó. Bạn không thể yêu cầu người khác, “Ôi, làm ơn hãy cười lần nữa đi. Hãy làm động tác đấy nữa đi.” Cuộc sống tuy mãi, nó chỉ có một lần.

Q: Ông cảm thấy thế nào về nhiếp ảnh màu?

A: Nó thật ghê tởm. Tôi ghét bỏ nó! Chỉ có những lần tôi chụp màu là khi tôi đến được những đất nước khó có thể đến, và họ nói rằng, “Nếu anh không chụp ảnh màu, thì chúng tôi cũng không thể dùng ảnh của anh.” Điều đấy trở thành một sự thỏa hiệp, và rồi lần đấy tôi cũng chụp rất tệ, bởi vì tôi không tin vào ảnh màu.

Bởi lẽ những bức ảnh tôi chụp vốn là những thứ tôi thấy. Để rồi đến lúc mực in và đủ thứ linh tinh can dự vào mà tôi lại không thể điều khiển chút nào. Có quá nhiều người nhúng tay vào bức ảnh, đã thế thì còn việc gì đến màu sắc trung thực nữa?

Q: Nếu các vướng mắc kỹ thuật được giải bỏ, và những gì ta thấy được trên trang ảnh giống y như những thứ ta thấy bằng mắt ta, thì lúc đó ông phản đối chứ?

A: Vâng, bởi vì thiên nhiên trao ta muôn vàn thứ. Nhưng nhận hết tất cả những gì từ thiên nhiên là điều không thể. Ta cần phải đón nhận bằng chọn lọc. Nói ra thì tôi thà vẽ tranh, nhưng rồi nó trở thành một vấn đề nan giải. Nhất là khi làm phóng sự, màu sắc chả có gì thú vị ngoài việc nó giúp họ kiếm tiền. Nó luôn là vấn đề tiền bạc.

Có rất nhiều NAG giỏi trẻ tuổi. Họ muốn làm những bài ảnh luận mà thị trường thì lại chẳng có.

Lúc bọn tôi sáng lập Magnum hồi năm 1946, thế giới bị chia rẽ bởi chiến tranh nên có một sự hiếu kỳ từ một quốc gia này đối với một quốc gia nọ. Dân tình không thể đi lại, và đối với chúng tôi lúc ấy, đã là một thách chỉ để đến tới và chứng thực sự việc — để nói rằng tôi đã thấy điều này và điều nọ. Lúc ấy thị trường rõ ràng. Bọn tôi chẳng cần toan tính việc gì cả.

Magnum là sáng kiến của Bob (gọi tắt của Robert) Capa, một người có tài phát minh. Anh ta lúc ấy đã cá độ đua ngựa và đánh bạc bằng tiền trả lương thư ký. Đến lúc tôi đòi tiền Capa khi vừa về từ phương Đông thì anh ta đã bảo tôi rằng, “Tốt hơn là anh cầm máy và đi làm đi, tôi đã lấy tiền của anh vì chúng ta suýt phá sản.”

Tôi cứ tiếp tục làm việc. Giờ đây nó không còn là vấn đề to tát gì vì chẳng còn mấy tạp chí nữa. Không có tờ tạp chí lớn nào lại sẽ cử bạn tới một đất nước mà ai cũng đã tới rồi. Thế giới đã khác rồi. Dẫu vậy vẫn còn những tờ chuyên môn dùng đến hồ sơ của bạn. Bạn vẫn có thể sống kha khá chỉ bằng số hồ sơ đã có. Nhưng thế đồng nghĩa bạn phải xây dựng nó từ năm này sang năm nọ. Và để một NAG trẻ bắt đầu việc này bây giờ cũng rắc rối.

Cuộc sống lại gồm những thứ nhu yếu, mà trong xã hội tiêu dùng thì mọi thứ cứ dần đắt đỏ. Vì thế lại có nguy cơ rằng nhiếp ảnh sẽ trở thành một thứ rất quý giá — “Chao ôi, một bản in hiếm kìa.” Không hẳn thật có một chỗ đứng cho thứ như thế. Nhưng mà sự quý giá đấy có nghĩa gì? Nó lại là một thứ u nhọt.

Sao lại có những NAG đi đánh số mấy bản in của họ? Quá lố bịch. Rồi họ làm gì khi đã in xong tấm thứ 20? Chả nhẽ họ nuốt mất âm bản? Hay là tự nã đạn vào bản thân? Toàn là mánh khóe để làm tiền.

Tôi nghĩ rằng một bản in nên được ký tên. Điều đó cho thấy một NAG đã công nhận rằng bản in đấy đã được làm ra bởi họ hoặc là theo tiêu chuẩn của họ. Mà một bản in cũng không như điêu khắc, vì những tấm phiến sẽ hao mòn. Còn âm bản thì không.

Q: Chắc có lẽ rằng họ chỉ có những họa sĩ để học theo, và họ vẫn phải tìm kiếm ‘cái tôi’ của họ.

A: Ừ thì, việc gì lại phải xấu hổ? Bọn tôi đâu phải là “những họa sĩ vớ vẩn.” Nhiếp ảnh là một cách để bày tỏ bản thân, nhưng với một công cụ khác. Thế thôi.

Q: Chúng ta quay lại với một điều vừa nãy có bàn tới được không? Ông cảm thấy thế nào khi được quay lại một đất nước mà ông đã từng tới? Có gì khác giữa lần đầu và lần ông quay lại không?

A: Tôi rất thích quay lại một đất nước nào đó sau một thời gian, để thấy được những thay đổi, bởi vì khi làm việc và sinh sống ở đó bạn đọng lại những ấn tượng, có thể đúng hay sai, nhưng chúng luôn riêng biệt và sống động. Bạn sẽ thấy được khác biệt rõ ràng mỗi khi đi vắng lâu ngày. Rồi sự tiến bộ của một đất nước cũng rất thú vị khi ta đo đạc qua chiếc máy ảnh.

Nhưng đồng thời, tôi cũng không phải một nhà phân tích chính trị hay là một nhà kinh tế học. Tôi đâu biết đếm. Đấy không phải điều tôi quan tâm. Chỉ có một thứ làm tôi mê hoặc, đó là sự mãn nhãn.

Niềm vui lớn nhất của tôi là hình học; cái cấu trúc cơ. Ta không thể cứ nhằm vào chụp những cấu trúc, hay hình thù, hay hoa văn gì cả, nhưng âu chúng là thú vui của giác quan, của trí tuệ, và để ý chúng cũng là để mọi thứ được đặt ở đúng nơi. Đó là sự nhận thức rằng đang có một sự sắp đặt trước mắt bạn.

Cái khác biệt giữa một bức ảnh đẹp và một bức tầm thường chỉ tính bằng vài milimet — những cách biệt rất nhỏ bé — nhưng tất yếu. Tôi không nghĩ có quá nhiều khoảng cách giữa từng NAG. Nó rất là ít. Nhưng mà có lẽ nhỏ bé một cách đáng kể.

Điều quan trọng mà nói là một NAG phải đắm mình. Nhiếp ảnh không phải là một cách tuyên truyền, mà nó là một cách thốt lên cảm nghĩ của bản thân. Nó khác nhau như là một tờ rơi tuyên truyền và một cuốn tiểu thuyết vậy. Một cuốn tiểu thuyết sẽ khiến bạn vận dụng cảm xúc và trí tưởng tượng, nó ấn tượng hơn là cái thứ kìa mà bạn chỉ xem qua rồi vứt bỏ. Một cuốn tiểu thuyết sẽ tinh tế hơn khi chủ đề của nó được đầu tư tốt; nó sẽ đi sâu hơn rất nhiều.

Trữ tình là cốt lõi của vạn vật, và chỉ khi bạn đắm sâu vào thực tại và sống hết lòng, bạn mới có thể đạt được nó. Khá nhiều lúc tôi thấy những NAG đi hái gặt cái sự lạ lẫm và khó xử của một cảnh tượng, và nghĩ rằng đấy là sự trữ tình. Không. Sự trữ tình là khi hai yếu tố bỗng dưng đương đối nhau — một tia lửa giữa hai yếu tố. Nhưng rất hiếm khi nó đến tới ta, và bạn cũng thể đi tìm nó. Như thể bạn đi tìm cảm hứng vậy. Đâu thể được, vì nó chỉ tới bằng cách sống và trau dồi bản thân thôi.

Bạn phải gạt bỏ bản thân. Bạn vừa phải là bản thân và đồng thời gạt bỏ nó để bức hình trở nên kịch tính hơn — mục đích của sự công tâm là để bạn làm việc mà không cần suy nghĩ. Không cần phải chứng minh gì cả. Nó sẽ tự thân mà đến.

Tôi không chỉ đến một nơi để ghi khắc lại những gì xảy ra ở đấy. Mà là để cố gắng có được một bức hình có thể tóm gọn tình hình nhưng vẫn có cấu kết chặt chẽ với hình thù. Và mỗi khi tôi tới một đất nước, tôi mong sẽ có được một bức hình mà sẽ khiến mọi người nói rằng, “À, cái này đúng thật. Anh cảm thấy đúng rồi đấy.”

Đó là vì sao nhiếp ảnh quan trọng, bởi vì có thể nói, nó là một niềm vui khi gắn kết mọi thứ lại với nhau, và nó đi xa hơn việc chứng thực thế giới của chúng ta, cho dù chúng ta không nhận ra đi nữa.

Còn đối với tôi, tôi tìm thấy niềm vui khi chụp một tấm ảnh. Được ở đó. Nó là một cách nói, “Phải! Phải! Phải!” Cứ như ba chữ cuối trong “Ulysses” của Joyce, một trong những tác phẩm vĩ đại từng được viết nên vậy. “Phải, phải, và phải.” Nhiếp ảnh nó như thế đấy. Luôn là “phải”. Và không có cái ‘hình như’. Tất cả những cái ‘hình như’ chỉ đáng vứt bỏ, bởi vì nhiếp ảnh là một khoảnh khắc, chớp nhoáng, ngay đó! Và để nói lên “Phải!” là một sự tôn trọng và niềm vui vô vàn đối với nhiếp ảnh. Kể cả khi nó là một thứ bạn ghét. Phải vậy! Vì ấy là sự quả quyết.

Nguồn: https://lens.blogs.nytimes.com/2013/06/21/cartier-bresson-there-are-no-maybes/

 

Vũ Trần dịch cho Noirfoto