Bài viết

Alfred Stieglitz – Cuộc đời và sự nghiệp (Phần 1)

Người ta vẫn nói về Alfred Stieglitz như một trong những người “cha đỡ đầu” của nghệ thuật Hiện đại Mỹ đồng thời có một sự nghiệp nhiếp ảnh đáng chú ý. Trong loạt bài 2 phần, chúng ta sẽ tìm hiểu nhân vật đứng đàng sau khung cảnh nghệ thuật trù phú của New York đoạn đầu thế kỷ 20. 


Với các gallery nức tiếng của mình, Stieglitz góp phần lớn vào việc giới thiệu nghệ thuật Hiện đại từ châu Âu vào Mỹ cũng như xây dựng chủ nghĩa này tại đây. Bắt đầu bằng việc trưng bày những người bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh (huyền thoại!) như Edward Steichen hay Ansel Adams, Stieglitz đã phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng hội hoạ như Charles Demuth, Arthur Dove, Max Weber… và đặc biệt nhất chính là người trở thành vợ của ông – bà Georgia O’Keeffe – một nhân vật nữ xuất chúng hiếm có trong lịch sử nghệ thuật. Trong thực hành nhiếp ảnh, dù có thể không phải xuất sắc nhất nhưng ông luôn nằm giữa hàng ngũ tiên phong – từ trường phái Nhiếp ảnh như hoạ (Pictorial photography) cho đến Thẳng thắn (Straight Photography) và Trừu tượng – ba trường phái đầu tiên của nhiếp ảnh nghệ thuật. Tờ tạp chí Camera Work của ông đã xuất bản và lưu giữ toàn bộ lịch sử của chặng đầu nhiếp ảnh nghệ thuật Mỹ.

Tóm lược về Alfred Stieglitz

Alfred Stieglitz sinh ngày 01/01/1864 tại Hoboken, New Jersey, Mỹ và mất 13/07/1946 ở New York, Mỹ. Ông hoạt động nghệ thuật từ năm 1883 cho tới năm 1934.

Alfred Stieglitz là một thế lực thiết yếu trong quá trình phát triển của nghệ thuật hiện đại ở Mỹ với sức ảnh hưởng không chỉ nằm trong những sản phẩm với tư cách là một nhà môi giới nghệ thuật, người tổ chức triển lãm, nhà xuất bản và biên tập mà còn được thể hiện trong sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. Ông được ghi nhận là người dẫn đầu trong sự trỗi dậy của nhiếp ảnh hiện đại Mỹ những năm đầu của thế kỷ 20, xuất bản tạp chí nhiếp ảnh định kỳ Camera Work (TD: Tác phẩm của máy ảnh) (từ năm 1903 đến năm 1917) và thành lập hiệp hội triển lãm Photo-Secession (TD: Nhiếp ảnh ly khai). 

Alfred Stieglitz cũng điều hành hàng loạt các phòng trưng bày có tầm ảnh hưởng, bắt đầu với 291. Ông sử dụng 291 không chỉ để triển lãm nhiếp ảnh mà còn để giới thiệu đến nước Mỹ các họa sĩ và nhà điêu khắc Hiện đại châu Âu cũng như nuôi dưỡng các nhân vật Hiện đại của riêng nước Mỹ – bao gồm cả người vợ sau này của ông, Georgia O’Keeffe. Khẳng định vị trí được đảm bảo của nhiếp ảnh trong các thể loại mỹ thuật, tác phẩm của Stieglitz cho thấy sự thành thạo kỹ thuật xuất sắc với sắc độ và kết cấu bề mặt, và hé lộ niềm đam mê khám phá khí quyển. Trong những năm sau đó, một phần do ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Lập thể và những xu hướng khác, ông bắt đầu quan tâm đến Nhiếp ảnh thẳng thắn (Straight Photography) cũng như ưa thích các hiệu ứng rõ ràng và ít màu mè hơn.

Các thành tựu

  • Stieglitz ban đầu nổi lên giữa hàng ngũ thực hành Nhiếp ảnh như hoạ (Pictorial photography). Ông đã tìm được sự công nhận cho loại hình nghệ thuật của mình bằng cách tạo ra các hiệu ứng tương tự với những hiệu ứng xuất hiện trong các phương tiện mỹ thuật khác như hội hoạ. Nhiều người đồng đạo với ông đã phải sử dụng đến cách hậu kỳ hình ảnh một cách tỉ mỉ để tạo ấn tượng về sự thủ công. Nhưng Stieglitz lại có thể sáng tạo nên những tác phẩm có phẩm chất tương tự với các tác phẩm hội hoạ Ấn tượng bằng cách dựa nhiều hơn vào các hiệu ứng bố cục cũng như sự thành thạo đối với sắc độ, đồng thời tập trung vào các hiệu ứng của tự nhiên như tuyết và hơi nước.

  • Những tác phẩm ban đầu của Stieglitz thường thể hiện sự phối hợp hài hòa giữa việc miêu tả các quy trình tự nhiên, phù du, mềm mại với các mô-típ từ ngành công nghiệp Mỹ. Với tinh thần lãng mạn, ông băn khoăn nhưng vẫn bị cuốn hút bởi sự trỗi dậy của quyền lực Mỹ và tìm cách xoa dịu sự tàn bạo hiển nhiên của nó bằng cách che giấu nó dưới vỏ bọc của tự nhiên.

  • Bàn tay con người (The Hand of Man) (1902). Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ. Khắc bằng ánh sáng (Photogravure)
  • Những tác phẩm sau này của Stieglitz phản ánh sự thoái trào của Nhiếp ảnh như hoạ, và sự phát triển của một cách tiếp cận mới đã khẳng định ý nghĩa của nhiếp ảnh như một lực lượng tiết lộ sự thật về thế giới hiện đại. Sử dụng nhiều mô típ hình học, hiệu ứng của tiêu điểm sắc nét và độ tương phản cao, những tác phẩm này ăn mừng một giai đoạn cơ giới hóa hơn của cuộc sống hiện đại ở Mỹ.

Tiểu sử Alfred Stieglitz

Tuổi thơ

Alfred Stieglitz được sinh ra ở Hoboken, New Jersey, vào thời điểm ngay trước khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc. Sinh ra trong gia đình nhập cư Do Thái gốc Đức, cha và mẹ là Edward Stieglitz và Hedwig Ann Werner, Alfred là con cả trong gia đình có 6 người con. Năm 1881, gia đình Stieglitz chạy qua Bờ biển phía Đông và quay trở lại Đức, hy vọng rằng hệ thống giáo dục của Đức sẽ thách thức cậu bé Alfred theo cái cách mà nước Mỹ không thể. Năm sau đó, thời điểm nhập học tại Trường Đại học Kỹ thuật (Technische Hochschule) ở Berlin là lần đầu tiên Stieglitz được tiếp xúc với nhiếp ảnh.

Đào tạo ban đầu

Mặc dù mục đích của Stieglitz là học để trở thành một kỹ sư cơ khí, ông đã mua chiếc máy ảnh đầu tiên vào năm 1882 và chụp lại khung cảnh của vùng nông thôn nước Đức. Với niềm đam mê nhiếp ảnh mới nhen nhóm, người nghệ sĩ tự học đã thực hành, nghiên cứu, và đưa ra lý thuyết về phương tiện mang tính tức thì này. 

Ảnh chân dung tự chụp của Stieglitz vào năm 1886

Trong suốt phần còn lại của thập kỷ, Stieglitz đã xuất bản các bài báo và đăng tải hình ảnh trên tạp chí Nhiếp ảnh gia nghiệp dư (Amateur Photographer) của Anh. Điều này đã mang lại cho ông danh tiếng trong giới tinh hoa nhiếp ảnh của châu Âu. Năm 1890, ông quay trở lại Mỹ để đoàn tụ với gia đình sau sự ra đi của người em gái Flora. Tại đây, ông đã lãnh đạo phong trào Nhiếp ảnh như hoạ – phong trào ủng hộ tính hợp thức về mặt nghệ thuật của nhiếp ảnh.

Thời kỳ trưởng thành

Sau khi đến thành phố New York, Stieglitz trở thành chủ sở hữu của một công ty non trẻ Photochrome Engraving. Không lâu sau đó, ông được bổ nhiệm làm đồng biên tập của tờ The American Amateur Photographer (Nhiếp ảnh nghiệp dư Mỹ), điều này đã củng cố vị trí của ông trong giới nhiếp ảnh – khi ấy vẫn còn là một ngách hẹp.

Một con kênh ở Venice (A Venetian Canal) (1894). Khắc bằng ánh sáng trên vơ-lanh màu kem dày vừa và có vân nhẹ

Tự xưng là nhà vô địch của nhiếp ảnh Mỹ, Stieglitz tìm kiếm một nơi tốt nhất để giới thiệu nó với công chúng. Ông tập trung hoàn toàn cho việc ra mắt tạp chí Camera Work – tiếng nói của phong trào Nhiếp ảnh ly khai. Những người Ly khai tập trung vào kỹ thuật và khả năng sáng tạo của nhiếp ảnh gia, thay vì chỉ tập trung vào bức ảnh được chụp. Nghe theo sự thúc giục của người bạn và cũng là nhiếp ảnh gia đồng nghiệp Edward Steichen, ông đã mở một không gian triển lãm có tên là Những phòng trưng bày nhỏ của Nhiếp ảnh ly khai (Little Galleries of the Photo-Secession). Có thể nói đây là hình thức trưng bày đầu tiên đặt tranh và ảnh trên cùng một bình diện thẩm mỹ.

Giai đoạn sau 

Khi phòng triển lãm 291 trở nên nổi tiếng, nó cũng trở thành không gian triển lãm cho những nghệ sĩ tiên phong. Nơi đây trưng bày các tác phẩm của Stieglitz và các nghệ sĩ Hiện đại Mỹ và châu Âu khác. Tác phẩm của bạn bè ông được đặt cạnh tác phẩm của những nghệ sĩ vĩ đại bậc nhất châu Âu như Pablo Picasso, Paul Cézanne và Henri Matisse. Một buổi triển lãm tại phòng trưng bày đã giới thiệu các nghệ sĩ và tác phẩm của họ với những người có ảnh hưởng mà viết và bình luận về nghệ thuật đương đại. Nhiều tác phẩm đã được quan sát bởi các nhà văn như William Carlos Williams, các nhà sưu tập như Leo Stein, và các thành viên của giới tinh hoa như biên tập viên Frank Crowinshield của tạp chí Vanity Fair.

Từ năm 1922 đến năm 1935, Stieglitz thực hiện hàng loạt tấm ảnh mà ông gọi là Những đẳng lượng (Equivalents). Stieglitz hướng máy ảnh lên bầu trời, chụp ảnh những đám mây và hy vọng những hình ảnh trừu tượng sẽ phản ánh ý định nghệ thuật của ông. Ông để hình ảnh ở cự ly gần, và chúng là thí nghiệm về hình dạng và bố cục.

Một tấm trong sê-ri Những đẳng lượng (1925). Những bức ảnh tưởng chừng đơn giản này đã góp một phần lớn vào việc truyền cảm hứng và thúc đẩy sự phát triển của Nhiếp ảnh Trừu tượng Mỹ

Sau đó, Stieglitz mở các phòng triển lãm là The Intimate Gallery (1925-30) và An American Place (1930-46), cả hai đều được kế thừa từ phòng triển lãm 291. Một triển lãm về tác phẩm của chính Stieglitz cũng đã được tổ chức bởi Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland vào năm 1937.

Stieglitz and O’Keeffe

Hai vợ chồng O’Keeffe tại triển lãm của John Marin năm 1942 ở An American Place

Stieglitz được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của Georgia O’Keeffe lần đầu tiên vào năm 1916. Dù nghệ sĩ không cho phép và cũng không biết gì, ông vẫn đã treo các tác phẩm của bà trong phòng trưng bày của mình. Khi bà phản đối việc đó, ông chỉ đáp: “Em không biết mình đã làm được những gì trong những bức tranh này đâu.” Sự kiện này cũng đã đánh dấu điểm khởi đầu cho mối quan hệ của họ.

Dù cặp đôi kết hôn vào năm 1924, tình yêu của họ đã sớm nảy nở sau lần gặp đầu tiên. Với tư cách là người chồng, chủ sở hữu phòng tranh, và người đề xướng chủ nghĩa hiện đại, Stieglitz đã quảng bá O’Keeffe như một nữ nghệ sĩ tinh hoa của thời đại. Năm 1917, Stieglitz bắt đầu thực hiện loạt ảnh chân dung Georgia O’Keeffe. Bốn mươi lăm trong tổng số 329 bức ảnh là hình ảnh O’Keeffe khỏa thân. Trong nhiều bức ảnh, Stieglitz đã cắt bớt hình và chỉ để lại một phần thân trần truồng hoặc ái vật hoá các bộ phận cơ thể. Loạt ảnh này như những tiết lộ về O’Keeffe trước công chúng. Bà trở nên nổi tiếng bởi ba lý do: tác phẩm nghệ thuật của bà, những bức ảnh của chồng bà về bà và sự khẳng khăng khẳng định của ông rằng bà là họa sĩ của sự-phụ-nữ.

Một bức ảnh Stieglitz chụp O’Keeffe năm 1923

Stieglitz bị đột quỵ và mất vào mùa hè năm 1946, khi O’Keeffe đang đi vắng trong chuyến du lịch dài ngày của bà đến Tây Nam.

(còn tiếp)


Nguyên bản tiếng Anh tổng hợp, viết, và biên tập bởi Những người cộng sự của The Art Story. Dịch sang tiếng Việt bởi Thuý An. Đề tựa tiếng Việt và hình ảnh minh hoạ bởi Hương Mi Lê

Nguồn: https://www.theartstory.org/artist/stieglitz-alfred/