Từ ngày 16/9/2022 đến ngày 30/9/2022, tại Vy Gallery – 20 Nguyễn Văn Thủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Noirfoto đã mang đến giới chuyên môn, các nhà sưu tập và công chúng yêu nghệ thuật một triển lãm vô cùng độc đáo mang tên “Chloris” trưng bày bộ tác phẩm được thực hiện bằng kỹ thuật lumen printing của Nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc. Bộ tác phẩm khai thác các loài hoa và được thực hiện bằng một kỹ thuật nhiếp ảnh hoàn toàn mới tại Việt Nam: “in nắng trên giấy ảnh đen trắng” hay lumen print.
Với ý niệm nghệ thuật độc đáo cùng màn trình diễn kỹ thuật lumen printing điêu luyện mà kết quả là những tác phẩm nghệ thuật thị giác mang lại hiệu ứng kỳ ảo, choáng ngợp, lộng lẫy, thăng hoa nhưng lại vô cùng thân mật, ấm cúng, triển lãm nghệ thuật Chloris là một thành công ngoạn mục cả về truyền thông lẫn thương mại, chính thức khẳng định khả năng của Ngọc như một nhà giả kim khi có thể “điều khiển” các yếu tố tự nhiên để sáng tạo nghệ thuật.
Là một người theo đuổi các kỹ thuật nhiếp ảnh thủ công, Ngọc luôn thử nghiệm với những kỹ thuật phức tạp và còn có ít người thực hiện trên thế giới, góp phần vào quá trình giữ gìn các giá trị của phương thức tạo hình ảnh kinh điển, đồng thời thách thức giới hạn cũng như thúc đẩy sự phát triển của nhiếp ảnh. Cốt lõi trong thực hành của anh là sự kết hợp bền chặt giữa tay nghề thủ công tinh xảo, hiểu biết thấu đáo về chất liệu, và ý niệm nghệ thuật khi sáng tác. Bộ tác phẩm Chloris ra đời cũng là một minh chứng rõ ràng cho tôn chỉ làm việc của anh.
Chloris là nữ thần của các loài hoa trong thần thoại Hy Lạp từ ba thiên niên kỷ trước. Các bức ảnh được thực hiện hoàn toàn không dùng máy ảnh mà với hoa thật tương tác trực tiếp trên giấy ảnh phủ Bạc Chloride. Bộ tác phẩm chia làm hai phần Bất tử và Tái sinh.
Trong tuyên ngôn tác phẩm của Chloris Bất tử, Ngọc đã viết “Bằng hành vi của sự chết, linh hồn rời bỏ những cánh hoa mong manh chóng tàn để hiện thân trong giấy ảnh và trở nên bất tử.” Những bông hoa được sắp đặt trên giấy ảnh đen trắng và phơi dưới nắng mặt trời. Sử dụng ánh nắng, thời gian phơi khác nhau, nhiệt độ, độ ẩm, những đám mây làm thay đổi điều kiện ánh sáng, gió… và cả những tính chất riêng của hoa như độ dày của cánh hoa và thậm chí là các chất lỏng tiết ra từ hoa…, những bông hoa tạo ra hình ảnh của chính mình.
Kết quả của quá trình này là những tác phẩm độc bản thực sự diệu kỳ và độc đáo. Tuy được thực hiện trên giấy ảnh đen trắng, những tác phẩm của kỹ thuật in nắng lại có rất nhiều màu sắc. Hiệu ứng thị giác do kỹ thuật này tạo ra cũng vô cùng đa dạng và khó đạt được bởi một kỹ thuật hội họa hay in ấn bất kỳ nào khác. Đường nét hình ảnh vừa kỳ ảo mềm mại lại vừa có thể rất rõ nét, có những tấm hình giống chụp X-quang, có tấm giống như những bông hoa đang chìm dần vào một màn sương mù, có tấm lại giống như thể bông hoa đang rực cháy… đưa người xem từ bất ngờ này tới thú vị khác.
Lấy cảm hứng từ những bức tranh khổ lớn thể hiện cận cảnh những đoá hoa qua con mắt trừu tượng của Georgia O’Keeffe, bộ tác phẩm Chloris Tái sinh nỗ lực đi sâu vào từng chi tiết nhỏ nhất để ghi nhận cái to lớn và vĩ đại. Các tác phẩm gây ấn tượng với hiệu ứng thị giác độc đáo – sự ẩn hiện chồng lớp như sơn mài của từng tác phẩm là kết quả của kỹ thuật tinh vi phức tạp và tiềm năng đáng kinh ngạc của chất liệu giấy ảnh đen trắng.
Nếu như Chloris Bất tử là một cố gắng lưu giữ linh hồn và vẻ đẹp vốn sớm nở chóng tàn của các loài hoa bằng cách khiến chúng tự “hoá thạch” trong thời gian, trên giấy ảnh, và do đó bất tử, Chloris Tái sinh làm tái sinh hoa trong một hoá thân hoàn toàn khác. Tại đây, người nghệ sĩ không chỉ chủ động trong việc tạo hình mà kết liễu sự tồn tại vốn có của hoa một cách không khoan nhượng bằng một quy trình khốc liệt.
Trong ánh sáng và sức nóng mãnh liệt, mọi tinh chất của hoa từ từ bị rút kiệt, hình hài bị biến đổi, thân xác cũ bị giày vò trong một “hoả ngục” đến tan nát để linh hồn tái sinh trong một hiện thể mới. Như triết lý luân hồi, vạn vật đều có thể hồi sinh chuyển kiếp trong mọi hình hài và hùng vĩ như cách loài phượng hoàng lửa huyền bí bốc cháy rồi tái sinh từ đống tro tàn, người nghệ sĩ tái sinh những bông hoa trong một hình hài kỳ ảo chưa từng tồn tại trước đấy, mang vẻ đẹp của một tinh vân hay cả một dải ngân hà.
Chloris Tái sinh là sự đối lập trong hòa hợp của vi mô và vĩ mô, của âm và dương, của ánh sáng và bóng tối, của hình ảnh và vật thể, của cái chết và tái sinh.
Vào tháng 03/2019, Ngọc đã có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên 9 – Paris in Black and White với những bức ảnh rọi từ những thước phim đen trắng được chụp tại Paris từ 9 năm trước đó. Trong triển lãm, khán giả không những được chiêm ngưỡng những hình ảnh buồn, đẹp, chất chứa tự sự cá nhân về thành phố Paris vốn hoa lệ của một chàng trai trẻ rong ruổi với những mộng mơ, mà còn là những bức ảnh được rọi tay với độ tinh xảo cao và kích thước lớn chưa từng có lúc bấy giờ tại Việt Nam. Đến tháng 12/2019, Ngọc tự phá kỷ lục này và rọi những bức ảnh lớn còn hơn nữa cho nghệ sĩ nhiếp ảnh gia Caleb Stein trưng bày tại triển lãm Tỏa III của VCCA. Trong triển lãm cá nhân thứ hai, sau ba năm, Phạm Tuấn Ngọc tiếp tục mang lại một bất ngờ lớn cho khán giả, đồng thời thể hiện bước tiến sâu sắc với thực hành độc đáo của mình, góp phần làm đa dạng hoá bức tranh nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Khi được hỏi về trải nghiệm triển lãm nghệ thuật thị giác “Chloris”, khách tham dự triển lãm đã dành vô số mỹ từ như “choáng ngợp”, “ấn tượng”, “ngây ngất”, “không thể tưởng tượng nổi”, “xúc động”, “thực sự kết nối”… Triển lãm Chloris cũng đánh dấu một thành công vượt bậc của Noirfoto trên tư cách đơn vị tổ chức triển lãm nghệ thuật thông qua việc không chỉ mang đến một bộ tác phẩm có một không hai về kỹ thuật thực hiện, hoàn hảo về thẩm mỹ, rúng động về nội hàm… mà còn chứng minh được tính mới mẻ, đột phá của nhiếp ảnh nghệ thuật. Với tỷ lệ được sưu tập hơn 50%, triển lãm “Chloris” khẳng định các tiêu chí không bao giờ thay đổi của một tác phẩm được sưu tập: Sự kết nối với nhà sưu tập, tác phẩm được hoàn thiện ở trình độ bậc thầy, nội hàm và thông điệp sâu sắc. Điều này cũng cho thấy, trong tương lai không xa, các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật “xứng đáng” sẽ ngày càng xuất hiện dày đặc hơn trong danh mục sưu tập.