Bài viết

Chia sẻ kinh nghiệm: Nhập Môn Nhiếp Ảnh Phim (P5)

CÁC LOẠI MÁY ẢNH PHIM

Vào năm 2020, ta vẫn có thể mua máy ảnh phim hoàn toàn mới. Các hãng lớn như Leica, Fujifilm và Nikon vẫn có những mẫu mã đang được sản xuất, bên cạnh một số hãng nhỏ hơn mà phần lớn đã được nhắc ở những phần trước. Còn với máy cũ, sự lựa chọn là vô hạn.

Máy ảnh phim được phân loại bởi hệ thống lấy nét và khổ phim.

Có bốn hệ thống lấy nét chính: SLR, TLR, rangefinder (sử dụng kết cấu quang trắc trên máy ảnh độc lập với ống kính), và zone-focusing/viewfinder. Lấy nét tự động có xuất hiện trên một số máy ảnh, tuy nhiên, nó luôn được dùng kết hợp với hệ thống SLR hoặc viewfinder.

Một máy ảnh phim SLR hoặc khác nhiều với một máy DSLR. Nó không có màn hình LCD nhưng kính ngắm (viewfinder) hoạt động với nguyên lý tương tự. Với sự trợ giúp của lăng kính và gương, bạn nhìn qua được ống kính máy ảnh, nhìn thấy chính xác hình ảnh sẽ đi vào cảm biến kỹ thuật số hay phim. Khi nút chụp được ấn, gương lật lên, cho phép ánh sáng đi vào tới phim, rồi sau đó lật xuống trở lại.

Máy SLR là một lựa chọn tuyệt vời cho người bắt đầu do nó cung cấp cho người chụp cái nhìn trực tiếp vào những gì đang trong tầm ngắm của ống kính, với nhiều dòng máy kiểm soát phơi sáng tự động. Hầu hết máy SLR đi kèm với rất nhiều lựa chọn ống kính để thay đổi.

Điểm yếu của SLR là màn trập gây tiếng ồn lớn, dễ rung, thân máy lớn, và khó lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu.

Tất cả các máy TLR để được tạo ra để chụp phim, cho ra những bức ảnh vuông trên phim định dạng trung bình (medium format). Những máy ảnh này đi cùng với ống kính đôi, thường để xếp chồng lên nhau. Một số máy TLR cho phép thay ống kính, nhưng không có cùng những loại như với SLR.

TLR có hình dạng độc đáo và cung cấp lựa chọn khung hình và cả tư thế chụp ảnh đặc biệt cho nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, những máy ảnh này thường cũng không nhỏ và cũng có chung những yếu điểm như máy SLR, trừ vấn đề màn trập, màn trập của TLR thường tạo tiếng động nhỏ và là loại màn trập lá rất nhẹ.

Rangefinder cần người chụp bỏ thời gian để làm quen nhưng, về nguyên tắc, nó sẽ cho ta màn trập tiếng động nhỏ, thân máy nhẹ, khả năng lấy nét nhanh, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu. Thiết kế này ra đời trước SLR.

Máy ảnh rangefinder vẫn rất thông dụng trong giới chụp ảnh phim và dân sưu tầm máy ảnh; do đó nó có thể có giá trị rất lớn. Máy ảnh Leica, vẫn được biết đến với cái giá khá chát chúa và một vị thế trong lịch sử khi làm nên sự nổi tiếng của phim 35mm, vẫn đang dẫn đầu trong dòng máy rangefinder – ngay cả với các phiên bản điện tử mới.

Những máy ảnh này cần bảo trì thường xuyên vì hệ thống lấy nét có xu hướng dần mất đi độ khớp với ống kính. Máy rangefinder thường không chụp được những gì gần máy dưới 1m/3ft, nó không hoạt động với ống kính macro và ống tele. Hình ảnh bạn nhìn thấy qua ô ngắm chỉ là hình ảnh xấp xỉ với kết quả cuối cùng, không thể nhìn trước độ sâu trường ảnh và lỗi thị sai thỉnh thoảng sẽ xảy ra.

Viewfinder/zone-focusing không có hỗ trợ lấy nét bằng tay, ngoài việc cho phép nhiếp ảnh gia chọn giá trị khoảng cách ước tính đến chủ thể lấy nét. Những máy ảnh này thường trông giống máy ảnh rangefinder nhưng không có cơ chế tạo ra hình ảnh ảo là thứ trợ giúp người dùng lấy nét ở máy rangefinder.

Do có một cấu trúc được tối giản hóa, những máy ảnh loại này có thể dễ dàng được sửa chữa và duy trì, chúng cũng thường nhẹ và rẻ hơn những loại khác, nhưng sẽ cần nhiều thời gian để làm quen. Tất nhiên, việc chụp được những bức ảnh rất sắc nét với việc lấy nét theo vùng khoảng cách vẫn là hoàn toàn khả thi.

Một số máy viewfinder, thay bằng cung cấp những số chỉ vùng lấy nét để bạn chọn khoảng cách ước tính tới vật thể, cho phép lấy nét tự động. Tuy nhiên, do chúng cần những chi tiết điện tử phức tạp cho chức năng này, những máy ảnh như vậy rất khó để sửa khi xảy ra hỏng hóc.

Máy ảnh khổ lớn (large format) thường dùng kính mờ (ground glass) để người chụp ảnh xem trước ảnh, tuy nhiên hình ảnh nhìn thấy qua kính này luôn bị lộn ngược.

LỰA CHỌN VÀ MUA MÁY ẢNH PHIM

Không có máy ảnh “tốt nhất”. Máy ảnh phim là rất đa dạng với những ưu khuyết điểm khác nhau và cũng tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng khác nhau của người sử dụng, có rất nhiều model, nhiều sự thay đổi theo thời gian, không nên kỳ vọng sự “hoàn hảo” ngay cả với những máy ảnh đắt tiền nhất. Máy ảnh phim, mới và cũ, quá phong phú để việc tồn tại một máy ảnh có-tất-cả là khả thi. Tuy nhiên, có một vài đề xuất như sau cho người bắt đầu:

Yashica Electro 35 là một máy ảnh rangefinder tuyệt vời với những ống kính đa năng sắc nét và dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, nó có khuyết điểm là kích cỡ hơi lớn, hay bị lỗi POD (pad of death) và sử dụng loại pin rất khó tìm.

Bất cứ máy ảnh nào thuộc dòng Canon QL đều có thể là một lựa chọn phù hợp cho một người chụp ảnh thường xuyên, một vài loại cần pin, số còn lại thì không.

Polaroid SX-70 là một máy ảnh chụp lấy ngay được thiết kế rất tốt tuy nhiên khá tốn tiền cho từng shot hình, khoảng 2,75$/ảnh. Máy có thể được mở và gập dễ dàng gọn đẹp và là một trong số lượng ít những máy ảnh phim lấy ngay loại SLR.

Khi mua một máy ảnh phim cũ, đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy những lỗi hay hỏng hóc. Những thiết bị này có thể đã rất cũ và không dễ để kiểm tra trọn vẹn nếu không sử dụng hết ít nhất một cuộn phim để test.

Hãy tìm những lựa chọn mua với chính sách cho phép hoàn trả hợp lý và được thử với phim để người bán có thể chứng minh với bạn máy ảnh còn hoạt động tốt bằng những bức ảnh thực tế được chụp. Những máy ảnh như thế sẽ đắt tiền hơn những máy ảnh y hệt nhưng không qua test. Quyền quyết định là ở bạn.

Máy ảnh được đánh dấu là “recently CLA’d” (vừa trải qua quy trình CLA – clean, lubricate, adjust – lau sạch, bôi trơn, tinh chỉnh) phải đi kèm với hóa đơn.

Bạn có thể tham khảo mục mua đấu giá trên eBay để biết giá máy hợp lý, nhưng đừng quan tâm quá nhiều vào những sản phẩm nằm trong danh sách “buy it now” (mua luôn). Quan trọng là giá trị thực tế máy ảnh nên có, chứ không phải là số tiền mà người mua muốn kiếm được. Trang Collectiblend (https://collectiblend.com/Cameras/) là một nguồn thông tin rất tốt để hiểu được thị trường máy ảnh cũ, tuy nhiên cũng không phải là chính xác 100%.

Trừ khi là bạn mua từ một người bán cực kỳ có uy tín, việc tiêu hơn 200$ cho chiếc máy ảnh đầu tiên của bạn là điều không nên làm. Trong mọi trường hợp, hãy kiểm tra xem màn trập, chức năng lấy nét, và khẩu độ có hoạt động không. Hãy mang thêm pin nếu bạn mua trực tiếp từ cá nhân và máy ảnh cần đến pin để hoạt động.

Chiếu đèn pin qua ống kính có thể làm lộ ra rất nhiều bất ngờ khó chịu như nấm, vết trầy xước, và tách lens (lens separation). Đôi khi bụi và thậm chí trầy xước không sẽ gây ra vấn đề gì cho hình ảnh chụp được, nhưng nấm thì sẽ phát triển và lens separation (khi các bộ phận trong ống kính dần tách nhau ra do các chất kết dính xuống cấp) là một vấn đề nghiêm trọng.

Máy ảnh được bạn lựa chọn cần có ống kính sạch và rõ, lá khẩu hoạt động tốt, không có lỗi lấy nét, bộ phận quay phim hoạt động tốt và một màn trập chính xác. Mặc dù vài máy ảnh đạt các yêu cầu trên vẫn có thể bị lỗi light leak (lọt sáng), không có gì phải lo lắng vì sửa lỗi này thường dễ và rẻ. Nói chung là hãy tim những thiết bị trông sạch sẽ và được kiểm định.

Hãy sử dụng mạng xã hội để hỏi và tìm kiếm cơ hội mua sắm tốt, tuy nhiên đừng quên rằng nếu bạn thực sự tìm được một món hời, ai đó có thể thó lấy nó ngay dưới mũi bạn.

Hiểu rõ về toàn bộ chi phí, bao gồm phí vận chuyển, phí hoàn trả, thuế, phí nhập khẩu.

Những khám phá hay ho nhất có thể được tìm thấy ở chỗ cửa hàng đồ cũ, mấy tay chuyên buôn máy ảnh, một người bạn, eBay, Etsy, hay chợ giời. Trừ khi là bạn lựa chọn mua máy ảnh mới tinh, hãy trông đợi rằng mình phải bỏ ra vài tuần để săn lùng được bộ gear tương lai của mình. Đấy là một quá trình đầy háo hức xen lẫn với thất vọng dành cho mọi người chụp ảnh phim; việc ấy không thể tránh khỏi nhưng cũng có thể rất là vui.

Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với GAS – gear acquisition syndrome – hội chứng mê mua thiết bị, một thôi thúc khó cưỡng phải mua quá nhiều máy ảnh. Vâng, chuyện này rất là thật đấy!

CHỌN VÀ MUA PHIM

Có hàng trăm lựa chọn về phim vào năm 2020.

Rất nhiều nguồn phim trên thị trường tiêu dùng là sản phẩm nhãn trắng (white-labelled), bán bởi các đơn vị marketing và phân phối. Kodak là một ví dụ tiêu biểu. Eastman Kodak là công ty với tổng hành dinh nằm ở Rochester và sản xuất tất cả các loại phim có thể được mua với nhãn hiệu Kodak. Kodak Alaris là một đơn vị khác cũng có quyền bán phim Eastman Kodak.

Agfa Vista cũng là phim được đóng gói lại của Fujifilm. Sau khi Fuji thông báo ngừng sản xuất dòng sản phẩm đó, Agfa Vista cũng thông báo việc ngừng bán của mình.

JCH Streetpan vốn dĩ chỉ sản xuất cho camera giám sát, cho nên nó đã từng không có trên thị trường dành cho người tiêu dùng trực tiếp. Rất nhiều phim có thể được mua từ Film Photography Project Store, bao gồm phim Foma được đóng gói lại thành Kosmo Foto của Stephen Downling’s.

Bên cạnh các loại phim được đóng gói lại, có rất nhiều phim hết hạn sử dụng trên thị trường. Loại phim mà không còn được sản xuất từ rất lâu rồi và vốn là một phần của di sản hơn 100 năm nghiên cứu và phát triển. Một vài trong số chúng sẽ tạo ra sự thay đổi về màu sắc và độ tương phản, tuy nhiên một số lại vẫn giữ được thông số kỹ thuật gốc của nhà sản xuất. Người ta thường khuyên rằng hãy thêm 1 stop cho mỗi thập kỷ quá đát của phim. VD, phim ISO 200 hết hạn năm 2010 có thể được chụp ở ISO 100 trên máy vào năm 2020.

Tất nhiên, cũng có những công ty tự làm toàn bộ quá trình sản xuất, thị trường, thương hiệu cho phim của họ – như Fuji và Ilford.

Ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua phim ở bất cứ đâu: siêu thị, cửa hàng nhiếp ảnh, và thậm chí cả Walmart. Bạn cũng có thể mua phim online từ Analogue Wonderland, Film Photography Project Store, và B&H.

Khi tìm kiếm theo loại, thường có 3 loại chính: đen trắng, màu, và phim slide. Nhưng trước khi bạn tính đến màu sắc, hạt ảnh, độ tương phản, và độ bão hòa màu của phim, hãy nghĩ rằng mình sẽ xử lý vấn đề tráng ảnh như thế nào.

Hầu hết các lab phim có thể tráng phim C-41, tuy nhiên, phim đơn sắc lại là thứ mà đôi khi họ không nhận tráng. Trong trường hợp này, bạn có thể lựa chọn phim Ilford XP2, một loại phim đen trắng có thể được tráng bằng quy trình C-41, mọi lab tráng phim màu có thể nhận tráng phim này cho bạn.

Phim slide tức là phim cho ra dương bản thay cho âm bản. Việc chụp ảnh với phim này có thể hơi khó hơn do sự nhạy cảm của nó với ánh sáng mạnh và khung cảnh có độ tương cao. Nó có thể cho ra kết quả cực kỳ kinh khủng với ánh sáng buổi trưa. Tuy nhiên, nó sẽ cho ra kết quả tuyệt vời trong điều kiện ánh sáng êm dịu. Hãy hỏi lab của bạn xem họ có thể tráng E-6 hay không nếu muốn chụp phim slide nhé.

Ngoài việc tự chụp và tráng phim, bạn có thể tìm hiểu về nhãn hiệu mình định chọn với hàng tá những reviews và ví dụ trên mạng. Nhưng, cần phải ghi nhớ rằng cùng một âm bản được scan có thể trông rất khác qua những máy scan khác nhau và phần mềm được sử dụng trong quá trình scan ảnh.

Nếu bạn đang băn khoăn là mua phim thì tốn bao nhiêu, hãy mặc định mức giá trung bình khoảng 100k/cuộn (mua tại Việt Nam).

Với phim 35mm, mời các bạn tham khảo danh sách sau đây: https://www.analog.cafe/app/35mm-film-price-guide

Phần 1: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/720194371811166/?type=3&theater

Phần 2:

https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/721964081634195/?type=3&theater

Phần 3: https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.716049552225648/751779798652623/?type=3&theater

Phần 4:

https://www.facebook.com/noirfotodarkroom/photos/a.375035986327008/771875333309736/?type=3&theater

Phần tiếp theo (phần cuối):

Tạo ra ảnh: lắp và tháo phim

Tạo ra ảnh: đo sáng và chụp ảnh

Tạo ra ảnh: tráng phim

Chăm sóc thiết bị

Chia sẻ tác phẩm

Hương Mi Lê dịch cho Noirfoto

Ảnh: Phạm Tuấn Ngọc