Bài viết

Nhiếp ảnh là nghệ thuật. Và sẽ mãi là thế.

Lâu nay, vấn đề liệu nhiếp ảnh có xứng đáng được trân trọng như một hình thức nghệ thuật hay không vẫn gây nên tranh cãi. Được ra đời ở thế kỉ thứ 19, nhiếp ảnh phát minh ra để có thể ghi khắc lại hiện thực một cách chân thật chưa từng có trước đó. Nhiếp ảnh đã thay đổi choáng ngợp nhận thức và trải nghiệm của mọi người về thực tại. Tuy là một hình thức tạo hình tương đối mới, nhiếp ảnh vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với nghệ thuật. Trong bài viết này, Sean O’Hagan nghĩ rằng tranh vẽ và hội họa đang trở nên cũ kĩ, và thay vào đó, nhiếp ảnh xứng đáng có được vị thế trong những phòng trưng bày nghệ thuật. Hãy cùng Noirfoto cảm nhận một góc nhìn về vấn đề này qua bàn luận của ông.

Sean O’Hagan- ông là một nhà phê bình người Ireland, chuyên viết cho tờ The Guardian và The Observer của Anh Quốc, chuyên môn của ông là về nhiếp ảnh.

Ảnh: Robert Frank


Jane Bown, William Eggleston và Diane Arbus, lẽ nào họ không thể tỏa sáng trong một phòng trưng bày? Nhà phê bình nhiếp ảnh Sean O’Hagan phản bác lập luận của Jonathan Jones rằng nhiếp ảnh không thể được coi là nghệ thuật.

Hãy thử tưởng tượng viễn cảnh thế này. Tôi ghé vào Phòng trưng bày Quốc gia để xem Giải thưởng Chân Dung Quốc Gia 2014 và chiêm ngưỡng triển lãm trong sự hoang mang, nơi mà đa phần là những bức tranh cổ hủ. Thật là một buổi triển lãm nhàm chán, một mớ hỗn độn, cũng như mọi buổi triển lãm tự do khác vậy. Bức bối bởi buổi triển lãm này, tôi vội về nhà để chắp bút cho một bài viết, quả quyết rằng tranh ảnh đã chết, và nó trông thật lỗi thời và ngớ ngẩn khi hiện diện trên tường của một phòng trưng bày ở thế kỉ thứ 21. Không những vậy, tôi còn kết luận rằng mọi loại tranh ảnh đều tẻ nhạt và ngớ ngẩn – Caravaggio, Rubens, Picasso, Hockney, Richter, tất cả bọn họ.

Vào tháng 11 năm 2014, Jonathan Jones, nhà phê bình nghệ thuật của The Guardian đã đến xem buổi trưng bày giải Những Nhiếp Ảnh Gia ảnh Hoang dã của năm tại Bảo tàng Thiên Nhiên Quốc gia ở London, và buổi trưng giải Taylor Wessing ở Phòng Trưng bày Chân Dung Quốc gia — một giải thưởng mở thường có mặt những thí sinh kì quặc, thường toàn là người chụp thú cưng của họ. Lý do tại sao anh ấy lại đi xem hai buổi trưng bày này thì tôi chẳng biết. Anh ta nghĩ rằng đấy là hai buổi trưng bày nhiếp ảnh nghệ thuật chăng? Jones chê bai cả hai buổi trưng bày ấy. Tôi, một nhà phê bình nhiếp ảnh, có khi cũng sẽ làm thế nếu thừa hơi thừa sức.

Lúc bấy giờ tôi không có phản ứng gì, cũng vì hai lý do: cái tranh cãi “nhiếp ảnh không phải nghệ thuật” vốn đã quá cũ kĩ rồi, và nó không đáng để nhắc lại nữa, mà nếu còn lấy một giải thưởng ảnh hoang dã để nhắc tới việc đấy thì quá đỗi lạ. Nhưng rồi Jonathan lại một lần nữa quả quyết, qua việc bình luận một bức ảnh nhàm chán của Peter Lik, cái bức ảnh mà đã trở thành bức ảnh kỷ lục đắt nhất thế giới, sau khi được bán với giá 4,1 triệu bảng Anh. Đã thế thì sao? Tôi nghĩ đấy chẳng qua là bản chất chủ nghĩa tư bản – khi mà những kẻ giàu tiền nhiều hơn ý thức và cảm nhận. Jonathan cho rằng kỷ lục này là hệ quả khi mà những nhiếp ảnh gia nghĩ rằng họ là nghệ sĩ. Nhưng đâu phải vậy. Có những nghệ sĩ vận dụng nhiếp ảnh trong công việc của họ, chẳng hạn như Cindy Sherman, Jeff Wall, Gillian Wearing. Tôi nhớ nhẩm thì cũng nhắc được vài nhiếp ảnh gia mà tác phẩm của họ là nghệ thuật: Julia Margaret Cameron, Edward Steichen, William Eggleston, Nan Goldin, Robert Frank, Stephen Shore, Diane Arbus, Paul Graham, hay Hiroshi Sugimoto. Ảnh của họ tỏa sáng trong phòng trưng bày, và khiến chúng ta nhìn thấy cuộc sống với một góc nhìn khác.

Có vài điều không đúng trong lập luận của Jonathan, nhất là trong cái suy nghĩ của anh ta rằng nhiếp ảnh và hội họa cùng sống trong cạnh tranh. Thật là cổ hủ. Anh ta còn nghĩ rằng nhiếp ảnh đang cố ăn theo hội hoạ. Nhưng tất nhiên không phải là vậy. Một bức ảnh tuyệt vời của William Eggleston luôn có một vị thế riêng, và làm nên luật lệ riêng, bất kể việc Eggleston thú nhận có âm hưởng của trường phái trừu tượng trong các tác phẩm của ông.

Jonathan viết rằng ảnh chụp trông trên màn hình máy tính đẹp hơn là trên bản in. Có thể vài bức ảnh như thế thật, nhưng đa phần đâu phải vậy. Lẽ nào anh ta chưa bao giờ được ngỡ ngàng bởi một bức chân dung của Julia Margaret Cameron? Liệu anh ta đã bao giờ thấy bức tranh nào vẽ Samuel Beckett mà chứa đầy sự tĩnh lặng và cường điệu như bức chân dung mà John Minihan hay Jane Bown đã chụp ông ta? Tôi nghĩ chắc là không đâu.

Jonathan không phân biệt được các thể loại trong nhiếp ảnh, và có vẻ anh ta cũng không nhận thức được rằng nhiếp ảnh đã rất khác kể từ Henri Cartier-Bresson. Ta phải xem đến thuyết khái niệm đầy tính chính trị của Broomberg hay Chanarin, những tác phẩm khôi hài trong sê-ri hư cấu của Joan Fontcuberta, hay những cuốn sách nghệ thuật bởi những Cristina de Middel ha Viviane Sassen. Nhiếp ảnh đang sống động hơn bao giờ hết, nhất là trong thời đại kỹ thuật số. Jonathan có cái lầm tưởng rằng lợi thế kỹ thuật số khiến mọi người nghĩ rằng họ đều là những nhiếp ảnh gia tuyệt vời. Nhưng sự thật là nó chỉ biến nhiếp ảnh thành một việc dễ tiếp cận đối với mọi người hơn mà thôi. Một nhiếp ảnh gia tài ba làm nên những bức ảnh tuyệt vời bất kể máy ảnh mà họ dùng. Một nhiếp ảnh gia tồi thì sẽ luôn tồi dù có chiếc máy tự động đắt tiền đến đâu đi nữa. Quan trọng cách nhìn nhận, chứ không là công nghệ.

Tại sao lại đi chê bai nhiếp ảnh dựa trên những hào nhoáng của nhà bán đấu giá và những nhà sưu tầm lắm tiền? Liệu nghệ thuật đương đại có nên được đo đạc bởi sự định giá, chẳng hạn như số tiền đã được bỏ ra cho hộp sọ bằng kim cương đầy phản cảm của Hirst? Dĩ nhiên tôi đã chứng kiến nhiều tác phẩm vớ vẩn được trưng bày triển lãm, nhưng không thể vì vậy mà quy rằng ai làm triển lãm đều là những kẻ ngớ ngẩn.

“Nhiếp ảnh không phải nghệ thuật”, đấy mới là thứ đề tài đáng để ta quy là ngốc nghếch và lỗi thời. Những tấm Polaroid của Andy Warhol và nhiếp ảnh chính diện của Ed Ruscha đã kết lại cái tranh cãi ấy từ lâu rồi. Giá mà Jonathan đã cùng tôi dự một triển lãm Natural Order mà tôi đã đến ở Purdy Hicks. Ở đó đã có vài bức tranh bức vẽ đẹp phi thường, nhưng cũng những bức ảnh phơi sáng cảnh đêm của Awoiska van der Molen đẹp đầy lạ thường trong vẻ tĩnh lặng và huyền bí. Chúng đẹp đến mức mọi thứ xung quanh đều bị lu mờ. Ắt hẳn đấy là mục đích của nghệ thuật, phải không nhỉ?

Noirfoto tin rằng nhiếp ảnh luôn đầy tính chất nghệ thuật. Hình ảnh luôn được tạo ra với mục đích truyền cảm giữa những con người, giữa người làm ảnh và người xem ảnh. Tuy nhiếp ảnh vẫn có lạ lẫm với nhiều người trong giới nghệ thuật, ta không thể phủ nhận sự chân thật và gần gũi của nó. Khả năng của nhiếp ảnh bao la rộng mở, và nếu qua nhiếp ảnh mà ta truyền tải được cảm xúc, thì chẳng cớ gì mà ta lại gạt bỏ nó là một loại hình nghệ thuật.

Nguồn: https://www.theguardian.com/artanddesign/2014/dec/11/photography-is-art-sean-ohagan-jonathan-jones

Vũ Trần dịch cho Noirfoto