Bài viết

Chia sẻ kinh nghiệm: Nhập Môn Nhiếp Ảnh Phim (P2)

LƯỢC SỬ NHIẾP ẢNH

Nhiếp ảnh được phát minh ra đầu thế kỷ 19. Loài người đã nghiên cứu về quang học từ hàng trăm năm trước nhưng chỉ đến lúc ấy, công nghệ mới thành công trong việc ‘làm đông lại’ hay ‘cố định’ một hình ảnh. Bấy giờ, phần lớn việc ấy được thực hiện bởi máy ảnh phơi miếng kim loại hoặc miếng kính phủ hóa chất, và với cuộn phim đầu tiên như chúng ta biết đến hiện nay sản xuất năm 1908 bởi Kodak.

Những nhiếp ảnh gia đầu tiên gặp khó khăn trong việc được nhận biết như là những nghệ sĩ, do đó mà trường phái ‘Hình tượng’ (pictorialism) đã được khai sinh. Đấy là một nỗ lực để tái tạo tính ‘hữu cơ’ của hội họa: làm sao để một bức ảnh nhìn giống như một bức tranh vẽ. Tuy nhiên, dù sao thì, vẫn có những nhiếp ảnh gia hoàn toàn tập trung vào sức mạnh của việc tạo ra hình ảnh từ hóa chất. Ansel Adams, một trong những cái tên nổi bật nhất trong thế giới nhiếp ảnh đã là một người như vậy. Ông công khai chỉ trích pictorialism. Ông cũng quảng bá chủ nghĩa ‘Cực Thực’ (hyperrealism) bằng cách sửa đổi những bức ảnh của mình làm sao để có độ tương phản cao hơn hoặc cấu trúc lại ánh sáng.

Adams đặc biệt nổi tiếng với những bức ảnh phong cảnh của mình – một thể loại được ‘mượn’ từ hội họa. Nhiếp ảnh chân dung, ảnh kiến trúc, ảnh thời trang, ảnh thiên nhiên hoang dã, và tĩnh vật cũng là như vậy – trong khi các thể loại như đường phố (street life), trên cao (areal) và thể nghiệm (experimental) được sinh ra do những tính chất riêng biệt của nhiếp ảnh. Ngày nay, chúng ta có những cái tên mới cho những thứ gần như là cũ: nhiếp ảnh drone (areal), selfie (chân dung), du lịch (phong cảnh và đường phố), và đồ ăn (tĩnh vật). Thế Chiến II đã làm thay đổi thế giới mãi mãi và trong đó bao gồm nhiếp ảnh. Vai trò quan trọng của nhiếp ảnh trong sự xung đột về tài liệu đã mang lại cho nó một vị trí quan trọng trong cộng đồng quân sự, khoa học, và nghệ thuật. Một trong những tác phẩm quan trọng nhất đã được thực hiện vào thời kỳ này được thực hiện bởi Tony Vaccaro với máy ảnh phim Argus C3.

Máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên được tạo ra bởi Kodak vào những năm 1970, cho dù nó đã không thực sự khởi sắc cho đến tận đầu những năm 2000 khi nó trở thành thứ dẫn dắt ‘cuộc cách mạng kỹ thuật số’. Đáng tiếc là, chính phát minh này lại là thứ khiến Kodak phá sản bởi nó đã không đã không theo kịp được thứ công nghệ mà người tiêu dùng đòi hỏi.

Máy ảnh phim thì dường như đã đứng ở bờ vực của hủy diệt, công nghệ cho máy ảnh kỹ thuật số lại càng phát triển: tự động lấy nét, tự động phơi sáng… đều có trên thân máy ảnh số. Chúng ta tiếp tục cải thiện máy ảnh của mình với chống rung tự động, nâng cấp cảm biến, và thiết kế siêu nhỏ gọn. Các phần mềm máy ảnh cũng tự củng cố sự ảnh hưởng của nó đối với nhiếp ảnh. Dù sao, một điều đáng để biết là độ sắc nét của ống kính máy và độ phân giải hình ảnh đã không có sự cải thiện nào thực sự đáng kể suốt từ thập kỉ 1970s tới giờ. Ngày nay, các ống kính quang học chỉ sắc nét hơn một chút, với sự hiệu chỉnh tốt hơn cho độ méo hình, quang sai, và rung máy – nhưng lại cho ít kiểm soát hơn đối với việc lấy nét và thay đổi khẩu độ. Khi được in hay được chiếu trên màn hình, ảnh phim và ảnh số thường khó mà phân biệt được ở độ sắc nét và chất lượng, tất nhiên là nếu bức ảnh phim được chụp với một nhũ tương màu hiện đại.

SỰ TRỞ LẠI CỦA NHIẾP ẢNH PHIM

Thực ra thì, nó chưa bao giờ rời đi đâu.

Ngay cả khi những công ty lớn như Kodak, Fuji, và Polaroid đã mất cực kì nhiều tiền khi nhiếp ảnh kỹ thuật số bắt đầu thay thế nhiếp ảnh phim, họ chưa bao giờ ngừng sản xuất cả. Họ – như Kodak và Fuji – chỉ tạm thời giảm qui mô sản xuất xuống (… rất nhiều). Polaroid, một nhà sản xuất máy ảnh chụp lấy ngay nổi tiếng, đã trở thành một nhãn hiệu marketing có bản quyền khi nhà máy cuối cùng của họ được mua lại bởi một công ty nhỏ tên Impossible Project. Công ty này sau đó mua lại luôn tên Polaroid và đổi tên chính công ty thành Polaroid Originals.

Giữa sự gia tăng của cuộc đua số hóa, một business trẻ và khác biệt tự hào giữ vững analogue. Lomography bán những chiếc máy ảnh phim bằng nhựa và rẻ tiền như một món đồ chơi cho những người thích sáng tạo. Kiểu thậm mĩ lo-fi này đã truyền cảm hứng cho một quân đoàn những nhiếp ảnh gia tận tâm – những người đã đóng vai trò không hề nhỏ trong việc hỗ trợ cả một nền công nghiệp nhiếp ảnh phim đang vật lộn để không bị sụp đổ.

Ilford, một công ty Anh được biết tới với việc chuyên sản xuất phim đen trắng đã có vài thay đổi trong việc quản lý. Rõ ràng, họ đã tồn tại được trong một thế giới nơi ảnh đơn sắc đã trở thành ‘lỗi thời’ từ rất lâu.

Kodak, vào năm 2019, cuối cùng đã giảm tốc được cú rơi tài chính của mình. Sự hứng thú đến nhiếp ảnh phim đang dần dần được hồi sinh. Năm ngoái, Kodak đã sản xuất trở lại hai loại phim cũ-mới: Kodak T-Max 3200 và Ektachrome E100.

Fujifim mất mát ít nhất trong sự bùng nổ kỹ thuật số. CEO của họ đã thành công trong việc giữ vững công ty bằng cách sử dụng những chuyên gia hóa chất của họ cho một dòng sản phẩm… mĩ phẩm. Nhiếp ảnh đã ở lại với công ty với các sản phẩm máy ảnh kỹ thuật số được thiết kế theo hình dạng của dòng máy ảnh rangefinder. Tuy nhiên, với một công ty lớn và tập trung vào tương lai như Fuji, sản xuất phim có vẻ như đã trở thành một trở ngại. Vào năm 2018, rất nhiều dòng sản phẩm quang hóa của họ đã bị ngưng sản xuất.

Tin này, kết hợp với sự thật rằng những nhũ tương đang biến mất của họ đã vẫn luôn được đánh giá cao trong giới chụp ảnh, đã khiến nhiều người choáng váng và tức giận.

Leica Camera, một nhà sản xuất cao cấp, nổi tiếng với chất lượng và sự ưa chuộng bởi những người chuyên nghiệp chưa từng ngừng sản xuất máy ảnh phim. Một công ty, tồn tại ở nơi đối lập với Lomography, vẫn đang sống ổn.

Trong tình trạng những công ty lớn nhất vẫn đang tiếp diễn sự vật lộn lẫn sự thích ứng với thị trường mới, hàng tá những business nhỏ đã thành hình. Japan Camera Hunter, cũng được biết đến như Bellamy Hunt, đã thành công bằng cách bán lại những máy ảnh phim classic có giá trị cao. Bellamy đồng thời cũng cho ra đời dòng sản phẩm phim và máy ảnh dùng một lần.

MiNT là công ty chuyên bán Polaroid SX-70 ‘độ’ và các sản phẩm mới dựa trên Instax. Đội ngũ của Gary Ho đã trao cho những cỗ máy 40 tuổi những chức năng mới như nhiều hơn một tốc độ phim và mở rộng sự kiểm soát thủ công cho người dùng. MiNT cũng kết hợp với Rollei, một nhãn hiệu vẫn được biết đến với những chiếc máy ảnh TLR cao cấp, để sản xuất ra máy ảnh Rolleiflex loại lấy ngay. ‘Kamera’ là sản phẩm tiếp theo của series InstaFlex.

CineStill tạo ra một sản phẩm mới cho nhiếp ảnh gia chụp phim bằng cách tái mục đích nhũ tương cho phim dùng cho máy quay phim loại thượng hạng của Kodak. Kodak Vision 3 500T Color Negative Film 5219/7219 là một kỹ thuật quang hóa (photochemical) tân tiến, hiện đại đã được sử dụng cho The Avengers, The Walking Dead, và Star Wars. Được thành lập bởi anh em Wright, công ty đã mô-đi-phê phim thành thứ phim có thể được xử lí ở hầu hết các lab ảnh và đóng gói lại trong những ống đựng cỡ 35mm và medium-format.

Film Ferrania, dưới sự quản lý mới, trong 5 năm qua đã tập trung vào việc khởi động lại sản xuất trong những nhà máy tại Ý. Đáng tiếc là, công ty này đã gặp nhiều vấn đề, làm tê liệt những nỗ lực sản xuất. Silberra của Nga, một business nhỏ điều hành bởi nhiếp ảnh gia, đang làm việc với những loại nhũ tương đơn sắc mới, tuy nhiên cũng gặp ít nhiều những thất bại.

Film Washi sản xuất phim “thủ công”, bao gồm một loại phim đặc biệt làm từ giấy. Dubble Film bán những phim đã được phơi sáng sẵn cho ra những gradient màu vui mắt phủ lên những ảnh chụp.

Các chất quang hóa cho phim đã được bán từ 111 năm nay rồi. Sau sự chậm lại của thị trường vào đầu những năm 2000, các sản phẩm này ít đi rất nhiều nhưng máy ảnh thì lại trở nên dư thừa. Không còn sự quan tâm của người dùng, những chiếc máy ảnh bị mang đi cầm cố với giá rẻ hoặc cho đi luôn. Như Bellamy đã mô tả trên YouTube, những chiếc máy ảnh được mang tới các cửa hàng “nguyên hộp”.

Rất nhiều máy ảnh phim cũ được bán trên eBay, chợ máy ảnh cơ hoạt động sôi nổi nhất hiện nay, dễ dàng được đánh giá như một món đồ cổ (antique). Nhưng không như xe cộ và quần áo, máy ảnh phim có thể vượt qua được sự thử thách của thời gian khá tốt. Bởi vì hàng tỉ máy ảnh đã được tạo và không nhiều hơn 5 triệu nhiếp ảnh gia phim vẫn đang sử dụng chúng, chúng thường khá là rẻ. Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như Contax T2, gần đây được sử dụng bởi những người nổi tiếng, khiến giá của nó liền lập tức tăng chóng mặt.

Tuy nhiên, nhiếp ảnh phim không bị giới hạn ở những thương hiệu đã trở thành di sản. Boom, Cameradactyl, Jollylook, ONDU, Reflex, và Solar Can là những ví dụ về nhà sản xuất máy ảnh phim mới. Sự thách thức của việc cạnh tranh với những thiết bị cổ nhưng rẻ, thiết kế tốt, hoạt động tốt không phải là một thách thức nhỏ. Tuy nhiên, những kĩ thuật mới như in 3D, thiết bị cắt gỗ chính xác, những khuôn nhựa chất lượng, và khả năng tiếp cận dễ dàng với việc marketing và phân phối toàn cầu tạo ra cơ hội. Một máy ảnh mới đi kèm với hỗ trợ và bảo hành, trong khi máy ảnh cổ thì đi kèm với rủi ro của hỏng hóc nặng.

Các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp trẻ không phải là những thương hiệu duy nhất trong thị trường nhiếp ảnh phim. Được thành lập từ lâu nhưng ít được biết đến như Adox, Agfa, Foma, Lucky, Rollei sống sót bằng cách bán phim cho thị trường nghiệp dư sành sỏi, fan tâm huyết, và những nhà cung cấp camera theo dõi.

Và, không nghi ngờ gì cả là một yếu tố góp phần vào sự hồi sinh của nhiếp ảnh phim: Internet là nơi nhiếp ảnh gia phim trao đổi với nhau vào năm 2019. Có thể được tìm thấy trên subreddit, các diễn đàn, Twitter, Instagram, Facebook… cộng đồng làm hết sức mình trong việc hỗ trợ các dự án như những nhà sản xuất đã được nhắc đến ở trên.

Do sự cam kết đầy ‘nổi loạn’ 😀 của chúng ta với những công nghệ lỗi thời, nhiếp ảnh gia phim theo một cách nào đó là một kiểu underdog, khi so sánh với hơn 2 tỉ người sử dụng máy ảnh kỹ thuật số. Cho đến ngày hôm nay, Internet cho ra đời những thớt tranh cãi ‘phim vs kỹ thuật số’, thường xuyên chuyển hướng sang việc công kích vô nghĩa đến lựa chọn cá nhân và chuyên môn của nhau. Mặc dù chủ đề này cũng không còn được nóng hổi như nó đã từng, vẫn luôn có đủ drama để hít khi cần.

Trong một cuộc tranh cãi gần đây, một nỗ lực để tái hiện lại trải nghiệm của việc chụp ảnh phim với một chiếc máy ảnh kỹ thuật số đã fail một cách ngoạn mục. Vào năm 2017, một công ty marketing ở HongKong đã gọi thành công 10,035,296 HK$ (khoảng 1,280,000 USD) trên Kickstarter, tiếp theo đó là thêm 1,515,054 USD trên IndieGoGo để làm Yashica 35. Nhãn hiệu mà họ sử dụng thuộc về một nhà sản xuất Nhật Bản từng được biết đến với những chiếc máy ảnh nổi tiếng và chất lượng cao.

Mặc dù cho thành công về mặt tài chính, sản phẩm của họ, một bản knock-off rẻ tiền của một thiết kế cũ nổi tiếng, Yashica Electro 35, với ‘nội thất’ và cảm biến gây thất vọng lớn cho người dùng và đã đẩy các nhiếp ảnh gia vào một cuộc ‘thập tự chinh’.

Phần 1: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/720194371811166/?type=3&theater

Phần tiếp theo:

Phim trong thời đại kỹ thuật số

Tương lai của nhiếp ảnh phim

Phim vs. Kỹ thuật số

Hương Mi Lê dịch cho Noirfoto

Ảnh: Phạm Tuấn Ngọc