Bài viết

Chia sẻ kinh nghiệm: Nhập Môn Nhiếp Ảnh Phim (P4)

NHIẾP ẢNH 101: MÀN TRẬP

Điện thoại di động và máy ảnh kỹ thuật số luôn được đặt chế độ mặc định là “tự động” đưa ra phần lớn các quyết định cần thiết để tạo ra những bức ảnh nhìn chung là đủ sáng và sắc nét. Tất nhiên việc ‘đóng khung’ một hình ảnh và lập tức nhận được kết quả chỉ với một cú ấn nút là rất tiện lợi. Nhưng, nếu bạn học được cách để hiểu những ống kính của mình, màn trập, và phim thì bạn sẽ có được sự khôn ngoan để tạo ra những bức ảnh tốt hơn.

Tất cả các máy ảnh đều cung cấp 3 công cụ chính cùng làm việc để tạo ra hình. Khi nút chụp được ấn, một màn trập đóng mở nhận vào một lượng ánh sáng được đo chính xác và được ống kính điều hướng tập trung lên một chất liệu nhạy sáng, ví dụ: phim hay cảm biến kỹ thuật số.

Màn trập là thứ tạo ra âm thanh các bạn nghe thấy mỗi khi một bức ảnh được chụp. Dù một vài máy ảnh kỹ thuật số sử dụng màn trập kỹ thuật số mà ta không thể nghe thấy được, concept của màn trập đó vẫn không khác. Với cảm biến kỹ thuật số hay với phim chụp ảnh thì một bức ảnh đều cần sự tiếp xúc trong một khoảnh khắc nhất định của ánh sáng. Tất nhiên, nó có thể được mở ra trong một khoảng thời gian dài (hơn), để cho ánh sáng thực sự ‘ngấm’ vào phim/cảm biến, nhưng những vật thể trong thế giới thực không bao giờ đứng yên. Sự dịch chuyển của chúng tạo ra ‘mờ do chuyển động’ (motion blur).

Mặc dù thường không phải là điều mong muốn, do xu hướng của chúng ta là ưa chuộng hình ảnh sắc nét và rõ ràng, motion blur có những ưu điểm được nhiều nhiếp ảnh gia tận dụng. Với kỹ năng cần thiết của người chụp, nó có thể được dùng để nhấn mạnh tốc độ, tạo ra các hiệu ứng, hay thậm chí là giấu đi những vật thể và người khỏi tầm nhìn của ảnh.

Ngoài việc tạo ra hiệu ứng mờ (blur), cần phải hiểu rằng phơi sáng lâu hơn/tốc độ đóng mở màn trập thấp hơn sẽ cho nhiều ánh sáng vào với cảm biến hay phim hơn. Cũng như mở vòi nước lâu hơn để nhiều nước chảy vào cốc hơn.

Máy ảnh không có trang bị đèn flash cần giữ màn trập mở lâu hơn để nhận đủ ánh sáng đi vào. Chân máy (tripod) là một cách rườm rà nhưng hữu hiệu để giữ máy ổn định trong những hoàn cảnh như vậy, giảm thiểu tối đa sự rung, mờ ảnh.

Ở máy ảnh phim, có 3 kiểu màn trập chính.

Leaf shutter (nằm trong ống kính) được làm bởi những lá kim loại hoặc nhựa mỏng hoạt động cùng lúc để đóng hoặc mở. Màn trập lá thường trông giống như những lá khẩu (aperture blades), và trong một vài trường hợp, chúng đúng là thế: một số máy ảnh có lá khẩu luôn đóng và khi bấm nút chụp thì chúng mở ra một độ tương thích với kích cỡ của hệ khẩu độ.

Plane shutter (nằm trong thân máy) là một hệ thống được tạo bởi những cái màn chuyển động theo chiều ngang. Những màn trập này thông dụng với máy SLRs và rangefinder. Chúng tạo ra âm thanh lớn hơn, có xu hướng làm rung máy mạnh hơn so với leaf shutter, khiến việc phơi sáng tốc độ chậm khó khăn hơn một chút.

Flip mirror shutter (gương lật) tồn tại ở một số máy ảnh SLR. Phần lớn thời gian, cấu trúc máy SLR sử dụng kết hợp gương lật và leaf shutter hoặc plane shutter, tuy nhiên, một số nhà sản xuất chỉ sử dụng mỗi gương lật trong máy của mình.

Electronic shutter (màn trập điện tử) chỉ tồn tại ở máy ảnh kỹ thuật số (ĐƯƠNG NHIÊN). Chúng hoạt động bằng cách lập trình thời gian để thu nhận ánh sáng.

NHIẾP ẢNH 101: ỐNG KÍNH

Ống kính máy ảnh điển hình thực hiện 3 chức năng: nó tạo ra một độ rộng góc nhìn, từ góc rộng đến góc “zoom”. Nó điều khiển lượng ánh sáng đi vào cảm biến hay phim. Nó lấy nét hình ảnh.

Tiêu cự liên quan tới góc nhìn của mắt người, thể hiện mức độ nhìn thấy được không gian ở quanh ta trong cùng một thời điểm. Ở máy ảnh, đó là khoảng cách giữa quang tâm – hay cụ thể hơn là điểm chính thứ hai (second principal point) đến tiêu điểm (focal point). Một tiêu cự nhỏ hơn cho một góc máy rộng hơn và ngược lại.

Ở máy ảnh full-frame hoặc máy phim 35mm, tiêu cự 50mm được cho là tương tự với góc mắt người hay 46* mở theo chiều ngang. Đó được gọi là ống kính “thường”, tốt cho hầu hết các hoàn cảnh, bao gồm chân dung.

Ống 200mm sẽ cho một cái nhìn “zoom vào” hay trường ảnh 12*. Ống kính zoom sẽ làm cho mặt chúng ta trông to ngang ra.

Ống 24mm được gọi là ống góc rộng, cho một trường ảnh lên đến 84*. Loại lens này thực tế là thông dụng ở điện thoại cầm tay, nó làm mặt chúng ta thon hơn nhưng mũi to hơn ở khoảng cách gần. Một ống “mắt cá” (fish-eye) thu được một trường ảnh 180* và sẽ tương ứng với ống tiêu cự 16mm, loại ống kính này tạo ra một hình ảnh đặc biệt biến dạng và không được dùng thường xuyên.

Nếu bạn sử dụng máy ảnh medium hoặc large format, cảm biến crop, hoặc phim 110, tiêu cự nói trên sẽ cho ra góc trường ảnh khác. VD, với medium format, bạn sẽ cần một ống 75mm – 100mm để cho ra một hình ảnh tương tự với ảnh chụp bởi ống 50mm trên phim 35mm.

Khẩu độ điều khiển lượng ánh sáng vào máy và độ sâu trường ảnh (depth of field – DOF). Hầu hết các ống kính có lá khẩu được làm bằng những lá kim loại mỏng, mở ra khép vào tạo ra lỗ điều tiết ánh sáng (iris) rộng hơn hoặc hẹp hơn. Cơ chế này cũng giống như cơ chế của mống mắt (iris) người.

Số của ống kính tỉ lệ nghịch với kích cỡ của “mắt” khẩu. Có nghĩa là, số càng nhỏ thì độ mở càng lớn và càng nhiều ánh sáng đi vào.

Bên cạnh điều khiển lượng ánh sáng đi vào, khẩu độ cũng quyết định DOF của ảnh. DOF mỏng có nghĩa là nhiều phần mờ (blur) hơn (cũng được gọi là “xóa phông”) quanh chủ thể ảnh hơn, DOF dày hơn – ít mờ hơn.

DOF giảm với khẩu lớn hơn/số nhỏ hơn (nhiều ánh sáng hơn) và tăng với khẩu nhỏ hơn/ lớn lơn (ít ánh sáng hơn). Bạn càng cho nhiều ánh sáng đi vào, bạn càng tạo ra nhiều phần blur trên ảnh.

Số nhỏ nhất một ống kính đạt được thường được các nhà sản xuất đánh dấu trên ống cùng với tiêu cự của ống kính. VD ống 2.8 55mm có nghĩa là giá trị khẩu độ nhỏ nhất là 2.8 và tiêu cự 55mm, một tiêu cự gần tương đồng với góc nhìn của mắt người.

Ống kính với khẩu độ tối đa lớn/số nhỏ thường đắt hơn do chúng cần nhiều kính quang học hơn và độ chính xác kỹ thuật cao hơn.

NHIẾP ẢNH 101: ISO & PHƠI SÁNG (EXPOSURE)

Số ISO, thường được ghi là ASA ở các máy ảnh loại cũ, là hệ đo lường độ nhạy sáng, thường được đề cập đến như là tốc độ, cho cảm biến và phim. Cảm biến cho phép điều chỉnh giá trị này bất cứ lúc nào, tuy nhiên, một cuộn phim cần phải được chụp ở một ISO không đổi.

Những con số này thường được đánh dấu tại các giá trị 100, 200, 400, 800 và tiếp, lên đến 3200 hoặc thậm chí cao hơn. Ở ISO cao thì phim nhiều hạt hơn và ảnh kỹ thuật số thì nhiễu hơn. Mỗi lần ISO tăng gấp đôi hoặc giảm nửa, một exposure đã được đổi 1 stop.

Phơi sáng hình ảnh miêu tả ảnh là sáng hay tối. Đặt khung hình có nghĩa là lựa chọn chụp cái gì và từ góc nào. Lấy nét giúp nhiếp ảnh gia lựa chọn một hay nhiều chủ thể cho ảnh. Xét ngoài 3 concept nói trên, phơi sáng thường là thứ khó nhất để đạt được một cách hoàn hảo. Rõ ràng là, chế độ phơi sáng tự động (auto-exposure) là chức năng đầu tiên được làm tự động trên máy ảnh.

Dù việc đặt chế độ tự động luôn là tiện lợi, việc biết tự điều chỉnh exposure để kiểm soát được tốt hơn sự sáng tạo của mình là quan trọng. Và để chụp được những máy ảnh cũ cực ngầu như FED-5b.

Độ phơi sáng hay lượng ánh sáng nhận được bởi phim được quyết định bởi sự kết hợp của tốc độ chụp, khẩu độ, và ISO. Tốc độ chụp chậm hơn sẽ để nhiều ánh sáng vào hơn, cũng giống như khẩu lớn (số nhỏ) và phim hay cảm biến nhạy sáng hơn. Tất cả những đặc tính này được đo lường bởi những giá trị tiêu chuẩn, gọi là những “stop” ánh sáng.

Một stop ánh sáng là sự khác biệt nhận biết được về mức độ sáng. Với tốc độ chụp và ISO, nó được đánh giá bởi nhân đôi hoặc giảm nửa các giá trị. Ví dụ, ISO 100 là 1 stop ít nhạy sáng hơn ISO 200. Tương tự, tốc độ chụp 1/250 của 1s tăng thêm 1 stop so với tốc độ 1/500 của 1s. F-stop trên ống kính có hệ số riêng thể hiện bằng tỉ lệ giữa tiêu cự ống kính với đường kính khẩu độ. Các stop phổ biến nhất là 1.4 2 2.8 4 5.6 8 16, và stop 1.4 nhận vào nhiều hơn 1 stop ánh sáng so với 2, vân vân.

(còn tiếp)

Phần 1: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/720194371811166/?type=3&theater

Phần 2: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/721964081634195/?type=3&theater

Phần 3: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/751779798652623/?type=3&theater

Phần tiếp theo:

Các loại máy ảnh phim

Chọn và mua máy ảnh

Chọn và mua phim

Hương Mi Lê dịch cho Noirfoto

Ảnh: Phạm Tuấn Ngọc